Tri ân những "người đưa đò"thầm lặng
Vừa là cô giáo, vừa là mẹ hiền
Gần 10 năm dạy học, cô Trà Thị Thu (SN 1994), Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã “băng rừng, đội nắng”, để truyền đạt kiến thức. Không dừng lại ở đó, cô giáo trẻ kêu gọi hỗ trợ để học sinh có bữa cơm no, lớp học khang trang, an toàn vùng rốn lũ.
Năm 2014, Thu được ký hợp đồng giảng dạy tại trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập. Cô giáo trẻ nhớ mãi tâm trạng háo hức được dạy học, nhưng hành trình đến với ngôi trường không như cô giáo trẻ mơ mộng. Đó là một hành trình gian khó.
Gian khó vì phải đi bộ, leo dốc hơn 4 giờ đồng hồ trong thời tiết khắc nghiệt mới đến trường. Một ngôi trường ẩm thấp, không điện, không sóng điện thoại. Thế nhưng, cô giáo trẻ quên hết mọi vất vả khi nhìn 40 học trò ở ngôi trường nhỏ đó với những đôi mắt trong veo, gương mặt lem luốc cùng vốn tiếng Việt ít ỏi. Tối tối, cô gạt những giọt nước mắt trong nỗi sợ, cô đơn và nhớ nhà khôn nguôi.
Khó khăn ngoài sức tưởng tượng đã khiến cô giáo trẻ thoáng nghĩ tới việc rời bỏ công việc yêu thích. Nhưng ngày qua ngày, tiếng “ê...a” đọc bài của những em nhỏ vùng cao ngoan hiền, trong sáng; sự đùm bọc của bà con thôn bản đã níu chân cô. Năm học đầu tiên 2014 - 2015 dần trôi qua êm đềm.
Năm học 2015 - 2016 đến, cô giáo Thu tiếp tục dạy tại điểm trường mới khó khăn hơn - điểm Trường Răng Dí thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập. Cô đi bộ 4 giờ đồng hồ đường rừng, nắng còn nói chứ mưa thì trượt dốc ngã không biết bao nhiêu lần, có lần chân sưng vù vì bị ngã. Lên tới nơi, mọi thứ vẫn còn tạm bợ phên tre vách nứa, nền đất, ngay cả nước uống cũng phải canh hứng cả ngày mới đủ dùng.
Cứ chiều đến tiếng em bé khóc thét vì đói, vì khát sữa lại khiến tâm trạng cô giáo miền xuôi thêm trắc ẩn. Ở đây ban ngày đi học, mỗi học sinh cõng ít nhất 1 đứa em, có em cõng đến 2 em cùng ngồi học với mình để ba mẹ đi làm rẫy mưu sinh. Điều đó thôi thúc cô cần phải làm điều gì đó cho những đứa trẻ vùng cao.
Khi được tiếp xúc với các tình nguyện viên làm trường, cô đã tham gia Câu lạc bộ “kết nối yêu thương” huyện Nam Trà My. Cũng từ đó những bữa ăn dinh dưỡng, những suất quà hỗ trợ kịp thời đã tiếp bước cho những đứa trẻ vùng cao tới trường.
Năm học 2017 - 2018, dạy học ở điểm Trường Mô Rỗi, cô Thu tiếp tục vận động được 540 bữa ăn hằng ngày cho 10 học sinh ở lại trường, 72 bữa ăn dinh dưỡng cho tất cả học sinh, 50 thùng sữa, hơn 300 suất quà cho bà con nhân dân, tổng trị giá 174 triệu đồng.
Đặc biệt, cô giáo 9X còn trực tiếp chăm nuôi 10 em nhỏ từ 3 đến 6 tuổi nhà xa trường có thể ở lại học cả tuần. Vừa là cô giáo, vừa làm mẹ hiền, cô đã chăm sóc các em, không chỉ bữa ăn, giấc ngủ mà còn cả lúc các em đau ốm, nhớ nhà. “Đôi khi tôi cứ nghĩ mình như là một người mẹ của các em, dù bản thân chưa lập gia đình”…
Cũng tại điểm Trường Mô Rỗi, năm học 2018 - 2019, cô tiếp tục nhận chăm nuôi 12 học sinh nhà xa trường 2 giờ đồng hồ đi bộ. Thế rồi, cô quyên góp được 560 bữa ăn hằng ngày cho 12 học sinh ở lại trường, 70 bữa ăn dinh dưỡng cho tất cả học sinh, hơn 300 suất quà cho bà con nhân dân, tổng trị giá hơn 160 triệu đồng…
Năm học 2021 – 2022, cô Thu quay về giảng dạy tại điểm Trường Tấc Pổ, niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ òa khi quay lại nơi từng gắn bó với cô, từng lội bộ leo núi, vượt sông suối vài giờ đồng hồ thì nay đường xe đã đi tới trường, tuy là đường đất bùn lầy còn nhiều khó khăn nhưng với cô và bà con nơi đây thật sự hạnh phúc.
