Tràn lan thủ đoạn lừa đảo làm giả hóa đơn chuyển tiền của ngân hàng
Lấy tiền thật, trả tiền “ảo”
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hình thức thanh toán trực tuyến qua những kênh giao dịch online từ các ngân hàng là sự xuất hiện nhiều thủ đoạn lợi dụng các hình thức thanh toán này để chiếm đoạt tài sản.
Nhiều đối tượng đã làm giả các hóa đơn xác nhận giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng điện tử (Internet Banking) gửi cho các nạn nhân để lừa mua hàng, thanh toán. Không ít người đã dính bẫy để giao hàng, đưa tiền mặt, chấp nhận thanh toán… cho đối tượng lừa đảo.
Từng bị rơi vào bẫy lừa đảo do nhận hóa đơn giả chuyển tiền mua hàng, chị Nguyễn Thị Mỹ Thuyền, chủ một cửa hàng bán mỹ phẩm tại TP Hồ Chí Minh cho biết đây là một thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi với giao diện hóa đơn giống như thật.
Theo chị Thuyền, các đối tượng lừa đảo thường lựa chọn những người hằng ngày có nhiều giao dịch trong tài khoản để người nhận không đề phòng. “Những giao dịch khác bình thường, tuy nhiên riêng giao dịch của chị khách mua hàng này tôi không nhận được tiền. Bình thường tôi cũng ít khi kiểm tra tiền vào tài khoản, tuy nhiên nhân viên chỉ cần gửi hình giao dịch thành công là tôi chốt”, chị Thuyền nói.
Suýt mất 70 triệu đồng từ hóa đơn giả, chị Bùi Thị Thủy, chủ một cửa hàng thời trang tại Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo này thường nhắm vào các cửa hàng lớn có số lượng đơn đi và giao dịch nhiều.
Chị Thủy cho biết: “Khách hàng này làm việc với tôi qua mạng xã hội và tài khoản ảo, sau khi 1-5 hóa đơn đầu chuyển khoản trót lọt tạo được lòng tin, thành khách quen thì bắt đầu dùng app sửa hóa đơn tiền tạo giao dịch ảo. Vì tin tưởng là khách quen nên có ảnh giao dịch chuyển khoản thành công là tôi cho đi hàng”.
Từ một vài giao dịch “qua mặt” thành công, chị Thủy cho biết số tiền lừa đảo qua hóa đơn đã lên tới gần 70 triệu đồng. Sau khi phát hiện đây là các giao dịch ảo, chị Thủy cho biết đã tra ra người mua hàng lừa đảo và thỏa thuận trả lại toàn bộ số tiền đã mua hàng.
“Lừa đảo bây giờ tinh vi lắm, có những app sửa ảnh chuyển khoản rất giống, nhìn không thể phân biệt được thật giả, vì vậy hãy chờ và kiểm tra tiền về tài khoản rõ ràng mới tin tưởng được”, chị Thủy nói.
Bùng bổ thủ đoạn làm giả hóa đơn công khai
Trên mạng xã hội thời gian gần đây xuất hiện nhiều hội nhóm, tài khoản công khai làm giả hóa đơn chuyển tiền của các ngân hàng. Với các thủ đoạn tinh vi, khẳng định làm “giống như thật”, nhiều nạn nhân đã mắc bẫy khi nhận những hóa đơn chuyển tiền giả.
Tại trang có tên “Fake bill chuyển khoản ngân hàng” chuyên mua bán và tạo hóa đơn chuyển tiền giả trên mạng xã hội, nhiều hóa đơn chuyển tiền giả từ rất nhiều các ngân hàng khác nhau được chào bán một cách công khai. Khẳng định “bill nét, chuẩn ngân hàng 100%, độc quyền”, trang cung cấp này đang thu hút tới 6,5 nghìn lượt thích và theo dõi.
Với giá tiền từ vài chục nghìn đồng cho một giao dịch, quản lý trang này cho biết khi làm tại đây sẽ có giá cao hơn so với những nơi khác. “Bên khác làm 5 ngân hàng còn bên mình hỗ trợ 13 ngân hàng kể cả ví điện tử MOMO, rất khó để phát hiện, bill rõ nét, không ảo”, trang này cho biết.
Hoạt động cung cấp và mua bán hóa đơn chuyển khoản giả đang được diễn ra một cách công khai, lộ liễu trên mạng xã hội, từ các loại hóa đơn giao dịch tới biến động số dư, số dư tài khoản đầy đủ thông tin người chuyển, người nhận, ngày giờ… để tiếp tay cho các hoạt động lừa đảo.
Để tránh bị lừa đảo, cơ quan Công an khuyến cáo hiện nay có rất nhiều trang web có khả năng tạo ra ủy nhiệm chi giả của các ngân hàng. Người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, chỉ khi tiền đã vào tài khoản của mình mới tiếp tục thực hiện các giao dịch khác.