Từ vụ nổ cục nóng điều hòa ở Vĩnh Phúc: Phòng tránh rủi ro chết người
Cục nóng phát nổ khiến 1 người chết
Ngày 21/4 tại Vĩnh Phúc xảy ra vụ nổ cục nóng điều hòa trên mái nhà khiến 2 người gặp nạn. Vụ việc xảy ra ở khu đô thị Nam Vĩnh Yên, phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên. Vụ nổ xảy ra khi 2 thanh niên đang trong quá trình kiểm tra, sửa chữa cục nóng điều hòa đặt trên mái nhà, thuộc Khu đô thị Nam Vĩnh Yên.
Sau vụ nổ, hai nam thanh niên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Do vết thương nặng, một người sinh năm 1995 đã tử vong. Trước đó, clip ghi lại vụ nổ được chia sẻ và lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, khiến người xem kinh hãi, gây xôn xao dư luận.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh và Điều hòa không khí cho biết, điều hòa không khí có 2 bộ phận được gọi là dàn nóng và dàn lạnh. Hiểu một cách đơn giản đó là trong quá trình hoạt động, cục lạnh sẽ thổi ra khí lạnh làm mát phòng, còn cục nóng thổi khí nóng được hút từ trong phòng ra bên ngoài. Với nguyên tắc trên, cục nóng của điều hòa bắt buộc phải lắp đặt ở bên ngoài phòng để làm nhiệm vụ đẩy khí nóng ra ngoài.
Dàn nóng hay còn được gọi là cục nóng được lắp bên ngoài phòng làm lạnh có nhiệm vụ xả nhiệt lượng nóng ra môi trường bên ngoài phòng. Cơ bản cục nóng gồm những lá nhôm (hoặc lá đồng) ghép xít nhau. Các ống đồng chứa môi chất lạnh được đặt xuyên qua dàn lá nhôm này mục đích giúp truyền nhiệt nhanh. Cục nóng máy lạnh được bảo vệ bằng lớp chắn bên ngoài, có sơn tích điện. Bên dưới cục nóng là mặt sàn đỡ và chân bắt giá đỡ, giúp cố định cục nóng, bảo vệ cục nóng khỏi những tác động bên ngoài.
Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do cháy cục nóng điều hòa, đặc biệt ở các khu chung cư. Nhận định về nguyên nhân vụ cháy do cục nóng điều hòa, GS.TS Nguyễn Đức Lợi, cho biết, khả năng cục nóng điều hòa bị cháy là ít gặp. Trong cục nóng điều hòa, chỉ có một vật liệu dễ cháy là cánh quạt bằng nhựa. Còn lại các bo mạch, vỏ bằng sắt… rất khó cháy. Môi chất lạnh ở hầu hết các dòng điều hòa đều không hoặc khó cháy như loại môi chất R32 hoàn toàn không cháy, loại R410A rất hiếm khi cháy. Chỉ có dòng điều hòa nhập lậu có sử dụng một số môi chất như propan giống gas đun nấu là có thể cháy.
Một nguyên nhân khác có thể gây cháy là sử dụng điều hòa nhập khẩu từ các nước ôn đới. Ở các nước này do không có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên các bo mạch không được xử lý chống ẩm, chống cháy. Khi gặp điều kiện thời tiết độ ẩm cao, các bo mạch này có thể chập, gây cháy. Do đó khi sản xuất máy điều hòa cho các nước nhiệt đới, các bo mạch này phải được nhúng vào epoxy là một loại sơn cách nhiệt, chống cháy để bảo vệ chống ẩm.
Thói quen sai lầm phổ biến trong các gia đình
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, cho biết, đặt giàn nóng phơi mưa nắng ngoài trời là thói quen sai lầm phổ biến nhiều người mắc phải. Khi lắp đặt dàn nóng điều hòa ngoài trời nhưng không được che chắn mà thường xuyên bị dầm mưa, nắng chiếu quanh năm. Đây là nguyên nhân chính khiến cho dàn nóng dễ hư và người dùng lại phải tốn chi phí sửa chữa. Ngoài ra, việc lắp đặt cục nóng ở ngoài trời, nơi có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào sẽ làm tăng nhiệt độ của cục nóng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc điện năng tiêu tốn nhiều hơn, tuổi thọ điều hòa rút ngắn đi do cục nóng điều hòa phải làm việc liên tục.
Mặc dù nhiều hãng sản xuất liên tục tung ra các công nghệ cũng như kiểu thiết kế để giúp dàn nóng điều hòa chống chọi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Và dàn nóng cũng được thiết kế để lắp đặt ngoài trời. Tuy vậy, việc lắp đặt dàn nóng điều hòa mà không có mái che phơi mưa, nắng ngoài trời quanh năm là không nên.
Theo GS.TS Nguyễn Đức Lợi, vị trí lắp đặt dàn nóng tốt nhất là ở các lô gia của chung cư, sân thượng có mái che, ban công của phòng... Là ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và có mái che. Vị trí lắp đặt dàn nóng điều hòa nên cách tường ít nhất 10cm, và đặt ở nơi không có vật cản phía trước cũng như những nơi có hướng gió thổi thường xuyên để quạt có thể thoát hơi nóng ra ngoài một cách hiệu quả nhất.
Vị trí đặt dàn nóng cần tránh hướng gió thổi vuông góc trực tiếp quá mạnh vào cánh quạt, vì sẽ ảnh hưởng đến sức cản lớn cho tốc độ quay của quạt, gây nên tình trạng lãng phí điện năng đáng tiếc. Mặt ngoài của dàn nóng phải cách tường ít nhất 1m để tránh tình trạng quẩn gió. Nếu gió nóng thổi ra ngoài rồi lại đẩy ngược lại vào bên trong để làm lạnh thì sẽ tiêu tốn rất nhiều điện năng. Do đó, nếu muốn tìm vị trí vừa mát, có mái che cho dàn nóng… thì phải lưu ý hướng gió thổi của dàn nóng.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, cục nóng, giàn nóng điều hòa cũng cần được bảo dưỡng định kỳ. Với nhà cao tầng, ít bụi, gần hồ, chỉ cần bảo dưỡng 1 lần/năm. Nhà gần đường, nhiều bụi thì phải bảo dưỡng 2 - 3 lần năm. Bụi bẩn làm tắc nghẽn giàn nóng, khiến không giải nhiệt được dễ gây cháy.
Việc vệ sinh dàn nóng của điều hòa phải được thực hiện bởi thợ sửa chữa chuyên nghiệp. Không nên tự ý tháo dỡ, kiểm tra cũng như lắp đặt dàn nóng để tránh những rủi ro đáng tiếc. Dàn nóng dù lắp ở đâu cũng cần có dây tiếp đất để đảm bảo an toàn lưới điện. Tránh để trẻ em lại gần khi dàn đang hoạt động.