Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nói về cán bộ "không biết sợ" trong vụ Việt Á
Ngày 30/6, phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (2012-2022), Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Đảng ủy Công an Trung ương đã chủ động phát hiện, xử lý nhiều cán bộ vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao theo đúng tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", đã xử lý kỷ luật Đảng, chính quyền trên 500 người, trong đó có 86 người về trách nhiệm người đứng đầu.
Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng công an đã có hàng nghìn báo cáo lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kiến nghị các ngành khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tham mưu xử lý các "nhóm lợi ích", "sở hữu chéo", xử lý các ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định an ninh kinh tế, an ninh tiền tệ giai đoạn 2012-2015.
Lực lượng công an cũng đã tham mưu thực hiện tốt hơn công tác quản lý, sử dụng tài sản công, cổ phần hóa, thoái vốn, đấu thầu, đấu giá tại các doanh nghiệp nhà nước; hoạt động của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế, đưa giá trị xuất khẩu, giá trị một số mặt hàng quay về giá trị thực.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nêu ví dụ tại một số bệnh viện trung ương, giá của các vật tư, thiết bị tiêu hao đã giảm từ 20-40%. Điển hình như máy chụp CT 128 lớp đã giảm từ 40 tỷ đồng xuống 25 tỷ đồng. Kết quả đó đóng góp vào ổn định kinh tế xã hội.
Theo ông Nguyễn Duy Ngọc, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, nhưng công tác phát hiện, xử lý án tham nhũng tiếp tục có những bước tiến mới. Điểm nổi bật là đã chủ động nhận diện tội phạm, xử lý tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người".
Điển hình là các vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai. Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, nhưng đều được phát hiện, điều tra làm rõ như vụ Việt Á; vụ Tân Hoàng Minh, FLC… Bên cạnh đó, việc phát hiện, xử lý án tham nhũng ở các địa phương cũng có chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
"Qua công tác điều tra đã làm rõ yếu tố tư lợi và khẳng định các sai phạm mang tính chất cá nhân. Các đối tượng đã "tâm phục, khẩu phục" và nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả và hợp tác mở rộng vụ án, thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước. Nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt", Thứ trưởng Bộ Công an nói.
Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, thực tiễn 10 năm qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, mặc dù rất đồng bộ, quyết liệt, tuy nhiên, một số trường hợp "chưa biết sợ".
Thứ trưởng Bộ Công an nêu ví dụ, tháng 4/2020, khi mới bắt đầu vào đại dịch Covid-19, lực lượng chức năng đã xử lý vụ CDC Hà Nội lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. "Lúc đó, thường trực Ban chỉ đạo đã cân nhắc rất kỹ giữa phòng chống dịch với xử lý cảnh tỉnh. Tuy nhiên, vừa qua chúng ta vẫn phải xử lý vụ Việt Á", Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nói và cho rằng, đây là biểu hiện "chưa biết sợ" của nhóm cán bộ liên quan vụ Việt Á.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương kiến nghị, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ các cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện, xử lý các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn.
Tham luận tại hội nghị, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá, trong 10 năm qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng. Được nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ và đã trở thành phong trào mạnh mẽ không chỉ ở cấp trung ương mà cả nhiều địa phương.
Theo ông Trí, cùng với việc phòng chống tham nhũng là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Xử lý đồng bộ cả kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và hình sự. Công tác phối hợp của cơ quan kiểm tra Đảng, với các cơ quan tố tụng ngày càng chặt chẽ hơn, góp phần nâng cao hiệu quả. "Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là điểm nhấn trong công tác chính đốn Đảng trong thời gian qua", ông Lê Minh Trí nói.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, chúng ta phải tiếp tục xử lý nghiêm những đối tượng tham nhũng, tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng để răn đe, giáo dục. Bên cạnh đó cần phải ban hành, bổ sung kịp thời chính sách pháp luật về quản lý và chế tài, trách nhiệm trong quản lý, nhất là những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm dễ tham nhũng, tiêu cực, nhằm bịt các lỗ hổng để không thể lợi dụng được.
Theo ông Lê Minh Trí, thực tế cho thấy chính sách pháp luật phục vụ phát triển thời gian qua chưa nhiều so với chính sách pháp luật quản lý, kiểm soát. Do vậy, cần ban hành nhiều chính sách pháp luật tạo động lực phát triển, thu hút nguồn lực, khuyến khích năng động, sáng tạo. Đồng thời phải đảm bảo các quy định, hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro đối với người thực hiện.
"Nếu có khoảng trống thì kẻ xấu sẽ lợi dụng vi phạm, còn không có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn thì người tốt sẽ tâm lý, lo sợ rủi ro, không năng động, sáng tạo, không có động lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ. Vì thực tế cố ý làm trái và năng động sáng tạo, hành vi làm giống nhau, chỉ khác là hậu quả hay hiệu quả mà thôi", ông Lê Minh Trí nói.