Từ giã Fulro làm già làng uy tín
Ám ảnh cảnh sống chui sống lủi
Đường về thôn Đa Tế, xã Đạ M’Rông giờ đã thảm nhựa thẳng tắp, đường bê tông nối dài khắp buôn và không ngừng được cải tạo mở rộng. Phóng mắt tứ phía, những đồi sầu riêng, cà phê xanh ngút ngàn góp sức sống mới nơi núi rừng Tây Nguyên. Trong căn nhà sàn ngay trung tâm xã, già làng Kră Jăn Ha Xuyên niềm nở đón khách...
Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào nhà ông Ha Xuyên là bốn bức tường phòng khách treo kín bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương từ Trung ương tới địa phương. Ngước mắt nhìn lên bức ảnh lớn chụp trong dịp ra Hà Nội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, già làng Ha Xuyên không kìm được xúc động: “Nhờ ơn Đảng, Nhà nước mà gia đình tôi, buôn làng có được cuộc sống ấm no như hôm nay”.
Vị già làng không ngần ngại kể về khoảng tối trong cuộc đời mình vì lỡ nghe lời kẻ xấu gia nhập tổ chức Fulro. Theo công an huyện Đam Rông, già làng Kra Jăn Ha Xuyên tham gia Fulro từ năm 1975, giữ cấp bậc Trung tá, từng giữ các chức vụ quan trọng như: Quận trưởng Đam Bur, quận trưởng Liêng Khàng, Chỉ huy trưởng Trung tâm tiếp viện Quân khu 4 TW Fulro, Tỉnh trưởng tỉnh Lang Biang và tư lệnh Quân khu 4 Fulro.
Trong ký ức của mình, ông Ha Xuyên luôn ám ảnh và không muốn nhắc nhiều tới khái niệm Fulro, luôn cảm thấy tiếc nuối vì một quãng thời gian lầm lỡ nghe lời kẻ xấu. Vốn là giáo viên, được dân bản tôn trọng, yêu quý nhưng rồi uy tín của Ha Xuyên bị Fulro lấy đi...
Biết thầy giáo Ha Xuyên có tiếng nói, có vai trò quan trọng trong khu dân cư, những đối tượng Fulro ở Đắk Lắk không ngừng móc nối, lôi kéo, dụ dỗ ông gia nhập tổ chức phản động, hại dân hại nước. Ông Ha Xuyên kể, các đối tượng bám theo ông suốt ngày, tìm đủ cách tiếp cận, tác động vào ý thức của ông, lúc thì chúng tới trường nói chuyện, lúc thì tới nhà gặp trực tiếp, lúc thì viết thư gửi, có lúc theo lên rẫy chuyện trò…
Các đối tượng xấu hứa hẹn rằng người có trình độ như ông Ha Xuyên tham gia tổ chức sẽ có chức vụ cao, sau khi phong trào thành công còn được ra nước ngoài sinh sống, vật chất dư dả. Vì phút nhẹ dạ cả tin, ông Ha Xuyên bỏ nhà lên rừng theo bọn Fulro.
Những tháng ngày tham gia tổ chức Fulro, ông Ha Xuyên bị đưa sang tỉnh Đắk Lắk rồi qua Campuchia, lang thang nay đây mai đó. “12 năm đi theo bọn xấu, tôi mới nhận ra những lời hứa hẹn của chúng đều không đúng, tiền bạc không có, lại phải xa vợ xa con, chức vụ thì hữu danh. Nếu không nghe bọn xấu, chịu khó làm ăn có lẽ tôi đã sớm có nhà cửa đàng hoàng, không phải làm lại từ đầu”, già làng Ha Xuyên dụi nước mắt, hối hận.
Nhớ lại quãng thời gian lầm lỡ, ông Ha Xuyên tự trách mình sao lại rời bỏ buôn làng để sống chui lủi trong những cánh rừng sâu, đào củ mì, hái rau rừng ăn qua ngày với cái mác “lãnh đạo tư lệnh quân khu của tổ chức Fulro”. “Bọn chúng tự phong chức quyền vậy thôi chứ không được tiền bạc gì, đi trong rừng phải làm nhà bằng lá cây, đến thuốc lá cũng hái trộm của dân”, ông Ha Xuyên nhớ lại.
Chứng kiến cảnh băng nhóm tội phạm cướp bóc, hại dân, ông Ha Xuyên quyết tâm tìm cơ hội trở về gia đình. Ngặt nỗi một phần các thành viên trong tổ chức thường xuyên canh chừng nhau, chưa kể ở giữa rừng không thể biết đường ra. Một ngày cuối năm 1986, ông Ha Xuyên khăn gói ít quần áo, chút lương thực rồi cứ thế băng rừng hướng từ đất Campuchia về Việt Nam đầu hàng.
Băng rừng cả tháng trời, vừa đi vừa trốn, cuối cùng ông Ha Xuyên đã đặt chân đến vùng núi rừng thuộc khu vực núi Langbiang, huyện Lạc Dương. Sau khi liên lạc với chính quyền địa phương, ông Ha Xuyên được đoàn cán bộ Lâm Đồng, trong đó có lãnh đạo công an tỉnh đưa ô tô đến điểm hẹn tại xã Đưng K’Nớ đón về. “Nhóm chúng tôi có 8 người bỏ về đầu hàng, tất cả đều bình an. Chúng tôi rất bất ngờ khi được mọi người ân cần hỏi han, động viên. Tối đó đoàn cán bộ còn mổ lợn uống rượu chúc mừng chúng tôi đã trở về. Thời điểm đó tôi nhớ là tháng 11/1986”, ông Ha Xuyên nói.
