Tròn thế kỷ Bác Hồ đến nước Nga
“Người đã thốt lên khi đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa”
Nhân dịp này, trang Sputnik của Nga đã phỏng vấn Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Vladimir Kolotov - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg về sự kiện. Bài viết mang tên “Đúng 100 năm trước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân lên nước Nga Xô Viết”.
“Thật đáng ngưỡng mộ khi một người còn rất trẻ hiểu được một nguyên tắc quan trọng là để hiểu bản chất của hệ thống, cần phải vượt ra ngoài nó. Và năm 1920, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) đã đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người đã thốt lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Con đường này đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến Nga, tham gia Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản. Trong những năm 20 và 30 của thế kỷ trước, tổng cộng có sáu năm rưỡi, tức là gần một phần mười hai cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống ở nước Nga” - Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Vladimir Kolotov cho biết.
Cũng theo Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Vladimir Kolotov, việc Hồ Chí Minh tiếp thu sâu sắc tư tưởng của Lênin, những kinh nghiệm của phong trào cộng sản thế giới đã dẫn đến sự khởi đầu của một giai đoạn mới về chất trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Những việc làm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn này là tổ chức đào tạo các nhà hoạt động chính trị, các chiến sĩ cách mạng cho Việt Nam thông qua các trường của Quốc tế Cộng sản và dịch sang tiếng Việt những thuật ngữ chính của hệ tư tưởng Mác-Lênin cũng như truyền bá lý luận bằng cách gửi những tác phẩm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đến Việt Nam.
Khi đó ở nước Việt Nam bị thực dân chia cắt làm ba miền, chưa có chiến lược, chiến thuật, chưa có lực lượng nào có khả năng tổ chức một phong trào hiệu quả để giải phóng dân tộc. Trước đó, cả chế độ phong kiến lẫn Nho giáo đều không thể tạo thành một mối đe dọa thực sự đối với chế độ thuộc địa, bọn thực dân đã có thể nhanh chóng đối phó với các cuộc nổi dậy chống Pháp. Bây giờ những người yêu nước Việt Nam không đơn độc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Họ đã trở thành một phần của phong trào cộng sản hùng mạnh do Liên Xô lãnh đạo mà trụ sở chính - Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản - đặt ở Matxcơva.
Kết quả của việc xuất hiện một đảng mới về cơ bản là sự ra đời của các cơ quan quyền lực nhân dân đầu tiên - phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Các thủ lĩnh của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh khi bị đe dọa đã không bỏ chạy, mà ở lại với nhân dân khởi nghĩa đến cùng. Như vậy, họ đã cho thấy ai là người thực sự sẵn sàng đấu tranh cho độc lập, và ai là người chỉ sẵn sàng quả quyết về nó, theo Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Vladimir Kolotov.
Theo Giáo sư Kolotov, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đến nước Nga Xô Viết, không thể không bày tỏ lòng kính trọng đối với tài nhìn xa trông rộng của Người. Ví dụ, vào mùa xuân năm 1914, trong một bức thư gửi cho cụ Phan Chu Trinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán Chiến tranh thế giới lần thứ nhất sắp nổ ra.
Năm 1924, trong bài “Đông Dương và Thái Bình Dương”, Người dự báo về nguy cơ chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, khi nước Nga cách mạng phải đọ sức với kẻ thù mạnh, và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương sẽ trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới. Tháng 5 năm 1941, tại một hội nghị ở Pác Bó, ngay cả trước khi phát xít Đức tấn công Liên Xô và trước khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng của Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng thời cơ tốt nhất cho tổng khởi nghĩa ở Việt Nam là khi Liên Xô đánh bại Đức, còn Mỹ, Anh và Trung Quốc đánh bại Nhật.
Tháng 2 năm 1942, khi biên soạn tập diễn ca “Lịch sử nước ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Việt Nam độc lập - 1945”. Đại diện nhà in hỏi ông có nhầm lẫn không? Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Đúng vậy, in như vậy”. Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Người dự báo: “Sớm muộn rồi Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua”. Và thế là 5 năm sau, có chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và Hiệp định Paris. Và năm 1960, trong Diễn văn Quốc khánh 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất”.
Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lược dịch, biên soạn Binh pháp Tôn Tử, Người đặc biệt chú ý đến câu nói của nhà tư tưởng cổ đại Trung Quốc “Phải biết xét đoán trước”. Những ví dụ trên cũng như sự lựa chọn đúng đắn con đường cứu nước cho thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà dự báo chiến lược thiên tài.
