1. Trang chủ /
  2. Trung tướng Khuất Duy Tiến: Sáng ngời tấm gương người lính Cụ Hồ

Trung tướng Khuất Duy Tiến: Sáng ngời tấm gương người lính Cụ Hồ

thứ ba, 24/10/2023 10:54 GMT+07
Cuối tháng 10, chúng tôi có dịp gặp Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến tại nhà riêng ở phố Tôn Thất Thiệp, quận Ba Đình, Hà Nội. Thời trẻ, ông là người chiến sĩ kiên trung, cầm súng tham gia chiến đấu, chỉ huy hàng trăm trận đánh trường kỳ qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Lúc về hưu, ông là cán bộ Hội Cựu chiến binh mẫu mực, tham gia tích cực các hoạt động ở địa phương.
Trung tướng Khuất Duy Tiến và vợ bên cuốn nghệ thuật nghi binh được ông viết lại. Trung tướng Khuất Duy Tiến và vợ bên cuốn nghệ thuật nghi binh được ông viết lại.

Từ vị tướng nhiều chiến công

8h30, chúng tôi có mặt tại nhà Trung tướng Khuất Duy Tiến, lúc này, ông đã khoác lên mình bộ quân phục, nghiêm trang ngồi chờ sẵn. Tiếp chúng tôi bên bộ trường kỷ đã cũ, Trung tướng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm từ thời thơ ấu. Với giọng nói to, hào sảng mang đặc trưng của người lính Cụ Hồ, pha chút bùi ngùi xúc động, ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời cách mạng của mình.

Theo lời Trung tướng Khuất Duy Tiến, ông sinh năm 1931 ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là thành phố Hà Nội). 14 tuổi, ông bắt đầu tham gia các hoạt động của Việt Minh và năm 19 tuổi (1950) chính thức nhập ngũ vào Đại đội 354, Tiểu đoàn 884 (nay là Đại đội 9, Tiểu đoàn 3), Trung đoàn 48, Đại đoàn 320.

“Năm 19 tuổi, tôi bị thực dân Pháp bắt giữ, tra tấn tưởng không qua khỏi tại huyện Thạch Thất. Sau đó chúng chuyển tôi đến nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, may mắn làm sao tôi lại bắt liên lạc được với đồng đội đều là tù nhân chính trị cũng đang bị giam giữ.

Tháng 5/1950, quân Pháp tiến công Hà Nam, giặc huy động tù binh đi phục vụ chiến đấu vận tải đạn cho binh lính Pháp. Lợi dụng sơ hở lúc quân Pháp ngủ, tôi cùng một số đồng chí bí mật trốn thoát được. Sau thời gian ở Hỏa Lò được giác ngộ, tiếp thu tư tưởng cách mạng, tháng 9 năm ấy, tôi xin nhập ngũ nhưng bị từ chối, do thiếu cả cân nặng và chiều cao. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của mình tôi đã được “đặc cách” cho vào”, Trung tướng Khuất Duy Tiến kể lại.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và vợ bên cuốn nghệ thuật nghi binh được ông viết lại.

Trận đánh đầu tiên ông được tham gia là trận chống địch càn vào làng Hạ Bằng (huyện Thạch Thất). Sau đó, tham gia nhiều trận đánh chống Pháp trong đội hình Đại đoàn 320, nhưng phải đến khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, tài năng, bản lĩnh của ông mới được thể hiện rõ nét với nhiều dấu ấn trong nhiều trận đánh, chiến dịch.

Nhắc lại những chiến công của mình, có lẽ trận đánh ấn tượng nhất với Trung tướng Khuất Duy Tiến đó là chiến dịch ở đường 9 - Nam Lào năm 1971. Đây là chiến dịch mà ông tham gia với vai trò Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320), chỉ huy các tiểu đoàn đánh vào điểm cao 543 tiến tới tiêu diệt căn cứ 31 của Lữ đoàn số 3 - lực lượng thiện chiến nhất của quân ngụy Sài Gòn lúc bấy giờ.

Để giữ chắc điểm cao 543, địch đưa quân tới chiếm điểm cao 535 (Không Tên - cách điểm cao 543 khoảng 2 km) nhằm chặn đứng quân ta tiến đánh căn cứ 31. Sáng 13/2/1971, địch cho ném bom phát quang đồng thời cho máy bay rải bom, bắn pháo, ào ạt đổ quân xuống trận địa của ta. Mở đầu những đợt tấn công liên tiếp của Trung đoàn 64, kéo dài cho đến ngày 25/2.

