1. Trang chủ /
  2. 'Tứ đại mỹ nhân Sài Gòn' Kiều Chinh: Nữ minh tinh Việt duy nhất được vinh danh tại Hollywood giờ ra sao nơi xứ người

'Tứ đại mỹ nhân Sài Gòn' Kiều Chinh: Nữ minh tinh Việt duy nhất được vinh danh tại Hollywood giờ ra sao nơi xứ người

thứ ba, 11/4/2023 21:59 GMT+07
"Tứ đại mỹ nhân Sài Gòn" Kiều Chinh tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời cũng sóng gió thăng trầm, phải bươn chải nơi xứ người. Tuổi xế chiều, bà sống an nhàn trên đất Mỹ nhưng vẫn hướng về quê hương với nhiều hoạt động thiện nguyện.
Thần thái quý phái và nhan sắc là điểm tựa để cái tên Kiều Chinh vươn ra Hollywood. Thần thái quý phái và nhan sắc là điểm tựa để cái tên Kiều Chinh vươn ra Hollywood.

Kiều Chinh là một trong tứ đại mỹ nhân Sài Gòn một thời, sánh vai cùng Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kim Cương về nhan sắc, bằng tài năng và đam mê thiên phú. Bà bén duyên với điện ảnh và trở thành nữ minh tinh Việt Nam duy nhất được vinh danh tại Hollywood - mảnh đất nghệ thuật khắc nghiệt nhất thế giới.

Kiều Chinh - Đỉnh cao nhan sắc thập niên 60

Kiều Chinh tên thật là Nguyễn Thị Kiều Chinh. Bà sinh ngày 3/9/1937 trong một gia đình khá giả tại Hà Nội. Năm 1954, Kiều Chinh được gia đình người bạn của bố đưa vào miền Nam sinh sống, khi đó bà 15 tuổi.

Hai năm sau, Kiều Chinh kết hôn với người con trai của gia đình ân nhân đã cưu mang mình và có với chồng 3 người con. Tại Sài Gòn, Kiều Chinh bén duyên với điện ảnh như một cái duyên, ban đầu là một vai phụ nhỏ trong phim nổi tiếng của Hollywood là The Quiet American.

Bà kể lại rằng năm 1956, khi đang đi lễ nhà thờ về và dạo bước trên đường Tự Do, thì vị đạo diễn nổi tiếng Hollywood Joseph L.Mankiewicz đang ngồi trong quán cafe tầng trệt Contentinal Palace đã phát hiện ra và ngay lập tức mời bà đóng vai Phượng cho phim The Quiet American. Thế nhưng, bố mẹ chồng của Kiều Chinh lại không đồng ý để bà tham gia đóng vai chính trong phim. Cuối cùng, vị đạo diễn đành mời Kiều Chinh đóng một vai cameo chỉ xuất hiện có vài giây và không có thoại.

Đến năm 18 tuổi, Kiều Chinh chính thức đến với bộ môn nghệ thuật thứ 7. Ngay từ bộ phim đầu tay, bà đã được giao vai chính.

Kiều Chinh và Lê Quỳnh trong phim Hồi chuông Thiên Mụ (Ảnh trái); Bộ phim The Evil Within mà Kiều Chinh đóng cùng tài tử Dev Anand. (Ảnh bên phải)

Với sắc đẹp dịu dàng cùng khả năng diễn xuất thiên phú, Kiều Chinh nhanh chóng trở thành "hiện tượng" thời ấy. Tên tuổi của bà cũng nổi tiếng hơn sau vai chính trong bộ phim Hồi chuông Thiên Mụ (1957), tiếp đó là loạt phim: Mưa rừng, Chuyện năm Dần, Người tình không chân dung, Bão tình, Chiếc bóng bên đường… 

Ở thời kỳ đó, bên cạnh những bộ phim Việt, bà cũng góp mặt trong nhiều bộ phim nổi tiếng của Mỹ. Trong thập niên 1960, bà cũng xuất hiện trong các bộ phim của Mỹ như A Yank in Vietnam (1964) và Operation C.I.A. (1965)... Nhờ đó, bà được coi là một ngôi sao quốc tế, được đặt chân tới nhiều Liên hoan phim ngoài phạm vi Việt Nam như: Tây Đức, Ấn Độ, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... Tựu chung lại, Kiều Chinh được coi là ngôi sao hàng đầu của điện ảnh miền Nam trước năm 1975.

Kiều Chinh sở hữu nhan sắc diễm lệ, tinh tế của người con gốc Hà Thành pha lẫn nét đẹp khá hiện đại đến nỗi người ngoại quốc cũng phải thổn thức.

Kiều Chinh: Biến cố và bước ngoặt cuộc đời; xế chiều trên đất Mỹ hướng về quê hương

Thế nhưng, khi đang ở trên đỉnh vinh quang, Kiều Chinh bất ngờ gặp biến cố rồi cùng gia đình chuyển sang Canada sinh sống. Tại đất nước xa lạ, người phụ nữ "hồng nhan" này đã phải trải qua thời kỳ tị nạn đầy khó khăn và nước mắt. Bà phải làm việc cực khổ trong các trại lao động, kể cả những công việc thấp kém nhất mà một nghệ sĩ từng đứng trên đỉnh hào quang và danh vọng chắc chắn chưa bao giờ nghĩ tới. Có đôi lúc việc làm duy nhất bà kiếm được là đi hót phân gà hoặc quét dọn để kiếm vài đồng trang trải cuộc sống.