Sau 7 năm học, cô giáo trẻ nhỏ nhắn ấy đã làm được những điều lớn lao, thấm đẫm yêu thương. Cô cùng Câu lạc bộ “Kết nối yêu thương Nam Trà My” kêu gọi xây dựng 6 điểm trường với 18 phòng học, 12 phòng ở giáo viên, 6 bộ điện năng lượng mặt trời và vận động hơn 2.000 ngày công bà con nhân dân vận chuyển vật liệu, ban nền làm trường, tổng trị giá 1,3 tỷ đồng.
Thầy giáo giỏi bén duyên thiện nguyện
Sinh ra và lớn lên ở huyện biên giới Minh Hóa, mảnh đất “cày lên sỏi đá”, thầy giáo Trần Mạnh Hùng (SN 1992, Trường PTDTBT TH&THCS Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) thấu hiểu hơn ai hết nỗi khó khăn của học trò nơi đây. Thông qua mạng xã hội, thầy đã kết nối với nhiều mạng lưới từ thiện để giúp đỡ cho các học trò đỡ phần nào khó khăn, tiếp tục con đường học tập.
“Nếu có ai hỏi tôi rằng “Bạn thích nghề gì nhất?”, tôi sẽ trả lời “Tôi thích nghề giáo viên”. Và nếu ai hỏi tôi rằng “Ước mơ của bạn là gì?”, tôi cũng không ngần ngại trả lời ngay rằng “Tôi muốn mình là một thầy giáo dạy Văn”, thầy Hùng chia sẻ.
Có lẽ bởi ước mơ cháy bỏng ấy nên từ nhỏ, thầy đã luôn nỗ lực với quyết tâm “phải trở thành thầy giáo dạy chữ”. Tốt nghiệp thủ khoa đại học, thầy đã trở thành một giáo viên và bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm con chữ. Thầy giáo 9X vẫn nhớ như in ngày cầm quyết định tại một ngôi trường biên giới của huyện nghèo Minh Hóa - nơi có đa số học sinh là người dân tộc thiểu số như Khùa, Mày và Sách.
Chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều gia đình cũng như nhiều học sinh vùng khó, thầy nhìn họ và nhớ đến tuổi thơ đầy vất vả. Chính vì thế, thầy mong muốn được sẻ chia cùng những trò nhỏ, cùng những gia đình còn khó khăn, cùng những con người đang ốm đau bệnh tật.
Sáu năm liền thầy giáo trẻ đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Được Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập”; giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; hướng dẫn học sinh tham gia thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật bốn năm liền đạt giải cao cấp tỉnh; đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm học 2018 – 2019...
Vào nghề bảy năm cũng chính là ngần ấy năm thầy Hùng bén duyên với công tác thiện nguyện giúp đường đến trường của các em bớt nhọc nhằn. Những ngày đầu làm thiện nguyện, thầy cùng nhóm bạn thân trích ít tiền lương của mình mỗi tháng đến với hai ngôi trường trên địa bàn huyện Minh Hóa để trao những món quà cho các em học sinh nghèo vượt khó, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng.
Về sau, thông qua Facebook, thầy Hùng đã kết nối với các anh chị thiện nguyện ở các nơi khác như Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội…Với những trường hợp học sinh nào quá khó khăn, những gia đình nào có hoàn cảnh thật éo le, thầy lại đứng ra kêu gọi, quyên góp cùng với một ít của bản thân để giúp đỡ những mảnh đời còn cực nhọc.
Đến nay đã có hàng trăm em học sinh được nhận những món quà qua các hoạt động thiện nguyện của thầy Hùng trao tặng. Thầy giáo trẻ hy vọng bản thân có thật nhiều sức khỏe, cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh cũng như thực hiện được nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ học sinh và các gia đình khó khăn. Đồng thời, thầy muốn lan tỏa đến thế hệ trẻ cùng chung tay vì sự ấm no và hạnh phúc của cộng đồng.
Mỗi người đều có một lý do cho riêng mình khi bước chân vào nghề, với thầy dù có làm nghề gì, công việc gì đều xuất phát từ tâm, từ tình yêu nghề. Điều đặc biệt đối với nghề giáo hơn bao giờ hết là lòng thương, là sự yêu nghề, là nhiệt huyết của tuổi thanh xuân.
Lễ tuyên dương “Chia sẻ cùng thầy cô” Cô Trà Thị Thu và thầy Trần Mạnh Hùng là hai trong số 50 thầy cô trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020. Đây là chương trình thường niên do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức, tri ân các thầy, cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc tại các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Lễ tuyên dương được tổ chức vào sáng 20/11/2021 tại Hà Nội.