Quá trình chiến đấu, ta không tránh khỏi thương vong, có tổ đã chiến đấu tới người cuối cùng. Tuy nhiên, với sự quả cảm của cán cán bộ, chiến sĩ, Tiểu đoàn dù số 3 của địch đã bị tiêu diệt gọn, đồng thời bắt sống toàn bộ sĩ quan chỉ huy, trong đó có đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 3 của quân ngụy Sài Gòn.

Hay như nghệ thuật nghi binh trong chiến dịch Tây Nguyên, tạo nên chiến thắng thần tốc “1 ngày bằng 20 năm”. Khi đó, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Cũng chính trận đánh ấy, Trung đoàn 64 của ông chiến đấu quả cảm tiêu diệt 500 tên địch nhưng đau xót là 230 đồng chí của ta hy sinh. Đến tận bây giờ, ông vẫn tâm niệm: “Đồng đội hy sinh cho tôi sống đến ngày hôm nay. Tôi vẫn luôn nhắc mình và con cháu rằng, 85% xương thịt trên cơ thể tôi là của các liệt sĩ đồng đội. Ân tình đó tôi trả sao cho hết”.

Đến người cựu chiến binh mẫu mực

Hơn 50 năm tham gia binh nghiệp, Trung tướng Khuất Duy Tiến đã cầm súng từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới. Hòa bình lập lại, trên các cương vị Cục trưởng Cục Quân lực, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 cho đến lúc nghỉ hưu, ông vẫn phát huy bản lĩnh, kinh nghiệm của mình cho sự nghiệp xây dựng quân đội, đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu giai đoạn mới.

Điển hình là năm 2001, ngay khi nghỉ hưu, Trung tướng Khuất Duy Tiến đã gia nhập Hội Cựu chiến binh phường Điện Biên (quận Ba Đình), sinh hoạt tại Chi hội Cựu chiến binh số 1 và sinh hoạt Đảng tại Chi bộ 1, Đảng bộ phường Điện Biên. Nay dù đã 92 tuổi và thuộc diện được miễn sinh hoạt chi bộ nhưng ông vẫn tham gia đều đặn.

“Khi trò chuyện với Bí thư Đảng ủy phường Điện Biên và Bí thư Chi bộ 1, tôi nhận thấy họ đều là những cán bộ sắc sảo, có trình độ. Điều đó càng thôi thúc tôi phải ý thức tham gia sinh hoạt chi bộ cho thật tốt để cùng địa phương xây dựng Thủ đô văn hiến, anh hùng và làm gương cho lớp trẻ noi theo”, Trung tướng Khuất Duy Tiến cho biết.

Gia đình Trung tướng Khuất Duy Tiến được bà con hàng xóm, tin yêu, quý trọng.

Nêu cao ý thức, trách nhiệm của người đảng viên, phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, Trung tướng Khuất Duy Tiến luôn tích cực tham gia bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội và nghĩa tình đồng đội; ủng hộ công trình “Ao cá Bác Hồ” của xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) 50 triệu đồng; ủng hộ Trường Sĩ quan Lục quân 1 xây dựng tượng đài Bác Hồ 50 triệu đồng; vận động gia đình giúp đỡ một số thương binh, gia đình liệt sĩ và bạn chiến đấu có hoàn cảnh khó khăn 450 triệu đồng. Từ năm 2000 đến nay, gia đình ông đã ủng hộ các loại quỹ của phường với tổng số tiền 46 triệu đồng...

Đặc biệt, luôn trăn trở trước những hy sinh của đồng đội nên sau khi về hưu, ông đã đề xuất thành lập Ban liên lạc truyền thống đơn vị và lên kế hoạch xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ tại 2 điểm cao 1015, 1049 ở Tây Nguyên - nơi đơn vị ông đã chiến đấu anh dũng năm xưa. Ông còn vận động được hơn 7 tỷ đồng để xây dựng 2 Đài tưởng niệm tại đây, cá nhân ông đóng góp 870 triệu đồng.

Hiện nay, Đài tưởng niệm ở điểm cao 1015 đã trở thành di tích quốc gia. Trong suốt quá trình thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng cho đến nay, mặc dù tuổi cao, sức khỏe có hạn nhưng Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn nhiều lần vượt hàng ngàn cây số để đến thắp nén tâm hương như một lời tri ân những đồng đội năm xưa đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này.

Với những đóng góp của mình, Trung tướng Khuất Duy Tiến đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất. Năm 2013, ông được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Mới đây nhất, ở tuổi 92, ông được trao tặng danh hiệu công dân Thủ đô ưu tú. Điều này đã một lần nữa khẳng định được phẩm chất người lính Cụ Hồ luôn được ông phát huy cả ở trong thời chiến và thời bình.