Trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND: Đảm bảo chặt chẽ, thận trọng
Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp có thẩm quyền đề nghị bãi nhiệm
Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo có ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ.
Thông tin tại cuộc họp, ông Tuấn cho biết: Khoản 2 Điều 7 Hiến pháp năm 2013 và Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã quy định về việc đại biểu HĐND khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm.
Trên thực tế khi có trường hợp đại biểu HĐND vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì các địa phương thường đưa ra HĐND bãi nhiệm. Việc HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND đã được tiến hành đúng quy định của pháp luật, được cử tri và Nhân dân đồng tình.
Trong khi đó, việc cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND chưa thực hiện được do chưa có quy định cụ thể về quy trình, cách thức tiến hành. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND là cần thiết, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện trên thực tế và phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương, 31 điều với các nội dung cơ bản: Chương I quy định chung; Chương II các tổ chức phụ trách bãi nhiệm đại biểu HĐND; Chương III danh sách cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND; Chương IV công tác thông tin và tổ chức hội nghị cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND; Chương V nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND; Chương VI tổ chức thực hiện và trách nhiệm thi hành.
Theo dự thảo, cơ quan có thẩm quyền đề nghị việc cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND là Thường trực HĐND cùng cấp. Ban Pháp chế của HĐND trình Thường trực HĐND cùng cấp, xem xét, ban hành Nghị quyết về việc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND.
Chưa rõ quy định “không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Ban Dân vận Trung ương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần phân biệt rõ mức độ vi phạm của đại biểu HĐND bị HĐND bãi nhiệm và bị cử tri bãi nhiệm; làm rõ cơ sở để xác định đại biểu HĐND không còn đủ tiêu chuẩn hoặc không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân để có căn cứ thực hiện các bước tiếp theo.
“Có những sai phạm không chỉ là trách nhiệm 1 cá nhân mà liên quan đến tập thể, nếu địa phương có nhiều hơn 1 đại biểu HĐND không còn đủ tư cách hoặc đại biểu HĐND ở những địa bàn khác nhau thì việc lấy ý kiến cử tri sẽ rất tốn kém, mất thời gian nếu thực hiện theo các bước tại dự thảo Nghị quyết. Do vậy, đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu thêm về quy trình, thủ tục để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND”, đại diện Ban Dân vận Trung ương nói.
Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tỏ ra băn khoăn về quy trình nêu trên đồng thời đánh giá dự thảo Nghị quyết còn thiếu các quy định để làm cơ sở, căn cứ để Mặt trận thực hiện thẩm quyền của mình. Khoản 1 Điều 3 quy định Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tiếp nhận thông tin về đại biểu HĐND không còn đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thông qua giám sát, phản biện xã hội, tiếp nhận, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ việc tiếp nhận thông tin ở mức độ nào, thế nào là “không còn đáp ứng các tiêu chuẩn”, “không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân” thì mới đưa ra bãi nhiệm…
Theo đánh giá của đại diện Văn phòng Quốc hội, việc bãi nhiệm đại biểu HĐND liên quan đến sinh mệnh chính trị của 1 cá nhân nên quy trình, thủ tục phải chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Dự thảo Nghị quyết cần có khái niệm giải thích thế nào là “không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân” hoặc mô tả dấu hiệu thế nào là không còn xứng đáng. Về việc tiếp nhận thông tin, còn quy định chung chung, cần làm rõ thông tin đến mức nào để tổ chức các bước tiếp theo. Liên quan tới quy trình Thường trực HĐND quyết định việc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND, Điều 4 dự thảo còn chưa rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND và Ban Pháp chế, HĐND.
Đại diện Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh tới sự chặt chẽ, thận trọng trong quy trình đề nghị bãi nhiệm đại biểu HĐND.
Kết luận cuộc họp thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo có thể cân nhắc thêm về hình thức của văn bản đồng thời nhấn mạnh dự thảo Nghị quyết này chỉ quy định về trình tự, thủ tục cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục lại phụ thuộc vào mức độ đại biểu HĐND “không còn đáp ứng các tiêu chuẩn” hay “không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”. Đối với các đề nghị làm rõ căn cứ, cơ sở để xác định đại biểu HĐND thuộc trường hợp bị đưa ra cử tri bãi nhiệm, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp để nghiên cứu sửa đổi các quy định tại dự thảo đảm bảo phù hợp thực tiễn.