Nhưng với phẩm chất của một tiểu thư danh giá, Kiều Chinh hiểu rằng đây không phải cuộc đời của mình và tương lai của các con. Bà bèn tìm mọi cách liên lạc với những người quen biết. Nhờ sự bảo lãnh của người bạn cũ là Tippi Hedren (tài tử điện ảnh Mỹ nổi tiếng trong phim The Bird của đạo diễn Hitchcock mà Kiều Chinh đã gặp khi Tippy Hedren thăm Sài Gòn năm 1965). Cuối cùng, Kiều Chinh được Tippy bảo trợ, định cư tại Mỹ.


'Tứ đại mỹ nhân Sài Gòn' Kiều Chinh: Đời thăng trầm, chật vật nơi xứ người, xế chiều nhận giải thưởng danh giá trên đất Mỹ - Ảnh 5.
'Tứ đại mỹ nhân Sài Gòn' Kiều Chinh: Đời thăng trầm, chật vật nơi xứ người, xế chiều nhận giải thưởng danh giá trên đất Mỹ - Ảnh 6.
Bỏ lại hào quang của một “ngôi sao Á châu”, Kiều Chinh từng có khoảng thời gian phải bươn chải vất vả nơi đất khách

Chỉ 1 năm sau khi sang Mỹ (năm 1976), bà nhận được vai chính trong serie phim truyền hình nổi tiếng ở Mỹ thời bấy giờ. Sau đó, hình ảnh Kiều Chinh liên tục xuất hiện trong các phim điện ảnh và truyền hình như: The Children of An Lac (1980), The Letter (1982), The Girl Who Spelled Freedom (1986), Hamburger Hill (1987), Gleaming the Cube (1988), The Joy Luck Club (1993), Catfish in Black Bean Sauce (1999), Face (2002), Returning Lyly (2002)... Đặc biệt với vai diễn trong bộ phim The Joy Luck Club, Kiều Chinh là diễn viên gốc Á duy nhất có tên trong danh sách 50 diễn viên làm khán giả rơi lệ nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh.

Đặt chân đến đất Mỹ vào năm 38 tuổi, những tưởng Kiều Chinh đã bước qua dốc bên kia sự nghiệp nhưng bà lại rất có duyên với Hollywood, dần dần trở thành diễn viên Việt Nam đầu tiên thành công ở mảnh đất khắc nghiệt bậc nhất ngành điện ảnh thế giới.

Không chỉ được các đạo diễn ưu ái, Kiều Chinh còn liên tiếp giành nhiều giải thưởng danh giá. Năm 1996, bà nhận giải Emmy cho phim tài liệu Kieu Chinh: A Journey Home của đạo diễn Patrick Perez/KTTV. Năm 2003, Kiều Chinh được trao giải thưởng Thành tựu Suốt đời (Lifetime Achievement Award).

'Tứ đại mỹ nhân Sài Gòn' Kiều Chinh: Đời thăng trầm, chật vật nơi xứ người, xế chiều nhận giải thưởng danh giá trên đất Mỹ - Ảnh 7.
Tuổi xế chiều, nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng luôn mang trong mình phong thái của người Tràng An.

Cũng trong năm 2003, tại liên hoan phim Phụ nữ (Womens Film Festival) ở Torino, Ý, Kiều Chinh được trao giải Diễn xuất đặc biệt (Special Acting Award). Cho đến hiện tại, Kiều Chinh là diễn viên Việt Nam đầu tiên và cũng là duy nhất đạt được những thành tích đáng nể này tại Hollywood.

Ngoài vai trò diễn xuất, bà còn tham gia làm cố vấn cho các hãng phim của Mỹ khi thực hiện các bộ phim về đề tài Việt Nam, đồng thời là diễn giả nhà nghề của GTN (Greater Talent Network). Bà thường xuyên đi nói chuyện ở các trường đại học, các hội phụ nữ về các đề tài như: khác biệt văn hóa giữa Âu và Á, người phụ nữ hiện đại, diễn viên gốc Á làm việc ở Hollywood hoặc kể về chính cuộc đời Kiều Chinh. Những nơi muốn mời bà xuất hiện phải đặt lịch trước nhiều tháng hoặc thậm chí cả năm.

Hiện tại, ở tuổi U90, Kiều Chinh vẫn đang sinh sống ở Mỹ, thỉnh thoảng bà mới về thăm quê hương. Ngày đầu tiên trở lại sau 41 năm lưu lạc là năm 1995 là để khánh thành một ngôi trường tại Quảng Trị. Bà xúc động đến rơi nước mắt khi được nhìn lại những hình ảnh quen thuộc. 

Không những thế, bà còn cùng một số người bạn thành lập quỹ VCF (The Vietnam Children Fund - Quỹ Trẻ em Việt Nam). Sau hơn 20 năm hoạt động, đến nay quỹ từ thiện của bà đã xây dựng được 50 ngôi trường tại nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam. Trong khi nhiều người hâm mộ vẫn nhớ về bà với vai diễn để đời trong Hồi chuông Thiên Mụ thì với các hậu bối trong nghề, Kiều Chinh chính là "huyền thoại" một thời của làng điện ảnh.

Về nghệ thuật, hồi tháng 3/2021 tại thành phố Los Angeles, Tiểu bang Califonia (Hoa Kỳ), nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh đã vinh dự được nhận giải giải thưởng Thành tựu trọn đời do BTC Liên hoan phim Thế giới Châu Á (AWFF) trao tặng. 

'Tứ đại mỹ nhân Sài Gòn' Kiều Chinh: Đời thăng trầm, chật vật nơi xứ người, xế chiều nhận giải thưởng danh giá trên đất Mỹ - Ảnh 8.
Năm 2021, ở tuổi 84, diễn viên điện ảnh Kiều Chinh nhận giải giải thưởng Thành tựu trọn đời do BTC Liên hoan phim Thế giới Châu Á (AWFF) trao tặng.