Từng cam kết lợi nhuận 12,5%/năm, “Dự án ma” Kai Village Resort hiện ra sao?
Trong vài năm trở lại đây, tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Thuận… đã xuất hiện rất nhiều dự án “ma” dưới dạng một quần thể nghỉ dưỡng quy mô lớn, nằm xen kẽ trong các khu dân cư.
Trên thực tế, đa số các dự án “ma” này thường có chung công thức là nguồn gốc các khu đất ở vùng nông thôn được một số cá nhân mua gom, rồi biến thành các “khu quần thể biệt thự, nghỉ dưỡng”.
Các căn biệt thự nghỉ dưỡng sau đó được rao bán ra thị trường lại được gắn mác tên dự án hoành tráng, được quảng bá rầm rồ trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website về bất động sản…Không ít nhà đầu tư chi cả vài tỷ đồng sở hữu một căn biệt thự "dự án ma" này thì họ có quyền ở hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư khai thác nghỉ dưỡng.
Điển hình như tại tỉnh Hòa Bình hiện đang tồn tại 8 dự án “ma” do không nằm trong quy hoạch, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sơ pháp lý, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản.
8 dự án “ma” được Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình công bố, bao gồm: Green Oasis Villas Hòa Bình, Beverly Hill, Mountain Villa - Lương Sơn, Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp (cùng thuộc địa bàn huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình); Sun Legend Villa - Đà Bắc Ecolodge tại huyện Đà Bắc; Các dự án còn lại nằm trên địa bàn thành phố Hòa Bình là Kai Village Resort, Ohara Villas & Resort tại xã Mông Hóa, The Moon Village tại xã Yên Quang.
Một trong những “Dự án ma” được Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình công bố đó là Dự án Kai Village Resort tại cầu Mè, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình.
Được biết, theo thông tin từ các website bất động sản như: muabatdongsn.vn, Ancu.me, batdongsan24h.com.vn… đều giới thiệu, Dự án Kai Village Resort do Zen Group làm chủ đầu tư và trực tiếp khai thác.
Theo thông tin giới thiệu từ một website rao bán Dự án, Zen Group là một doanh nghiệp nổi tiếng với vai trò xây dựng và quản lý nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng như Zen Resort, Bella Resort, Sunset Villas & Resort… có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu biệt thự cao cấp và sang trọng tại Việt Nam.
Song ngoài những quảng cáo trên, người ta không thể tìm thêm được bất cứ thông tin nào về mã số thuế, người đại diện pháp luật hay quy mô, năng lực... của đơn vị doanh nghiệp có tên là Zen Group.
Phóng viên đã trực tiếp đến khu vực được giới thiệu là Dự án Kai Village Resort nằm sát gần Quốc lộ số 6 (TP Hòa Bình), nhưng bên ngoài không có bất kỳ thông tin hay biển, bảng nào về thông tin Dự án hay Chủ đầu tư, quy hoạch hạ tầng… của Dự án có tên gọi “Kai Village Resort”.
Tại khu vực này, có một số căn biệt thự nghỉ dưỡng kiên cố mọc lên và hoàn thiện để có thể sử dụng. Cùng với đó là hệ thống đường đi được san ủi để người dân có thể đi lại. Tuy nhiên, có khá nhiều hạng mục công trình đang thi công dang dở, khá nham nhở.
Kai Resort Villas cũng được quảng cáo thiết kế mang phong cách Nhật Bản, độc đáo, phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Dự án được chia thành 3 tiểu khu: Hoa Anh Đào, Sơn Trà, Hoa Đào với các căn biệt thự có diện tích từ 135m2. Giá bán tại dự án này được chào mời chỉ từ 2 tỷ đồng/biệt thự (đã gồm VAT và nội thất cao cấp).
