Từ động đất ở Thổ Nhĩ kỳ: Hà Nội cần sớm cải tạo các khu chung cư cũ
Sau thảm họa động đất khiến hàng nghìn tòa nhà bị sập đổ, hàng chục nghìn người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ, làm “rúng động” thế giới, nhiều người dân Hà Nội - nơi tùng cảm nhận sự rung lắc bởi dư chấn của một số trận động đất xảy ra ở Lào, Trung Quốc,… cũng không khỏi hoang mang, lo lắng khi những khu chung cư mình ở đã xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Chung cư cũ sẽ gặp rủi ro khi xảy ra động đất
Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, trận động đất mạnh 7,8 richter xảy ra vào ngày 6/2 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã khiến hơn 12.141 tòa nhà bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng. Phần lớn nạn nhân động đất thiệt mạng do bị chôn vùi khi nhà sập.
Nói về thảm họa trên, nhiều chuyên gia, học giả và người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các tòa nhà kém chất lượng đã khiến thiệt hại trong thảm họa trầm trọng hơn.
Cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều tòa nhà chung cư, khu tập thể cũ, trong đó có nhiều chung cư cũ được xây dựng trong giai đoạn từ thập kỷ 60, thậm chí có một số khu nhà xây từ năm 1955. Đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, nhiều chung cư, khu tập thể cũ đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Đơn cử như tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố có đến 1.579 chung cư cũ, trong đó nhiều chung cư đã xuống cấp trầm trọng. Đáng chú ý, có 6 khu chung cư, dự án nhà chung cư có nhà nguy hiểm cấp D - phải phá dỡ để xây dựng lại như: Nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ; G6A Khu tập thể Thành Công,...
Trong những năm gần đây, mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã tổ chức nhiều hội nghị đánh giá, xin ý kiến chuyên gia và cộng đồng dân cư, thế nhưng đến nay các dự án cải tạo, xây mới vẫn còn ì ạch.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý hoạt động Xây dựng (Bộ Xây dựng), gần 1.600 khối nhà chung cư cũ ở Hà Nội kể trên sẽ trong tình trạng nguy hiểm nếu xảy ra động đất cường độ 4-5 độ richter, còn các tòa nhà cao tầng mới xây có thể chịu được động đất cấp 8.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, chị Hà, người dân Khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân) cho hay: “Tôi rất lo lắng khi khu tập thể này đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều chỗ tường bị nứt, tróc lở trơ cả cốt thép bên trong gây nguy hiểm. Vì thế, mong muốn của tôi là Nhà nước và các cơ quan, ban ngành sẽ có phương án để sớm triển khai cải tạo lại để đảm bảo được an toàn cho người dân hơn.”
Cùng chung tình cảnh, bà Lương, một giáo viên đã về hưu sống tại khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Khu chung cư này xuống cấp lắm rồi, như cầu thang số 5 bị sụt lún dẫn đến nứt gãy, đi lại rất nguy hiểm. Đã thế, gần đây nghe tin nhiều tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ bị sập đổ, phá hủy do động đất, trong đó có nhiều tòa nhà kém chất lượng, tôi cũng không khỏi lo lắng nếu động đất xảy ra thì sao?”
“Tôi về hưu lâu rồi, hàng tháng cũng chỉ có chút lương hưu, không có đủ kinh tế để mua nhà mới nên chỉ mong chính quyền quan tâm, sớm có phương án cải tạo lại để gia đình tôi cũng như người dân ở đây yên tâm sinh sống,” bà Lương chia sẻ thêm.
Cần quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn kháng chấn
Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia, Phó giáo sư, tiến sĩ Cao Đình Triều - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia có hoạt động địa chất mạnh nhất thế giới vì nằm trên mảng Anatolian, giữa hai đường đứt gãy lớn.
Theo ông Triều, hầu hết các thành phố hiện đại ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là những thành phố phát triển, nằm trên các đường đứt gãy lớn đều có các quy định nghiêm ngặt về xây dựng, đảm bảo các tòa nhà không dễ sụp đổ khi động đất.
Dù vậy, theo ông Triều, tại một số nơi ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều tòa chung cư cũng không được xây dựng bài bản theo đúng tiêu chuẩn kháng chấn động đất. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều tòa nhà cao tầng đổ sụp vào ngày 6/2 vừa qua.
Ông Triều cho biết trên địa bàn thành phố hiện có hàng nghìn khu chung cư, nhà tập thể. Với những khu chung cư mới, hiện đại khi xây dựng đã tính toán đến kháng chấn thì có thể chịu được động đất cấp 8. Tuy nhiên, với hầu hết các chung cư cũ, nhà tập thể cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, ngày xưa xây dựng cũng không đảm bảo chất lượng nên rủi ro khi xảy ra động đất rất cao.
Tiến sỹ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhận định tại Việt Nam cũng như Hà Nội, việc xây dựng công trình theo các yêu cầu về kháng chấn đã được triển khai từ lâu. Các công trình cao tầng, nhà cao ốc đều đã có tính toán như việc yêu cầu đảm bảo tối đa là 6 độ richter.
Tuy vậy, theo ông Nghiêm, động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng là lời cảnh báo đối với Việt Nam, cũng như Hà Nội - nhất là trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu và diễn biến địa chất luôn có sự thay đổi. Trong khi đó, ở nước ta, hiện nay rất nhiều công trình cao tầng đã được xây dựng từ những năm 2000-2005, chưa kể nhiều chung cư, nhà tập thể cũ được xây dựng trong giai đoạn từ thập kỷ 60.
Vì thế, theo các chuyên gia, thời gian tới, Việt Nam nên có quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn kháng chấn phù hợp cho các công trình xây dựng, nhất là các tòa nhà cao tầng.
Riêng với các chung cư, nhà tập thể cũ xây dựng cách đây hơn 50 năm, đã bị xuống cấp trầm trọng, Hà Nội cần đẩy nhanh việc “đại phẫu” - cải tạo, di dời để đảm bảo an toàn của người dân, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra./.