Trao giải báo chí viết về giảm ô nhiễm nhựa đại dương lần thứ 2
Vượt qua hơn 310 tác phẩm báo chí của 70 tác giả gửi tham dự Giải báo chí về “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” lần thứ 2, phóng sự “Cuộc chiến rác thải nhựa” của nhóm tác giả Đỗ Thị Hòa - Phạm Ngọc Phức (VTV24) đã xuất sắc giành giải nhất của chương trình.
Giải báo chí về “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” do Báo điện tử VTC News phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP - Việt Nam), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF - Việt Nam) và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp tổ chức thường niên từ năm 2021.
Phát biểu tại lễ trao giải diễn ra chiều 25/10, tại Hà Nội, ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc VOV nhấn mạnh tiếp nối thành công từ giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” lần thứ nhất, năm 2022, giải báo chí này tiếp tục được tổ chức nhằm thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW - Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Giải cũng là sự ghi nhận và tôn vinh các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền về giảm ô nhiễm nhựa đại dương; qua đó phát huy vai trò chủ lực của báo chí trong công tác truyền thông giảm ô nhiễm nhựa cũng như góp thêm tiếng nói quan trọng để thúc đẩy hành động thiết thực của từng cá nhân, doanh nghiệp, Chính phủ và cộng đồng để cùng giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương hiện nay.
Trải qua 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 tác phẩm báo chí của 145 tác giả, nhóm tác giả đến từ 19 tỉnh thành, 70 cơ quan báo và tạp chí.
Các tác phẩm báo chí tham gia giải năm 2022 được Ban tổ chức đánh giá cao. Nhiều tác phẩm báo chí được trình bày hiện đại, công phu dưới dạng Mega Story, E-magazine, bài viết kèm các phóng sự truyền hình hấp dẫn; một số tác phẩm thể hiện được sự dấn thân của tác giả để có những hình ảnh ấn tượng, thông tin độc đáo.
Đặc biệt, các tác phẩm đạt giải đều có câu chuyện đặc biệt về vấn đề môi trường, nỗi lòng của người dân trước vấn nạn rác thải nhựa tràn lan. Các tác phẩm không chỉ phản ảnh thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa mà còn đưa ra giải pháp giúp chính quyền địa phương, doanh nghiệp ngăn chặn và tái chế các sản phẩm từ nhựa.
[Việt Nam tăng cường quản lý giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương]
Trên cơ sở đó, Hội đồng giám khảo đã tham gia xét chọn công khai, khách quan, chính xác, qua đó giúp Ban tổ chức có căn cứ chính xác để khen thưởng 13 tác phẩm xuất sắc nhất; trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích và 2 giải phụ.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã tổ chức lễ trao giải Cuộc thi ảnh khu vực ASEAN “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển,” qua đó ghi nhận, cổ vũ, động viên các tổ chức, cá nhân khu vực ASEAN trong những năm qua đã tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền về giảm ô nhiễm nhựa đại dương.
Cuộc thi có hơn 7.500 tác phẩm ảnh của hơn 2.700 tác giả đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Campuchia); trong đó có nhiều tác phẩm của các cháu học sinh tiểu học, trung học cơ sở tham gia.
Qua 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban tổ chức đã quyết định khen thưởng 11 tác phẩm xuất sắc nhất; giải nhất thuộc về tác giả Winniwat Traitongtanarat (Thái Lan) với tác phẩm “Plastic.”
2 giải nhì thuộc về bộ ảnh “Du khách nước ngoài dọn rác sau bão Noru ở Hội An” của tác giả Phạm Đăng Khiêm (Việt Nam) và tác phẩm “The Plastic sea grass” của tác giả Sirilert Phonsin (Thái Lan). Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao 3 giải ba và 5 giải khuyến khích cho các tác giả.
Chia sẻ tại lễ trao giải, bà Ramla Al Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh trước thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương hiện nay, tất cả chúng ta đều cần chia sẻ trách nhiệm trong việc ứng phó với ô nhiễm môi trường biển.
“Người tiêu dùng hãy nói không với nhựa dùng một lần. Nếu không thể sử dụng lại sản phẩm nhựa đó, chúng ta nên từ chối nó. Những thay đổi nhỏ mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống hàng ngày này sẽ tạo ra tác động lớn,” bà bà Ramla Al Khalidi nói./.