Chủ đầu tư có cam kết ưu đãi hấp dẫn khi thanh toán, như được hỗ trợ vay vốn lên tới 70%, cam kết lợi nhuận cao, 15 ngày nghỉ miễn phí/năm, trao đổi kỳ nghỉ miễn phí. Ngoài ra giảm 15% dịch vụ khác, giảm 30% khi mua thực phẩm sạch… Các thông tin này đều quảng cáo dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp, kiến trúc đẹp, pháp lý sổ đỏ, lợi nhuận hấp dẫn…
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin về suất đầu tư cũng rất hấp dẫn như: “Chủ đầu tư cam kết lãi suất đến 12,5% một năm cho khách hàng. Dự án được ngân hàng TPBank bảo trợ với nhiều mức hỗ trợ. Người mua chỉ cần trả gần 800 triệu đồng có thể sở hữu ngay một căn biệt thự tại Kai Resort.”
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình thì Kai Village Resort tại cầu Mè, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình thực chất không nằm trong quy hoạch, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sơ pháp lý, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản.
“Dự án ma” không phải là mới phát hiện
Trong năm 2019, trong một báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn gửi lên Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cho thấy, trên địa bàn huyện này hiện nay có nhiều dự án không có thật, mà các dự án đó chủ yếu do cá nhân tự "dựng lên".
Theo đó, trên khu vực huyện Kỳ Sơn không có dự án nào là Dự án Kai Village Resort được phép triển khai thực hiện.
Ở dự án được gọi là Kai Village Resort, tại vị trí Đông Bắc của hồ Cầu Mè, có một số hộ gia đình, cá nhân tiến hành xây dựng nhà ở trên đất của các hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc xây nhà ở, san gạt, tạo cảnh quan đã được các phòng chuyên môn của UBND huyện tiến hành kiểm tra, làm rõ.
Tuy nhiên, rõ ràng đã gần 3 năm kể từ thời điểm UBND huyện Kỳ Sơn có văn bản gửi đến Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, những công tại là “Dự án ma” Kai Village Resort vẫn đang tồn tại, không ít trong số đó đã được hoàn thiện.
Có thể thấy, dự án kể trên đã được công khai, đưa vào “danh sách đen,” nhưng hoạt động quảng cáo, giới thiệu, kêu gọi đầu tư vẫn diễn ra trong suốt nhiều năm nay.
Trong văn bản mới đây của Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, cơ quan này khuyến cáo, để tránh những rủi ro trong giao dịch và đảm bảo minh bạch và đảm bảo phát triển lành mạnh ổn định của thị trường bất động sản, không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân huy động vốn, bán sản phẩm bất động sản trái quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh, người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Sở Xây dựng Hòa Bình cũng khuyến nghị, trường hợp các tổ chức, cá nhân có bằng chứng về việc ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua bán sản phẩm dự án giữa khách hàng và chủ đầu tư khi không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật, đề nghị cung cấp về Sở Xây dựng hoặc các cơ quan có liên quan để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Nhìn rộng hơn, hiện nay không ít địa phương đã diễn ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng tại các dự án bất động sản “ảo”, chưa đủ điều kiện kinh doanh. Nắm bắt “cơn sốt” đất đai cùng với nhu cầu nhà ở ngày tăng cao, nhiều năm qua, hàng loạt doanh nghiệp đã tung đủ chiêu rao bán dự án bất động sản “ảo” để “bẫy” khách hàng.
Thậm chí, nhiều đơn vị môi giới đất đai còn lách luật huy động vốn trái phép bằng các hình thức “ký hợp đồng vay vốn” hay “đặt cọc giữ chỗ,” rồi chiếm dụng vốn, khiến khách hàng lâm cảnh dở khóc, dở cười…
Điển hình có thể kể đến trường hợp Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Alibaba lợi dụng 43 dự án “ảo” để lừa đảo, huy động vốn của 6.700 khách hàng với tổng số tiền hơn 2.500 tỷ đồng.
Đây là bài học đau đớn với các nhà đầu tư và cho cả các cơ quan quản lý khi cần phải nhanh chóng, kịp thời thông tin các dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản… Người dân và nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, không tham gia giao dịch tại những dự án bị cảnh báo.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.