Truyền hình thực tế: Cần trách nhiệm hơn với khán giả
“Nhặt sạn” gameshow truyền hình
Mới đây, một chương trình truyền hình về kiến thức bất ngờ bị khán giả “bóc phốt” vì sai lỗi chính tả sơ đẳng. Trong Chương trình “Vua tiếng Việt” tập 28 phát sóng ngày 14/4, Ban Tổ chức đặt câu hỏi cho người chơi chọn phương án đúng giữa hai từ “trậm trễ” hay “chậm chễ”. Người chơi đã chọn “chậm chễ” và được nghệ sĩ Xuân Bắc với vai trò người dẫn chương trình khẳng định đáp án này hoàn toàn chính xác, trong khi từ đúng phải là “chậm trễ”. Ngay sau khi tập này phát sóng, “Vua tiếng Việt” đã vấp phải phản ứng mạnh của người xem. Có ý kiến còn đề nghị “xem lại” tên chương trình “Vua tiếng Việt” vì có phần khoa trương, không phù hợp với một chương trình giải trí.
Chương trình “Nhanh như chớp” cũng có không ít lỗi sai kiến thức được khán giả “nhặt sạn”. Trong một tập có câu hỏi: “Trong tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Nam Cao, vợ của Tràng ăn liền mấy bát bánh đúc?”. Nhiều khán giả, trong đó có cả các em học sinh đã phát hiện lỗi kiến thức sơ đẳng: tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân chứ không phải của nhà văn Nam Cao như câu hỏi nêu.
Chương trình gameshow “Chọn ai đây” cũng mắc lỗi tương tự khi nêu câu hỏi “Vào năm 2021, MV nào đã xác lập kỷ lục Guinness thế giới, trở thành MV có lượt xem 24 giờ sau khi phát hành “khủng” nhất YouTube?”. Người chơi đưa ra đáp án là ca khúc Lalisa của Lisa, được MC Trường Giang thông báo đáp án chính xác. Tuy nhiên, trên thực tế, MV có lượt xem cao nhất trong 24 giờ đầu của năm 2021 là Butter của BTS (108,2 triệu view), Lalisa của Lisa chỉ thu hút 73,6 triệu lượt xem sau 24 giờ. Ngoài ra, khán giả còn chỉ ra khá nhiều lỗi sai trong chương trình này như từ “Guinness” bị viết sai thành “Giunness” ở phần chữ minh họa.
Sai lầm nguy hại
Mới đây, chương trình “Người ấy là ai” phát sóng ngày 23/5 lại gây ồn ào khi MC Trấn Thành đưa thông tin được cho là không chính xác về quá trình chuyển giới. Khi giới thiệu về một thí sinh chuyển giới từ nữ sang nam - Trấn Thành nhấn mạnh: “Anh ấy từng là một phụ nữ. Cái tay này, người ta phải mở mạch máu ra rồi đưa hormone và mọi thứ vào để chuyển giới”. Thông tin này cũng được xuất hiện ở phần phụ đề minh họa trên màn hình với dòng chữ tự giới thiệu của thí sinh: “Bác sĩ mở mạch máu dưới cánh tay để đưa hormone vào cơ thể tôi”.
Tuy nhiên, ngay sau chương trình, các chuyên gia y tế đã lập tức lên tiếng, khẳng định thông tin trên hoàn toàn sai lệch vì việc đưa hormone vào mạch máu là chống chỉ định, có thể gây thuyên tắc mạch dẫn đến tai biến. Các chuyên gia cũng quan ngại việc chương trình đưa thông tin sai như thế sẽ rất nguy hiểm vì khiến nhiều khán giả nhầm lẫn, thậm chí “hướng dẫn” mọi người tiêm hormone sai cách gây tổn hại cho sức khỏe.
Những lỗi sai kiến thức trên các gameshow truyền hình không chỉ thể hiện sự cẩu thả và thiếu trách nhiệm trong quá trình sản xuất, biên tập... Đối với những chương trình thiên về kiến thức, cần thiết phải có đội ngũ cố vấn có chuyên môn và kinh nghiệm. Nếu để một số người dẫn chương trình và người chơi “tự biên, tự diễn” sẽ dễ xảy ra các tình huống như sai lệch kiến thức, ảnh hưởng đến nhận thức trong cộng đồng, thậm chí gây nguy hiểm. Đây cũng là bài học không nhỏ mà các nhà sản xuất chương trình truyền hình cần nhìn nhận và khắc phục trong thời gian tới, với tiêu chí cần có trách nhiệm hơn với khán giả.