Trường Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội: Nhiều thí sinh bất ngờ bị cho thôi học sau khi trúng tuyển
Tự ý tuyển sinh
Trước đó, vào thàng 3/2021, Trường Cao đẳng Điện tử Điện lạnh (CĐĐTĐL) ban hành thông báo tuyển sinh năm 2021. So với danh mục ngành nghề đào tạo truyền thống như các năm trước công bố, hệ cao đẳng xuất hiện một ngành nghề mới là công nghệ ô tô.
Theo thông báo, thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ngành nghề này theo hai đợt, từ tháng 3/2021, nhập học tháng 7/2021; đợt hai nhận hồ sơ từ tháng 7/2021, nhập học từ tháng 9/2021. Đối tượng tuyển sinh ở hệ cao đẳng gồm những người đã tốt nghiệp THPT hoặc đã hoàn thành chương trình lớp 12. Trường cam kết giới thiệu việc làm cho 100% thí sinh sau khi tốt nghiệp với mức lương 6-15 triệu đồng/tháng.
Theo tìm hiểu, có ít nhất 23 thí sinh đã được trúng tuyển vào ngành công nghệ ô tô qua hình thức xét tuyển của Hội đồng Tuyển sinh Trường CĐĐTĐL. Số thí sinh này cũng được cho là đã đóng học phí với mức gần 1 triệu đồng/tháng trong 2,5 năm theo học, với hy vọng sẽ tìm kiếm được việc làm như lời cam kết của nhà trường.
Tuy nhiên, mọi việc không được hanh thông khi đến tháng 5/2021, số thí sinh nói trên bất ngờ được trường thông báo ngành công nghệ ô tô sẽ hủy bỏ không đào tạo trong năm học này. Một số thí sinh được nhà trường hoàn trả học phí và giới thiệu sang các trường khác để theo học; một số khác thì được tư vấn chuyển sang học ở ngành nghề khác mà nhà trường có kinh nghiệm đào tạo lâu nay.
Đơn thư phản ánh cho rằng, Trường CĐĐTĐL đã tự ý tuyển sinh, thu tiền học phí khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCN đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) bổ sung với ngành công nghệ ô tô; là hành vi vi phạm quy định về đăng ký hoạt động GDNN của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Được biết, Trường CĐĐTĐL Hà Nội là cơ sở GDNN công lập, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP Hà Nội. Theo giấy chứng nhận (GCN) đã cấp, trường này chỉ được đào tạo cao đẳng nghề như: Điện công nghiệp; công nghệ kỹ thuật cơ khí; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; điện tử công nghiệp; tự động hóa công nghiệp công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông, công nghệ thông tin và hoàn toàn không có ngành nghề công nghệ ô tô.
Thừa nhận đã vội vàng và chủ quan
Theo quy định hiện hành, để được cấp GCN, ngoài cơ sở vật chất, cơ sở giáo dục dạy nghề; cần có đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, phù hợp với cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo; đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra còn phải bảo đảm thực hiện mục tiêu, chương trình đào tạo, trong đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên/giáo viên, giảng viên tối đa là 25; có số lượng giáo viên, giảng viên cơ hữu đảm nhận tối thiểu 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành, nghề đào tạo.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Hiệu trưởng xác nhận trường vội thông báo tuyển sinh, xét tuyển và thu học phí số thí sinh nói trên vào theo học ngành công nghệ ô tô khi chưa đủ điều kiện và chưa được Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cấp GCN bổ sung.
Theo bà Nga, nhận định nghề công nghệ ô tô là ngành nghề phù hợp xu thế nên trường đã xây dựng kế hoạch từ nhiều năm trước để bổ sung ngành nghề mới vào chương trình đào tạo của trường từ 2021. Từ đầu năm hồ sơ xin cấp bổ sung ngành công nghệ ô tô đã gửi lên Tổng cục xin cấp phép bổ sung. Tuy nhiên, do hồ sơ gửi lên gặp đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 căng thẳng nên nhà trường gặp khó trong vấn đề tuyển dụng giáo viên, giảng viên cho ngành nghề này.
Hơn nữa, nhà trường là đơn vị sự nghiệp công lập của TP Hà Nội nên việc tuyển dụng cán bộ còn phải tuân thủ theo quy định tuyển dụng viên chức. “Hồ sơ của Trường đã bị Tổng cục trả về do điều kiện chưa đủ điều kiện. Chúng tôi nhận thấy việc đáp ứng đủ điều kiện để giảng dạy trong năm 2021 của ngành nghề này là không thể nên cũng đã chủ động dừng và đã giải quyết quyền lợi cho thí sinh. Trường đã chủ quan và vội vàng trong việc làm này”, bà Nga nói.
Theo tìm hiểu, tại Văn bản hợp nhất số 975/VBHN-BLĐTBXH ngày 12/3/2019 của Bộ LĐ-TB&XH, quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực GDNN: Cơ sở GDNN và cơ sở hoạt động GDNN đã được cấp GCN phải thực hiện đăng ký bổ sung hoạt động GDNN khi bổ sung ngành, nghề đào tạo (mở ngành, nghề đào tạo mới).
Còn tại Văn bản hợp nhất số 1307/VBHN-BLĐTBXH ngày 5/04/2019 của Bộ LĐ-TB&XH về xử phạt hành chính trong lĩnh vực GDNN quy định: Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng với trường cao đẳng có hành vi tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCN.
Ngoài ra, cơ sở giáo dục dạy nghề vi phạm quy định trên còn bị xem xét đình chỉ hoạt động GDNN từ 1 - 3 tháng với hành vi vi phạm; buộc nộp lại GCN, GCN đăng ký bổ sung với hành vi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được; buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học, hoàn trả cho người học các khoản đã thu.