1. Trang chủ /
  2. Truy quét “vàng tặc” tại Bồng Miêu

Truy quét “vàng tặc” tại Bồng Miêu

thứ bảy, 12/3/2022 12:35 GMT+07
(PLM) - Dù lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức các đợt đẩy đuổi, truy quét, song tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) vẫn diễn ra dai dẳng và nóng bỏng, gây phức tạp ANTT và ô nhiểm môi trường.

Việc khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu không chỉ làm thất thoát tài nguyên mà còn dễ dẫn đến mất ANTT và gây ô nhiễm môi trường.

Theo UBND xã Tiên Lập và phản ảnh của nhân dân các xã Tiên Lập, xã Tiên Lộc và thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước), thời gian gần đây nguồn nước sông Quế Phương và sông Tiên bị ô nhiễm nghiêm trọng do nguồn nước mang theo các chất thải, hóa chất độc hại do hoạt động khai thác, chế biến vàng từ mỏ vàng Bồng Miêu và hoạt động khai thác, chế biến vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh chảy về sông Quế Phương và sông Tiên, huyện Tiên Phước làm nước sông có màu vàng đục đậm đặc, mang theo nhiều bùn, đất bất thường, bị ô nhiễm nghiêm trọng.

“Mục sở thị” nạn “vàng tặc” tại Bồng Miêu -0
Mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức các đợt truy quét, đẩy đuổi, song nạn "vàng tặc" tại Bồng Miêu vẫn diễn ra dai dẳng.


UBND huyện huyện Tiên Phước đã chủ động chỉ đạo lực lượng của huyện tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vàng trái phép tại khu vực giáp ranh xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, thuộc địa bàn huyện Tiên Phước quản lý. Đến nay, trên địa bàn xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước và dọc theo sông Quế Phương, sông Tiên không có các hoạt động khai thác, chế biến vàng trái phép gây ô nhiễm nguồn nước.

“Mục sở thị” nạn “vàng tặc” tại Bồng Miêu -0
Lực lượng Công an trên đường tuần tra đến khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.


Cùng với tổ truy quét “vàng tặc” của xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, những ngày qua, PV Báo CAND đã theo chân lực lượng Công an xâm nhập các khu vực khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu.

Trưa 12/3, sau hơn 30 phút điều khiển xe máy vượt đường núi, dốc đứng hiểm trở, chúng tôi đến khu vực bãi Đót - Thác Trắng.

Qua quan sát, khu vực này có 1 hầm lò và một số hố có độ nông, sâu khác nhau. Chỉ tay vào một hố sâu, Trung tá Cao Ngọc Lĩnh, Trưởng Công an xã Tam Lãnh cho biết, từ thực tế có thể thấy hố sâu này vừa được đào xới cách đây vài ngày để thăm dò vàng; còn hầm lò phía trên hố sâu đã được bỏ hoang từ lâu.

Tiếp tục di chuyển sâu vào bên trong khu vực Thác Trắng, chúng tôi nhận thấy có các hồ ngâm ủ quặng với diện tích trung bình khoảng 20-30m2/hồ và nhiều dây dẫn nước, nhưng không có người.

"Có thể khi thấy bóng dáng của lực lượng chức năng, các đối tượng đã lẩn trốn vào rừng. Lực lượng chức năng đã phá hủy các ống dẫn nước và làm mất tác dụng hồ ngâm ủ quặng tại khu vực này", Trung tá Cao Ngọc Lĩnh kể.

“Mục sở thị” nạn “vàng tặc” tại Bồng Miêu -0
Công an xã Tam Lãnh làm mất tác dụng một hồ ngâm ủ quặng trái phép.


“Mục sở thị” nạn “vàng tặc” tại Bồng Miêu -0
Hai miệng hầm lò cũ tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.


“Mục sở thị” nạn “vàng tặc” tại Bồng Miêu -0
Một hố sâu vừa được đào xới để "tăm" vàng tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.


Trong chuyến truy quét lần này, lực lượng chức năng xã Tam Lãnh đã xử lý 9 hồ ngâm ủ quặng, làm hư hỏng 100m dây nước.

Theo Trung tá Cao Ngọc Lĩnh, đa phần các đối tượng khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu là người dân địa phương, không có nghề nghiệp ổn định. "Từ đầu năm 2022, Công an xã Tam Lãnh đã tham mưu tổ chức 4 đợt truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại các khu vực thuộc mỏ vàng Bồng Miêu; kết quả phát hiện, làm mất tác dụng 12 máy nổ, phá hủy 16 lán trại, 26 hồ ngâm ủ quặng…", lãnh đạo Công an xã Tam Lãnh cho biết thêm.

Trao đổi với PV ngày trước đó, ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, trước thực trạng “vàng tặc” diễn ra dai dẳng ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, xã đã đề xuất huyện Phú Ninh tăng cường lực lượng để tổ chức các đợt truy quét, đẩy đuổi.

"Chúng tôi đang tính toán các phương án để giải quyết việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, qua đó để người dân từ bỏ việc làm vàng trái phép. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tổ chức được 3 lớp đào tạo nghề chăn nuôi, trồng trọt cho khoảng 150 người dân trong xã", ông Vinh thông tin thêm.

Chính quyền xã Tam Lãnh cũng kiến nghị cơ quan chức năng khẩn trương tổ chức thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, giao đất cho địa phương quản lý.

Trao đổi với PV Báo CAND sáng nay 12/3, một lãnh đạo UBND huyện Tiên Phước cho biết, trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Quế Phương và sông Tiên, ngày 8/3 vừa qua, UBND huyện Tiên Phước đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh, huyện Phú Ninh khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh; xử lý các nguồn thải từ các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vàng trước khi xả chất thải vào sông Bồng Miêu (đầu nguồn sông Quế Phương và sông Tiên, huyện Tiên Phước).