Trường Đại học Công đoàn: Nỗ lực hoàn thiện bộ tài liệu hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Hội nghị nằm trong khuôn khổ Dự án: “Hỗ trợ phát triển các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” mã số: 844.NV05.ĐHCĐ.09.22 (gọi tắt Dự án 844) do TS Lê Cao Thắng, Chủ tịch Hội đồng Trường làm chủ nhiệm.
Tham dự chương trình có TS Đàm Quang Thắng Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp quốc gia; TS Chin Hing Chang, Chuyên gia Cố vấn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; bà Phạm Ngọc Tú, Ban tuyên giáo, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Về phía trường Đại học Công đoàn có TS Lê Cao Thắng, Chủ tịch Hội đồng Trường; TS Nguyễn Đức Tĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn…
Tại Hội nghị, TS Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp Quốc gia đã khái quát về tài liệu đào tạo mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các cấp Công đoàn.
Phát biểu góp ý cho bộ tài liệu tập huấn, từ góc nhìn của một chuyên gia nước ngoài, ông Chin Hing Chang, Chuyên gia Cố vấn khởi nghiệp đánh giá Việt Nam hiện nay có Hệ sinh thái khởi nghiệp rất phát triển, các doanh nghiệp cạnh tranh nhưng vẫn có thể hợp tác để phát triển. Bên cạnh đó, ông Chin Hing Chang chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp từ các quốc gia trên thế giới để từ đó rút ra bài học cho quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Từ góc nhìn của cơ quan tổ chức công đoàn, bà Phạm Ngọc Tú, Ban tuyên giáo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã đưa ra những thực tế của tổ chức công đoàn trong tổ chức hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo đó, bà Phạm Ngọc Tú cho biết, năm 2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân, lao động Việt Nam, tại đây, công nhân, lao động đã nêu ý kiến, kiến nghị các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo công nhân, phát huy những ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của công nhân, những chính sách để người lao động phát huy được sáng kiến. Cùng với đó, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai nhiều đề án, chương trình cụ thể hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của công nhân.
Đồng thời, bà Phạm Ngọc Tú kiến nghị, bộ tài liệu cần bổ sung thêm 2 nhiệm vụ cụ thể của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thứ nhất là trong phát huy sáng kiến của công nhân, người lao động cán bộ công đoàn cần tuyên truyền, vận động, thứ hai, cán bộ công đoàn phải tham gia với người sử dụng lao động, doanh nghiệp về chính sách động viên người lao động phát huy sáng kiến.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã cho ý kiến cụ thể vào 2 bộ tài liệu gồm: Tài liệu tập huấn Đào tạo mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các cấp công đoàn và Tài liệu tập huấn Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công đoàn giúp tăng cường phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động.