Tuổi trẻ và nốt lặng chiến tranh
Họ đã nằm xuống, để lại những di sản quý giá
Cũng như hàng triệu con người hàng năm đi dọc trên đường mòn Hồ Chí Minh đến viếng thăm những nghĩa trang liệt sĩ, tôi cũng được tham gia vào một chuyến hành trình như vậy trên con đường lịch sử để đến viếng thăm một số nghĩa trang như Nghĩa trang Ngã ba Đồng lộc, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia đường 9, Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tôi đã từng được biết đến những điểm đến này thông qua những thước phim, sách vở, Internet và lời kể của cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, trải nghiệm thật khác lạ khi tận mắt chứng kiến những ngôi mộ san sát, những dấu vết chiến tranh còn sót lại chỉ là đất đá và tàn tích, đứng trước đài tưởng niệm mà những con người bằng xương, bằng thịt giờ chỉ còn là những cái tên khắc trên bia đá,... Tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về bản thân và thế hệ của mình khi tìm hiểu về quá khứ đau thương của đất nước thông qua câu chuyện của những chiến sĩ đã nằm xuống vì một nền độc lập, tự do của đất nước ngày hôm nay.
Điều đáng buồn là rất nhiều người trẻ hiện nay đang mất kết nối với lịch sử, câu chuyện chiến tranh và những thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc. Một số bạn trẻ thậm chí còn không biết ngày 27/7 là ngày gì. Tuy nhiên, điều quan trọng là thế hệ trẻ của hiện tại hay thế hệ trẻ trong tương lai đều không thể tách rời khỏi lịch sử. Nhưng khác với những người lớn đã trải qua thời chiến, người trẻ sinh ra ở thời bình vốn không có ký ức về thời chiến, vậy họ dựa vào đâu để có được niềm tự hào đối với dân tộc và đất nước.
Câu trả lời nằm ở những cuộc “hành trình” tìm về nguồn cội để hiểu được thế nào là “sự nghiệp cách mạng vĩ đại của đất nước”. Cuộc “hành trình” ở đây không chỉ có nghĩa đen là thực sự bước đi trên những nẻo đường để tìm kiếm mọi dấu vết lịch sử của chiến tranh. Đây còn là hành trình khám phá lịch sử thông qua học hỏi, tìm hiểu và kết nối với những cảm xúc, sự kiện trong quá khứ.
Một cách đề ghi nhớ và tìm hiểu về các cuộc chiến là đọc những lá thư gửi về nhà của những người lính bởi thư từ đóng một vai trò rất quan trọng trong các cuộc chiến tranh trong quá khứ, khác với thời đại của tin nhắn điện thoại, email, mạng xã hội hiện nay….
Trong tuyển tập “Những lá thư thời chiến”, liệt sĩ Quốc Lam đã viết một lá thư gửi cho vợ như sau: “Em yêu thương nhớ của anh! Trước hết anh báo tin em mừng là anh vẫn bình yên, an toàn, mạnh khỏe sau hai tháng chiến đấu liên tục suốt ngày đêm tại miền Tây tỉnh Thừa Thiên... Anh hãnh diện nói với em là mắt anh đã nhìn thấy giặc Mỹ phải chạy, phải khóc vì pháo của ta bắn rất trúng vào trận địa pháo, vào máy bay của chúng đang hạ cánh…”.
Trong lá thư duy nhất của liệt sĩ Vũ Hùng Ngọc gửi cho gia đình trước khi bị địch bắt làm tù binh rồi bị thiêu sống, anh viết: “Ngày 10/4/1968, thầy mẹ và các em thân mến! ... Con ước mơ trở thành một sinh viên đại học của con thì có lẽ không bao giờ trở lại nữa. Giờ đây, con đã trở thành một anh lính giải phóng uy nghiêm và cứng rắn, đang đứng vững nơi khói lửa; đi bảo vệ lấy Tổ quốc, lấy thành quả của cách mạng... chúng con với tất cả sức lực, với sự hiểu biết và tinh thần của mỗi người, sẽ sẵn sàng hy sinh cống hiến tuổi tác cho cách mạng, cho gia đình, cho đồng lúa xanh tốt... Con sẽ là một người con xứng đáng của gia đình, của thế hệ trẻ”.
