"Trận chiến" mới - cũ trong âm nhạc
Bản hit đạt lượng stream cao nhất năm 2021 là Levitating của Dua Lipa với chỉ hơn 600 triệu lượt.
"Phải chăng nhạc cũ đang giết chết nhạc mới?" trên tạp chí Atlantic, một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra trên nhiều chuyên trang, podcast và diễn đàn âm nhạc.
Tác giả bài báo khẳng định rằng dù định nghĩa "cũ" của MRC Data chỉ là đã phát hành trên 18 tháng, và rằng có thể phần lớn trong số 70% này là những bản nhạc có tuổi đời là 2 năm chứ không phải 60 năm, nhưng quả thực những khoản đầu tư lớn gần đây của các hãng ghi âm đều liên quan tới những tên tuổi đã già hoặc đã chết.
Những bài viết phản đối thì cho rằng danh sách 100 bản nhạc được stream nhiều nhất lịch sử của Spotify, chỉ có Bohemian Rhapsody của Queen, Wonderwall của Oasis, Lose yourself của Eminem và Mr.Brightside của The Killers thực sự cũ, còn lại đều là nhạc trong thập niên thứ 2 của thế kỷ 21.
Nói chung, con số 70% của MRC Data còn quá mông lung để đưa ra kết luận âm nhạc có đang già hóa, nhưng còn một con số khác cũng trong thống kê này đáng nói hơn nhiều: 200 ca khúc thịnh hành nhất hiện tại chỉ chiếm 5% lượng streaming; ba năm trước, năm 2018, con số này cao gấp đôi.
Ví dụ cụ thể hơn: năm 2018, bản hit đạt lượng stream cao nhất là God’s plan của Drake với hơn 1,5 tỉ lượt; còn năm 2021, vị trí này thuộc về Levitating của Dua Lipa với chỉ hơn 600 triệu lượt.
Ngược lại, số lượng ca khúc đạt trên 1 triệu lượt streaming của năm 2021 lại tăng lên 36% so với năm 2018! Điều này hàm ý rằng, trong khi những bản hit thu hẹp sức ảnh hưởng thì lại có nhiều hơn những bản nhạc tạo nhiệt nhẹ.
Dù tưởng không liên quan, nhưng những thương vụ tái đầu tư vào các huyền thoại có mối liên hệ mật thiết với việc ngày nay, một bản nhạc trở thành hit không có nghĩa nó đạt tới sự thống trị.
Những năm 1920 - 1940 của thế kỷ trước, các hãng thu âm nắm trong tay cả âm nhạc và công nghệ. Chẳng hạn như RCA, một thời là hãng đĩa bán chạy nhất thế giới, vừa là mái nhà của Duke Ellington, Enrico Caruso hay Louis Armstrong, vừa là đơn vị phổ biến hóa radio, máy chạy đĩa, tivi - những phương tiện nghe nhạc.
Nhưng quyền lực trong âm nhạc giờ đã chuyển từ các tập đoàn ghi âm sang các ông trùm công nghệ như Apple, Google, Spotify hay TikTok, những người với mục tiêu chỉ là kiếm được nhiều tiền nhất từ những cú click.
Không thể nắm trong tay chính hoạt động kinh doanh của mình hay xu hướng nghe nhạc khó lường, trong vài năm qua, các tập đoàn ghi âm đồng loạt dồn tiền mua catalogue nhạc cũ của Bob Dylan, Paul Simon, Whitney Houston, Sting... thay vì đem số tiền đó nuôi "gà mới".
Việc thị trường ngày càng bị chia vụn vốn khiến những bản hit đương thời không thể phủ sóng rộng khắp lại tạo ra khoảng trống để đưa di sản xưa trở lại.
Trên tạp chí Rolling Stone, một thành viên của Hãng Warner Music đã kể cách lên kế hoạch tái marketing cho Fleetwood Mac ra sao để ban nhạc thập niên 1970 trở thành một trong những nghệ sĩ có tốc độ tăng trưởng lượng streaming nhanh nhất, hay làm sao để mang lại thành công cho playlist Led Zeppelin.
Tất cả đều dựa vào cơ chế linh hoạt của streaming, rằng dù một khán giả trẻ nghe Drake suốt ngày và chỉ nghe Stairway to heaven, ca khúc mà cha mẹ họ yêu thích, vài lần một năm, thì dịch vụ stream vẫn ghi nhớ điều đó và gợi ý thêm những bản nhạc gần giống với Stairway to heaven. Vậy là, thế giới nhạc cũ đã mở ra.
Nói nhạc cũ đang giết chết nhạc mới là không đúng, nhưng quả đang có một cuộc chiến Titan như thần thoại Hy Lạp, khi các vị thần trẻ trung của đỉnh Olympus giao tranh cùng các vị thần Titan cổ xưa.
Trong bối cảnh ngày nay, ai thắng thì chưa biết, nhưng nếu là phe Titan thì những người yêu nhạc cũ sẽ khó mà lên mặt buông câu: "Lũ trẻ ngày nay không có gu!" nữa.