Từ vụ việc trẻ sơ sinh bị bế trộm giữa Thủ đô hà nội: Bài học cho cả bệnh viện lẫn người nhà sản phụ
Ngày 20/8, Công an huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) đã tạm giữ Nguyễn Thị Tuyến (trú tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ) để điều tra hành vi “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”. Theo lời khai ban đầu, Tuyến là công nhân trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Thời gian qua, đối tượng bị lừa mất 10 triệu đồng qua mạng nên khó khăn về tiền bạc. Lúc này, Tuyến được biết có một đồng nghiệp có nhu cầu tìm trẻ sơ sinh làm con nuôi và tin rằng mình sẽ được “cảm ơn” nếu thoả được mong ước của đồng nghiệp.
Vào khoảng 20 giờ ngày 19/8,Tuyến đến Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, mặc áo đồng phục nhân viên bệnh viện, rồi lẻn vào khoa Sản, bế một cháu bé sơ sinh (con chị N.T.H., trú tại xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) ra ngoài. Do mặc trang phục của nhân viên y tế nhưng không gắn logo của bệnh viện và có nhiều biểu hiện nghi vấn nênTuyến bị một bác sĩ giữ lại. Thấy vậy, Tuyến bỏ chạy, nhưng bị lực lượng bảo vệ của bệnh viện bắt giữ rồi trình báo đến cơ quan Công an.
Từ góc độ pháp lý, Luật sư Vũ Thị Nhung – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Trẻ em nghiêm cấm các hành vi như bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Vì vậy, pháp luật nước ta xác định, hành vi bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâmphạmđến các quyền cơ bản của trẻ em, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy, người thực hiện hành vi bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Cũng theo Luật sư Nhung, chỉ cần người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi thì cũng đã cấu thành tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” được quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015. Đối chiếu với diễn biến ban đầu thì hành vi của NguyễnThịTuyến đã có dấu hiệu về tội danh này.
Tuy nhiên, để đảm bảo xử lý đúng pháp luật thì Cơ quan điều tra cần sẽ làm rõ nhân thân của đối tượng, làm rõ động cơ mục đích thực hiện hành vi. Nếu có căn cứ chứng minh được nghi phạm chiếm đoạt trẻ em nhằm bán hoặc để “tống tiền” người thân của trẻ, thì đối tượng có thể bị xử lý về hành vi mua bán người, hoặc bắt cóc nhằm chiếm đoạt tàisản...
Theo Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Nga, sự việc có thể khiến nhiều người “giật mình” về vấn đề an ninh tại bệnh viện, an toàn của mẹ và trẻ sau sinh. Sẽ như thế nào nếu hành vi của nghi phạm được trôi chảy và không bị phát hiện? Tuy nhiên, cũng cần khen ngợi và tuyên dương tinh thần cảnh giác các nhân viên bệnh viện trong vụ việc này bởi chính vì sự cảnh giác của họ đã ngăn ngừa hậu quả xấu có thể xảy ra.
Đây là một bài học để các bậc làm cha, làm mẹ, những người giám hộ cần nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tránh tình huống trẻ em gặp tai nạn hoặc gặp phải đối tượng xấu...
Bên cạnh đó, các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện sản, nhi cũng cần nâng cao, tăng cường an ninh, an toàn của bệnh nhân và người nhà bởi đây là nơi có nhiều nguy cơ trẻ em bị đánh tráo, bị bắt cóc, chiếm đoạt hoặc nguy cơ trộm cắp tài sản.
Vì vậy, bệnh viện không chỉ cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, điều trị và thực hiện các hoạt động chuyên môn mà còn phải tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp đáng tiếc.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra giám sát đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, tổ chức tập huấn kỹ năng phòng ngừa các hành vi xâm hại đến trẻ em cho các nhân viên y tế; tổ chức tuyên truyền, thông tin để sản phụ, bệnh nhân và người nhà nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 235 ra ngày 23/8/2022)