1. Trang chủ /
  2. Tránh cạnh tranh không lành mạnh trong ngành hàng không

Tránh cạnh tranh không lành mạnh trong ngành hàng không

thứ sáu, 2/6/2023 10:25 GMT+07
Hiện với những hành trình dài và đặc thù, mang tính mùa vụ thì hàng không vẫn có sự độc quyền rất ngẫu nhiên. Do đó vẫn cần Nhà nước can thiệp thông qua quy định giá trần, kết hợp giá sàn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Hàng không vẫn có sự độc quyền ngẫu nhiên với những hành trình dài, đặc thù và mang tính mùa vụ. Ảnh minh họa. Hàng không vẫn có sự độc quyền ngẫu nhiên với những hành trình dài, đặc thù và mang tính mùa vụ. Ảnh minh họa.

Giá vé máy bay làm nóng nghị trường Quốc hội

Chiều 23/5, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, quan điểm của Chính phủ là đề nghị giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Đa số đại biểu Quốc hội cũng tán thành việc cần giữ quy định về giá trần, bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là cần thiết, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh báo cáo Quốc hội.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) nhất trí với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Tuy nhiên đối với mức giá 0 đồng của hãng hàng không, đại biểu khẳng định thực chất không có vé máy bay giá 0 đồng; mức giá 0 đồng là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định.

Do đó cần xem xét điều chỉnh thuật ngữ “mức giá 0 đồng” bằng những thuật ngữ phù hợp như “giá ưu đãi” hoặc “giá khuyến mại” nhằm tránh lợi dụng, lạm dụng và cũng thể hiện được tính minh bạch trong Luật Cạnh tranh và Luật Giá.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là của nhiều đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không.

Qua đó giảm chi phí xã hội cho các nhu cầu vận chuyển của người dân cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cần thiết có sự điều tiết của Nhà nước về dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, vẫn bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh, không gây tác động xấu đến các doanh nghiệp hàng không.

Đồng tình với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ giá sàn nhưng giữ giá trần, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm, nếu không giữ được giá trần thì chức năng quản lý nhà nước không còn trong việc định giá.

Khi đó các cơ quan, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quyết định giá dịch vụ, các cảng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra những giá dịch vụ, giá vé máy bay ở mức rất cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến xã hội.

Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, bảo đảm các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Đồng thời tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ nhằm kích cầu và khuyến khích người dân tham sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.

Hài hòa lợi ích để người thu nhập thấp vẫn có thể đi máy bay

Thực tế cho thấy dù chưa áp giá sàn hay bỏ giá trần nhưng vào mỗi dịp cao điểm các kỳ nghỉ lễ, Tết; giá vé máy bay luôn hết sức nóng bóng. Điển hình vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và Giỗ tổ Hùng Vương kéo dài 5 ngày mới đấy, giá vé máy bay liên tục “nhảy múa” đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch và kế hoạch di chuyển của người dân.

tranh canh tranh khong lanh manh trong nganh hang khong hinh 2
Giá vé máy bay tăng cao sẽ đẩy giá du lịch trong nước tăng theo cùng với sự cạnh tranh từ các điểm đến du lịch nước ngoài; du lịch nội địa Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Ảnh minh họa.

Quê huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa), hai vợ chồng chị Gia Huệ đã vào tỉnh Bình Dương làm ăn, sinh sống từ lâu. Chị Huệ chia sẻ, mỗi khi dịp Tết đến xuân về hay nghỉ lễ dài ngày muốn về quê thăm bố mẹ, họ hàng là chị phải bỏ ra vài ngày để “săn vé máy bay” giá rẻ.

Với chị Huệ tấm vé máy bay là cả một khoản chi phí lớn. May mắn có được vé máy bay giá rẻ thì bớt đi phần nào nhưng có khi chị phải bỏ cả tháng lương, thậm chí nếu vé cao quá thì bắt buộc phải lựa chọn phương tiện khác để về quê.

Như trước đây nếu chỉ có Vietnam Airlines cung cấp dịch vụ tương đối cho tầng lớp khách hàng khá cao cấp thì sau này có thêm Vietjet Air đã chọn tầng lớp khách hàng bình dân, thu nhập thấp hơn với vé giá rẻ hơn. Nếu áp chung giá sàn hành khách sẽ không có sự lựa chọn và từ đó sẽ cân nhắc trong việc di chuyển bằng máy bay, chị Huệ nói.

Trao đổi với PV, một chuyên gia kinh tế nhận định, chúng ta đã có Luật Cạnh tranh để quy định phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc rõ ràng nhằm bảo đảm pháp luật về cạnh tranh, chống bán phá giá giữa các hãng hàng không.

Bối cảnh Việt Nam hiện nay chưa có được điều kiện lý tưởng như các nước về sự đa dạng và phổ biến của các phương tiện giao thông. Việc giữ quy định giá trần đối với giá vé máy bay hàng không nội địa là cần thiết.

Giai đoạn 2016 - 2017, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã quyết định bỏ giá vé máy bay tối thiểu sau một thời gian ngắn áp dụng vì nhận ra mất nhiều hơn được khi đánh mất lợi thế cạnh tranh với các hãng hàng không khác trong khu vực. Mỹ cũng đã bỏ quy định về giá sàn sau một thời gian áp dụng từ 1938 đến 1978. Ngành du lịch các quốc gia này bị sụt giảm vì giá vé bay kém cạnh tranh.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai, nếu tập trung phát triển nhiều loại hình giao thông khác như đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc sẽ giúp áp lực đối với việc di chuyển bằng hàng không giảm xuống. Từ đó chia sẻ thị phần giao thông tốt hơn, khi đó mới tính đến chuyện bỏ trần giá để bảo đảm theo cơ chế thị trường.

Nhưng hiện với những hành trình dài và đặc thù, mang tính mùa vụ thì hàng không vẫn có sự độc quyền rất ngẫu nhiên. Do đó vẫn cần Nhà nước can thiệp thông qua quy định giá trần, kết hợp giá sàn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.

Khi thị trường hàng không nội địa không còn sự cạnh tranh thì sẽ rất khó để các hãng hàng không Việt Nam vươn ra thế giới được. Trong khi vẫn sẽ chịu cạnh tranh trực tiếp từ nước ngoài trong tương lai và đó là điều rất nguy hại cho lĩnh vực hàng không Việt Nam khi đã, đang hội nhập rất sâu rộng.