Ông Ha Xuyên càng bất ngờ hơn bởi sau khi trở về, ông được bố trí công việc ổn định, nhiều năm liền là cán bộ mặt trận, rồi cán bộ thuỷ nông huyện Đam Rông. Sống và làm việc với tâm nguyện bù lại những tháng ngày lầm lỡ, ông Ha Xuyên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền là chiến sỹ thi đua cơ sở, được tặng hàng chục bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương từ trung ương tới địa phương. Đặc biệt, nhiều năm liền ông Ha Xuyên được công nhận là người có uy tín ở địa phương.
“May mà tôi còn quay về kịp”, ông nói và nhìn 3 người con, giọng mãn nguyện: “Bỏ Fulro về vợ chồng mới sinh cháu út vào năm 1990, giờ hai con đang công tác ở UBND xã và Trạm y tế xã, một cháu dựng trang trại trồng dâu nuôi tằm. Các con đều ngoan hiền, chịu khó làm ăn, cuộc sống ổn định. Đó cũng là niềm vui lớn nhất đời tôi”.
Vị mục sư tích cực vận dân bản làm việc tốt
Cũng là người có trình độ, uy tín ở địa phương nên ông Kon Sơ Ha Wớp (SN 1939, ngụ thôn Đạ K’Nàng, xã Đạ K’Nàng) bị lôi kéo vào tổ chức Fulro từ năm 1975, từng giữ cấp bậc Trung uý, sỹ quan tuyên uý, TW Fulro. Thế nhưng khi chứng kiến tổ chức phản động Fulro làm việc xấu, dụ dỗ dân bản làm điều xấu, ông Kon Sơ Ha Wớp đã mạnh dạn đứng dậy phản đối. Khi đó, những người cầm đầu trong tổ chức đã tra tấn ông.
Trong ký ức của mình, ông Kon Sơ Ha Wớp không thể quên được những trận đòn nhừ tử: “Họ trói tay tôi, cởi hết quần áo rồi đánh đập; lần khác tôi còn bị gí súng vào đầu doạ bắn”, ông nói đứt quãng, lắc đầu tỏ sự ghê tởm. Đến khoảng năm 1980, ông Kon Sơ Ha Wớp về với buôn làng, từ giã những tháng ngày đen tối.
Từ khi trở về địa phương, ông Kon Sơ Ha Wớp đã tích cực vận động dân bản tu chí làm ăn, không nghe lời kẻ xấu. Ông còn đứng ra hoà giải các tranh chấp trong thôn bản, vinh dự là già làng từ năm 1990 đến nay. Hiện già làng Kon Sơ Ha Wớp là mục sư quản nhiệm Chi hội Tin lành Việt Nam (miền Nam) thôn Đạ K’Nàng, xã Đạ K’Nàng với hơn 400 tín đồ và đang là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo quyết định số 523/QĐ-UBND ngày 16/3/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Với công việc già làng, nhà truyền đạo, mỗi lần trước giờ hành lễ, già làng Kon Sơ Ha Wớp đều dành vài phút khuyên dặn các tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, chấp hành tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghe lời chính quyền địa phương để góp sức xây dựng buôn làng giàu đẹp. “Nghe lời cán bộ, học hỏi cách làm kinh tế thì sẽ có cơm ăn áo mặc. Nếu ai khó khăn, thiếu thốn thì bà con trình bày với chính quyền, Đảng và Nhà nước sẽ hỗ trợ chứ không để dân đói khổ. Những ai ốm đau bệnh tật cũng được Đảng, Nhà nước xem xét hỗ trợ. Tuy nhiên ai có sức khoẻ thì hãy làm việc để có cái ăn, đừng khoanh tay không làm mà vẫn muốn có ăn”, già làng Kon Sơ Ha Wớp kể lại cách tuyên truyền dân làng, tín hữu sống và làm việc theo pháp luật của mình.
Trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, già làng Kon Sơ Ha Wớp luôn luôn nhắc các tín hữu, dân làng tuyệt đối không được chia phe lập nhóm như lời dạy trong kinh thánh. Trường hợp dân làng có tâm tư, nguyện vọng gì, già làng Kon Sơ Ha Wớp sẵn sàng lắng nghe rồi chuyển đến các cấp chính quyền qua các buổi họp. “Ngày trước trong thôn thiếu trường học, đường đi lại khó khăn, thiếu trạm y tế, điện chiếu sáng nhưng bây giờ đã đầy đủ, làng quê giàu có hơn ngày trước nhiều lắm, ai ai cũng phấn khởi”, già làng Kon Sơ Ha Wớp vui vẻ chia sẻ.
Theo đánh giá của công an huyện Đam Rông, già làng Kon Sơ Ha Wớp, già làng Kra Jăn Ha Xuyên là những trường hợp từng theo Fulro, hiện chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có nhiều đóng góp cho địa phương.
Ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch huyện Đam Rông nhấn mạnh, những già làng, người có uy tín như ông Kon Sơ Ha Wớp, Kra Jăn Ha Xuyên… là nhân tố quan trọng góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại vùng đất Đam Rông còn nhiều khó khăn.
Fulro là một tổ chức phản động, một tổ chức tội ác. Theo ông an huyện Đam Rông (Lâm Đồng) hiện trên địa bàn có 154 đối tượng (56-93 tuổi) từng theo Fulro đã giác ngộ đường lối của Đảng, Nhà nước. Đến nay những người này đều yên tâm làm ăn, sinh sống, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hiện tại cơ quan chức năng chưa phát hiện các hoạt động phức tạp liên quan đến tình hình địa bàn, đối tượng trong và ngoài nước.