1. Trang chủ /
  2. Tràn lan content độc hại trên Tiktok, Youtube, Facebook của các "chuyên gia tự xưng"

Tràn lan content độc hại trên Tiktok, Youtube, Facebook của các "chuyên gia tự xưng"

thứ bảy, 8/4/2023 23:38 GMT+07
Gần đây, mạng xã hội dậy sóng vì một số cá nhân chia sẻ các nội dung có định hướng sai lệch về tư duy, lối sống; trong khi đối tượng người xem của họ chủ yếu là người trẻ.
Bên cạnh ý kiến chỉ trích, một bộ phận khán giả nhỏ tuổi vẫn ủng hộ, cổ vũ K. Bên cạnh ý kiến chỉ trích, một bộ phận khán giả nhỏ tuổi vẫn ủng hộ, cổ vũ K.

Gần đây, một nữ YouTuber tên K. đã gây sốc khi đăng tải video có tựa đề "Những lần mình kiếm tiền trên Tinder", dạy các bạn nữ cách "kiếm tiền" từ các bạn nam qua ứng dụng hẹn hò. Trong video, nữ YouTuber lần lượt chia sẻ các cách để "bỏ túi" trong những cuộc hẹn, từ vài trăm nghìn tiền di chuyển taxi hay thù lao viết hộ hồ sơ Tinder, cho đến vài triệu đồng tiền "phạt" đối phương đến muộn.

Biết được em gái mình đã theo dõi nữ YouTuber này từ lâu, Đức Hiển (22 tuổi) chia sẻ: "Khi các thông tin về K. nổi rầm rộ trong thời gian gần đây, mình giật mình bởi biết em gái có theo dõi YouTuber trên. Xem video, mình thấy K. khuyến khích lối sống thực dụng, dựa dẫm khi biến động cơ của mỗi buổi gặp mặt là có một ít tiền mang về thay vì nhu cầu tìm hiểu ai đó. Mình lo lắng em gái theo dõi K. sẽ có cái nhìn lệch chuẩn về việc chuyện hẹn hò, tình cảm".

Giới trẻ hoang mang bởi nội dung độc hại tràn lan mạng xã hội - Ảnh 1.
Bên cạnh ý kiến chỉ trích, một bộ phận khán giả nhỏ tuổi vẫn ủng hộ, cổ vũ K.

Ở một video khác với tựa đề "Mình bịa CV để đi xin việc thế nào?", K. kể về cách mình khai khống bằng cấp, ghi tên người tham chiếu giả… khi làm CV để được nhận vào các công ty. Chia sẻ về cách mình tốt nghiệp đại học, K. tự hào: "Mình đi học thì mình không học hành mấy đâu, chủ yếu là mình chém gió với bạn bè và mình làm bạn với những người gần số báo danh hoặc cùng tên với mình, để khi mình vào phòng thi người ta còn nhắc bài. Mình ra được trường là nhờ mình tương tác với nhiều người họ nhắc bài cho mình, và thứ hai là khả năng giở phao vô cùng đỉnh của mình".

Đáng tiếc, những nội dung độc hại như trên lại lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Dù phần lớn người xem phản đối, chỉ trích K. về việc lan truyền lối sống độc hại trong chuyện hẹn hò, kiếm tiền,... nhưng một bộ phận khán giả đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi vẫn có những bình luận ủng hộ, cổ vũ cô gái tiếp tục sản xuất nội dung, thậm chí coi K. là "thần tượng" để noi theo.

Không lâu trước đó, nhiều clip "hướng nghiệp" với chủ đề "những bằng đại học vô dụng nhất" xuất hiện trên TikTok, thu hút hàng triệu lượt xem. Những ngành học như quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, marketing, quản trị nhân sự,... bị các TikToker liệt kê là những ngành có bằng đại học vô dụng nhất. Các thông tin từ những video này thường thiên kiến, một chiều; gây hoang mang cho một bộ phận học sinh sắp bước vào kỳ thi đại học.

Là một học sinh đang tìm hiểu về các ngành học đại học, Vũ An (17 tuổi) không khỏi hoang mang bởi em đang định hướng theo ngành quản trị kinh doanh. "Nghe những thông tin rằng ngành quản trị kinh doanh dễ thất nghiệp, chung chung, học ngành này không đào sâu bất kỳ chuyên môn nào,..., lựa chọn của em có lung lay đôi chút. Tuy nhiên, sau khi hỏi lại các anh chị đã thực sự theo học ngành này, em đã vững tin hơn và không để những thông tin trên ảnh hưởng đến quyết tâm của mình".

Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế tài chính TPHCM, việc các "chuyên gia nghiệp dư" đưa ra những thông tin tràn lan, thiếu căn cứ sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chọn lựa ngành học của thí sinh.

"Trước mạng lưới thông tin đa chiều thí sinh cần tỉnh táo, bình tĩnh chọn lọc kênh thông tin, nội dung thông tin. Thí sinh nên theo dõi và tìm hiểu thông tin từ các kênh chính thống như website của các trường, các tờ báo uy tín, đài truyền hình, đài phát thanh...", ThS.Nguyên chia sẻ.

Giới trẻ hoang mang bởi nội dung độc hại tràn lan mạng xã hội - Ảnh 2.
Nhiều TikToker đưa thông tin theo hướng giật gân, câu view.

Những video đưa ra lời khuyên về chuyện học hành, tình cảm, gây dựng sự nghiệp như trên hướng đến đối tượng mục tiêu là nhóm thanh, thiếu niên. Nhóm người này thường thiếu kinh nghiệm, khả năng đánh giá và xác thực thông tin còn chưa hoàn thiện. 

Ðứng trước "ma trận" nội dung trên mạng xã hội, nếu không được trang bị những kiến thức cần thiết và các biện pháp sử dụng nền tảng một cách an toàn, người trẻ rất dễ bị đầu độc bởi nội dung xấu và thậm chí vô tình trở thành nạn nhân của những trào lưu độc hại.

Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, Quốc Hưng (20 tuổi) cho biết: "Là một sinh viên ngành IT, mình nhận thấy mối nguy của những nội dung xấu này còn đến từ thuật toán của mạng xã hội. Các trang mạng này rất dễ nắm bắt thói quen của người dùng, vì vậy khi tiếp cận với nhiều nội dung xấu thì mạng xã hội sẽ mau chóng gợi ý những nội dung tương tự. Khi ấy, các content độc hại sẽ hiển thị ngày càng nhiều với người đó".

Trước thực trạng những nội dung độc hại tràn lan trên mạng xã hội, bất cứ ai cũng cần chủ động bảo vệ mình. Kỹ năng chọn lọc thông tin; tìm cho mình những nguồn tham khảo uy tín, chính thống là vô cùng cần thiết đối với người trẻ thời đại mới. Những hành động quyết liệt như báo cáo vi phạm, lên án tẩy chay… của người dùng đối với nội dung 'bẩn' sẽ góp phần nâng cao chất lượng, chuẩn mực của mỗi sản phẩm sáng tạo. Ngoài ra, các nhà sáng tạo trên mạng xã hội cũng cần nêu cao trách nhiệm của mình trong việc sản xuất những nội dung có ích cho sự phát triển của cộng đồng.