Thế nên, theo Giáo sư Kolotov, con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn dẫn Việt Nam đến Cách mạng Tháng Tám và việc tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - được Trung Quốc, Liên Xô và sau đó là các nước theo định hướng của Liên Xô công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Kết quả là một không gian lãnh thổ thống nhất đã được tạo ra và mở ra cơ hội cung cấp cho nước cộng hòa non trẻ sự hỗ trợ về quân sự và lương thực, kỹ thuật và y tế. Ở quy mô lớn hơn, Liên Xô đã hỗ trợ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các lực lượng yêu nước Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tất cả những điều này cũng là kết quả của việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Nga Xô viết 100 năm trước…
Bản gốc báo Sự thật có bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trao tặng cho Việt Nam
Cũng trong khuôn khổ kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân tới Liên Xô (30/6/1923-30/6/2023), thay mặt Hội người Việt tại Liên bang Nga, Chủ tịch Hội - ông Đỗ Xuân Hoàng, đã trao cho ông Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, bản gốc báo Sự thật số ra ngày 27/1/1924 trong đó có bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây là số báo chuyên biệt, khổ giấy đặc biệt, đăng các bài viết vĩnh biệt lãnh tụ của giai cấp vô sản Vladimir Ilich Lenin. Trong những bài viết này, trên trang 2 tờ báo đăng bài viết của nhà cách mạng trẻ Nguyễn Ái Quốc với nhan đề “Lenin và các dân tộc thuộc địa” nêu rõ ý nghĩa vĩ đại của đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn của Lenin đối với vấn đề các dân tộc thuộc địa. Bài viết cũng thể hiện sâu sắc tình cảm của nhân dân bị áp bức ở phương Đông và ở các thuộc địa đối với lãnh tụ Lenin.
Việc bài viết của nhà cách mạng trẻ Nguyễn Ái Quốc được đăng bên cạnh bài viết của các nhân vật Xô Viết và Quốc tế Cộng sản nổi tiếng khác và là tác giả duy nhất đại diện cho các dân tộc thuộc địa trong số báo đặc biệt này, cho thấy nhà cách mạng trẻ Nguyễn Ái Quốc khi đó đã được quốc tế nhìn nhận như một lãnh tụ tương lai kiệt xuất của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Được biết, số báo đặc biệt này là kết quả quá trình tích cực tìm kiếm và sưu tập của cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga, thể hiện sự trân trọng lịch sử gian lao và vinh quang của đất nước, những đóng góp vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng, đồng thời ghi nhận những tình cảm tốt đẹp và sự hỗ trợ quý báu của bạn bè quốc tế mà đặc biệt là nhân dân Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay, đối với sự nghiệp giành độc lập, chống ngoại xâm, thống nhất và phát triển đất nước Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Đỗ Xuân Hoàng cho biết với cá nhân ông, việc tìm thấy tư liệu quý này là sự khích lệ rất lớn “bởi lịch sử giúp chúng ta hành xử đúng hơn trong hiện tại, hiểu được tương lai, đồng thời giá trị lịch sử càng về sau sẽ càng có giá trị đối với từng dân tộc”.
Cũng theo ông Đỗ Xuân Hoàng, theo luật hiện hành, tất cả tài liệu quá 100 năm sẽ không được phép mang ra khỏi Liên bang Nga. Tuy nhiên, số báo này có tuổi đời hơn 99 năm theo xác nhận của cơ quan kiểm định nên hoàn toàn có thể hợp pháp mang ra khỏi Liên bang Nga.
Trong thời gian ở nước Nga Xô Viết, “ngày 23 tháng 12 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc gặp nhà thơ Xôviết Ôxíp Manđenxtam. Nhà thơ kể lại cuộc gặp gỡ đó trong bài báo nhan đề “Thăm một chiến sĩ Cộng sản quốc tế - Nguyễn Ái Quốc”, đăng trên tạp chí Ogoniok số 39. Nhà thơ thuật lại rằng qua phong thái thanh cao, cử chỉ và giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ hiểu biết được một dân tộc An Nam đáng yêu, một dân tộc An Nam giản dị, rất lịch thiệp và độ lượng. Nhà thơ viết, qua Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới. Ôxíp Manđenxtam nhận xét: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Trích bài viết “Hồ Chí Minh - 100 năm trước” của PGS.TS Bùi Đình Phong đăng tải trên chuyên mục Tư liệu văn kiện Đảng của Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam.