Từ vụ xét nghiệm ADN tại “Tịnh thất Bồng Lai”: Bảo vệ bí mật đời tư cá nhân thế nào cho đúng?
Công bố kết quả ADN sẽ ảnh hưởng đến trẻ em tại "Tịnh thất Bồng Lai"
Ngày 28/10, Cơ quan an ninh điều tra (Công an tỉnh Long An) cho biết, đơn vị này đã có kết quả giám định ADN những người liên quan đến “Tịnh thất Bồng Lai” hay “Thiền am bên bờ vũ trụ”. Cụ thể là những người liên quan đến hộ bà Cao Thị Cúc (ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
Cơ quan an ninh điều tra đã thông báo kết quả giám định ADN này đến những người liên quan. Tuy nhiên, vì tôn trọng quyền con người, trong đó có liên quan đến cuộc sống của nhiều trẻ em nên thông tin này không cung cấp rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình giải quyết điều tra, theo tin báo tố giác tội phạm có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại hộ bà Cúc. Hộ gia đình này có dấu hiệu giả nuôi trẻ mồ côi để lừa tiền nhiều nhà hảo tâm ở khắp nơi.
Ngày 24/9, Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định trưng cầu giám định ADN và thu mẫu của 28 người liên quan để gửi đến Phân viện Khoa học hình sự tại TP Hồ Chí Minh để giám định.
Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh, Giám đốc công ty Luật TNHH Link & Partners, tự do cá nhân, bí mật đời tư là quyền dân sự cơ bản của cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Đây là quyền nhân thân bất khả xâm phạm gắn liền với mỗi cá nhân. Quyền này đã được ghi nhận tại khoản 1, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 và Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo quy định pháp luật hiện hành thì quyền bí mật đời tư của cá nhân là quyền bất khả xâm phạm của cá nhân đó. Việc sử dụng thông tin có liên quan đến bí mật đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh, Giám đốc công ty Luật TNHH Link & Partners.
Vụ việc tại “Tịnh thất Bồng Lai” đã và đang thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận. Trong khi cơ quan chức năng còn đang trong quá trình điều tra, làm rõ thì một số cá nhân, tổ chức đã đưa thông tin lên internet, mạng xã hội về nhân thân của một số trẻ em tại đây. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nghiệp vụ của cơ quan chức năng mà còn xâm phạm đời sống riêng tư, gây tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, tâm sinh lý và danh dự của những đứa trẻ liên quan.
Việc bảo vệ quyền lợi trẻ em được quy định trong nhiều văn bản như khoản 11, Điều 6 Luật trẻ em 2016; Điều 1 Luật trẻ em 2016; Điều 87 Luật trẻ em năm 2016. Cụ thể, khoản 11, Điều 6 Luật trẻ em 2016 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm thì bao gồm hành vi sau: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”…
Do đó, luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh nhận định, trong vụ việc “Tịnh thất Bồng Lai”, việc công bố công khai kết quả giám định ADN cần xem xét dưới các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, tốc độ lan truyền thông tin chóng mặt trong thời đại công nghệ số như hiện nay sẽ khiến thông tin dễ trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận. Thực tế, dư luận thì có những quan điểm trái chiều và đa phần sẽ tập trung công kích, chỉ trích những người phạm tội, những hệ lụy có thể ảnh hưởng đến những đứa trẻ.
Thứ hai, dư luận có thể lắng xuống nhưng dư âm của nó vẫn còn, những tàn dư đó vẫn đeo bám và ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, tâm sinh lý, cùng danh dự của những đứa trẻ. Khi nhận thức được vấn đề thì những đứa trẻ này sẽ cảm thấy tự ti, suy sụp và có thể tự cô lập mình với xã hội, khó hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa vì lai lịch, gốc gác của chính mình.
“Tựu chung lại, từ những tác động, ảnh hưởng nêu trên, có thể thấy những đứa trẻ này sẽ không được sinh sống trong một môi trường, điều kiện bình thường để có thể phát triển toàn diện, lành mạnh. Hệ lụy đau xót nhất chính là tương lai của những đứa trẻ. Do đó, vì mục đích nhân đạo và cân nhắc đến quyền lợi của những đứa trẻ vô tội thì việc không công khai thông tin của cơ quan điều tra là hợp lý và cần thiết”, luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh nêu quan điểm.
Tại sao cơ quan điều tra cần xác định ADN?
Liên quan đến việc giám định ADN trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai”, luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh cho biết, việc làm này nhằm mục đích xác định hành vi, dấu hiệu tội phạm, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể:
Việc đầu tiên, Cơ quan CSĐT giám định AND để xác định mối quan hệ huyết thống của những người liên quan trong vụ việc “Tịnh thất Bồng Lai”. Theo đó, nếu trường hợp kết quả giám định ADN cho thấy các cá nhân sinh sống ở “Tịnh thất Bồng Lai” không có quan hệ huyết thống với nhau. Qua đó, xác nhận không có dấu hiệu cấu thành Tội loạn luân.
Ở trường hợp ngược lại, nếu kết quả giám định ADN cho thấy các cá nhân sinh sống ở “Tịnh thất Bồng Lai” đều có quan hệ huyết thống với nhau và đều là con cháu của bị cáo Lê Tùng Vân. Từ đó, Cơ quan điều tra nhận thấy dấu hiệu phạm Tội loạn luân. Có căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can có hành vi loạn luân.
Bị cáo Lê Tùng Vân tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Thanh Niên
Đồng thời, việc làm này cũng nhằm xác định nguồn gốc, lai lịch của những đứa trẻ được nuôi dưỡng tại “Tịnh thất Bồng Lai”. Căn cứ kết quả giám định AND thì cơ quan điều tra có đủ cơ sở để kết luận những đứa trẻ được nuôi dưỡng tại đây có phải là trẻ mồ côi, không nơi nương tựa hay thực chất là con cháu có quan hệ huyết thống với ông Lê Tùng Vân. Theo đó, nếu kết quả ADN cho thấy những người sinh sống ở “Tịnh thất Bồng Lai”, đặc biệt là trẻ em không có quan hệ huyết thống, sẽ không có đủ căn cứ xác định hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhóm này.
Nếu trường hợp kết quả ADN cho thấy các cá nhân sinh sống ở “Tịnh thất Bồng Lai” đều có quan hệ huyết thống với nhau và đều là con cháu của bị cáo Lê Tùng Vân. Thì đây sẽ là căn cứ để xác định, “Tịnh thất Bồng Lai” giả trẻ mồ côi, giả tu sĩ, bởi theo kết quả điều tra cũng không phải tự viện hoạt động hợp pháp. Đây là những chứng cứ quan trọng để xác định hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trục lợi từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.