Hay trong hàng trăm trang thư gửi về gia đình và người thân yêu, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã từng gửi đến anh trai mình rằng “... Em muốn những trang thư là những dòng suy nghĩ về đời, về người, về cuộc sống, về những chân lý mà bất kỳ ai sống có trách nhiệm cũng phải suy nghĩ đến... ”. Một lá thư khác gửi người bạn thân thiết, anh viết: “Bất kỳ một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng một giá. Và khó khăn, gian khổ càng nhiều và thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó còn trở nên rực rỡ...”
Thế hệ trẻ đang ở đâu trong lịch sử?
Một điều khác thế hệ trẻ có thể làm để tưởng nhớ đến những người đã hy sinh trong chiến tranh là trực tiếp đến thăm những nghĩa trang, khu tưởng niệm. Sự tưởng niệm không cần là những hành động lớn lao, đôi khi chỉ cần một phút cúi đầu tưởng niệm, thành kính đặt nén hương trước bia mộ liệt sĩ với lòng thành kính và biết ơn.
Trước khi đến Nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), tôi đã bắt đầu tìm kiếm về những ngày tháng 4 lịch sử của dân tộc tại mảnh đất một thời là “chảo lửa, túi bom” này. Theo các tư liệu lịch sử, từ cuối tháng 4/1965, quốc lộ 1A bị chia cắt hoàn toàn, hàng hóa vận tải bằng đường bộ chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi qua Đồng Lộc. Chính vì thế, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá địa điểm này để cắt đứt viện trợ. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, ước tính bình quân mỗi mét vuông đất ở Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 tấn bom.
Dù vậy, những thanh niên xung phong vẫn nêu cao khẩu hiệu “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc”, thắp lửa cho lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tạo nên sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ và rồi ngã xuống ở mảnh đất này. Câu chuyện về 10 nữ thanh niên xung phong tuổi đời mới chỉ đôi mươi cùng anh linh các chiến sĩ ngã xuống nơi đây đã góp phần làm nên biểu tượng sáng ngời của một Đồng Lộc linh thiêng, bất tử.
Theo thống kê trong công cuộc số hoá thông tin liệt sĩ và mộ liệt sĩ vào năm 2018, cả nước đã thu thập được 836.329 mộ liệt sĩ, 3.080 nghĩa trang liệt sĩ, chiếm tỷ lệ 95% tổng số mộ liệt sĩ có dữ liệu trên cơ sở dữ liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Những nghĩa trang liệt sĩ trải dài trên khắp Tổ quốc nơi có cả những ngôi mộ đã biết tên và những ngôi mộ vô danh, cùng với đó là hàng trăm ngàn hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy, đang ở đâu đó trên dải đất hình chữ S của ta.
Hàng triệu con người, trong đó có thanh niên đã chết trong chiến tranh, mỗi người đều đem theo hy vọng đất nước được hoà bình trước khi nằm xuống. Chắc chắn có rất nhiều người lính còn trẻ hơn tôi, trẻ hơn cả những bạn đọc của bài viết này, khi họ ra đi vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng và dân tộc ta. Điều đó hình thành sợi dây kết nối giữa thế hệ của hiện tại với quá khứ. Sự hy sinh của những người đi trước là lý do đằng sau nền độc lập, tự do của chúng ta ngày hôm nay. Thế hệ trẻ hiện tại chính là tương lai của những thế hế đi trước và là quá khứ của những thế hệ mai sau.
Với lòng biết ơn những công lao của thế hệ người đi trước khi đã dành cả thanh xuân, cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, tôi trân quý trọng cuộc sống hòa bình ngày hôm nay và ý thức được trách nhiệm của mình là phải giữ gìn truyền thống cách mạng của dân tộc, phấn đấu nỗ lực để góp phần xây dựng đất nước thêm giàu mạnh, văn minh.
Mỗi khi đang thưởng thức một ly bia lạnh, một bữa ăn ngon lành hay xem một bộ phim hay với gia đình và người thân, chúng ta có thể biết rằng rất nhiều người lính trẻ không bao giờ được tận hưởng những điều bình thường như chúng ta đang có. Những hy sinh của họ để đất nước và thế hệ hiện tại có được tự do, một đất nước thống nhất và hoà bình để chúng ta được lớn lên, học tập, yêu thương, kết hôn, tận hưởng, phát triển, cống hiến và mơ ước.