Tướng Công an chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Tây Nguyên bình yên
Ưu tiên vận động người lầm đường lạc lối
Là một trong những vị tướng công an có thâm niên trong cuộc chiến chống Fulro ở Tây Nguyên, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn bộc bạch, mặc dù lực lượng Fulro luôn tìm cách mở rộng hoạt động, tạo tiếng vang ở Lâm Đồng nhưng cùng với sự đoàn kết của toàn dân, trong đó có vai trò của lực lượng công an, mọi âm mưu đã bị phá vỡ ngay từ lúc “thai nghén”, nhen nhóm.
Theo tướng Sơn, nói về cách chống Fulro là một chủ đề quá dài, quá rộng, nhiều nhà nghiên cứu chuyên sâu đã tổng kết, đánh giá cụ thể. Riêng với kinh nghiệm bản thân, vị tướng cho rằng, một trong những “bí quyết” thành công của Lâm Đồng là nhờ “cách làm ngược”. Ông giải thích, khi phát hiện dấu vết Fulro, lực lượng trinh sát địa bàn lập tức đánh giá, bám sát tình hình. Có nhiều tình huống lực lượng bảo đảm an ninh trật tự hoàn toàn dễ dàng khống chế, bắt giữ các đối tượng phản động. Tuy nhiên vị tướng trăn trở: “Việc trấn áp kịp thời là cần thiết nhưng nhiều trường hợp, nếu tổ chức bắt giữ sẽ dẫn tới đối địch, kháng cự và những hệ lụy khác”, ông nói.
Trong ký ức, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn vẫn nhớ như in bầu không khí nặng nề những ngày tháng 4/2004 khi tổ chức Fulro kích động, lôi kéo đồng bào các tỉnh ở Tây Nguyên gây rối. “Lúc đó, đi vào các buôn làng, anh em công an phải sẵn sàng các tình huống. Một mặt chuẩn bị kỹ phương án dự phòng, một mặt phải đối thoại, trò chuyện, vận động Nhân dân, nhất là những đối tượng có biểu hiện lạ. Mục đích các tổ trinh sát tuần tra nhằm đánh động cho những đối tượng có mưu đồ xấu biết rằng lực lượng chức năng đã tường tận sự việc”, ông Sơn kể.
Có trường hợp khi vào nhà đối tượng theo Fulro ở huyện Di Linh, chứng kiến cảnh vợ đối tượng mắc bệnh ung thư nằm quằn quại ở nhà, các chiến sĩ công an đã vận động, mời bác sĩ tới tận nhà thăm khám rồi gọi xe cấp cứu đưa đến bệnh viện chữa trị, sau đó hỗ trợ làm nhà cho đối tượng. Theo Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, chính nhờ cách làm này, các đối tượng bị Fulro lôi kéo đã dần dần ngộ ra, quay về chung sống hoà thuận cùng dân bản, tu chí làm ăn.
“Cách làm này vừa tránh đối đầu, hạn chế việc phải trấn áp, tránh để các đối tượng xấu lôi kéo, kích động, quan trọng hơn là cảm hoá những người lầm đường lạc lối. Chính những người này sẽ giúp chính quyền cảnh tỉnh, vận động các đối tượng xấu “cải tà quy chính””, vị tướng công an chia sẻ.
Những nhân chứng sống
Có dịp tiếp xúc với những người từng lầm đường lạc lối mới thấy hết cách làm hiệu quả của chính quyền, Công an Lâm Đồng. Điển hình như già làng Kră Jăn Ha Xuyên (SN 1950, ngụ thôn Đa Tế, xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông). Ông Ha Xuyên từng tham gia Fulro từ năm 1975, cấp bậc Trung tá, từng giữ các chức vụ quan trọng như: Quận trưởng Đam Bur, Quận trưởng Liêng Khàng, Chỉ huy trưởng Trung tâm tiếp viện Quân khu 4 TW Fulro, Tỉnh trưởng tỉnh Lang Biang và Tư lệnh Quân khu 4 Fulro.
Vốn là giáo viên, được dân bản tôn trọng, yêu quý nhưng rồi Fulro đã lấy đi của Ha Xuyên nhiều thứ. Sau năm 1975, biết Ha Xuyên có tiếng nói, uy tín trong khu dân cư, những đối tượng Fulro ở Đắk Lắk không ngừng tìm mọi cách móc nối, lôi kéo, dụ dỗ ông gia nhập tổ chức phản động, hại dân hại nước. Chứng kiến cảnh băng nhóm tội phạm cướp bóc, hại dân, ông Ha Xuyên quyết tâm tìm cơ hội trở về gia đình. Một ngày cuối năm 1986, ông Ha Xuyên khăn gói ít quần áo, chút lương thực rồi cứ thế băng rừng hướng từ đất Campuchia về Việt Nam.
Băng rừng cả tháng trời, vừa đi vừa trốn, cuối cùng ông Ha Xuyên đã đặt chân đến vùng núi rừng thuộc khu vực núi Langbiang, huyện Lạc Dương, thời điểm đó khoảng tháng 11/1986. Sau khi liên lạc với chính quyền quyền địa phương, ông Ha Xuyên được đoàn cán bộ Lâm Đồng, trong đó có lãnh đạo Công an tỉnh đưa xe ô tô đến điểm hẹn tại xã Đưng K’Nớ đón về địa phương.
Ông Ha Xuyên càng bất ngờ hơn bởi sau khi trở về, ông được bố trí công việc ổn định, nhiều năm liền là cán bộ mặt trận, rồi cán bộ thủy nông huyện Đam Rông. Sống và làm việc với tâm nguyện bù lại những tháng ngày lầm lỡ, ông Ha Xuyên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền là chiến sỹ thi đua cơ sở, được tặng hàng chục Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương từ Trung ương tới địa phương. Đặc biệt, nhiều năm liền ông Ha Xuyên được công nhận là người có uy tín ở địa phương.
Cũng là người có trình độ, uy tín ở địa phương nên ông Kon Sơ Ha Wớp (SN 1939, ngụ thôn Đạ K’Nàng, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông) bị lôi kéo vào tổ chức Fulro từ năm 1975, từng giữ cấp bậc Trung uý, sỹ quan tuyên uý, TW Fulro. Đến khoảng năm 1980, ông Kon Sơ Ha Wớp nghe lời khuyên bảo quay về với buôn làng, từ giã những tháng ngày đen tối.
Từ khi trở về địa phương, già làng Kon Sơ Ha Wớp đã tích cực vận động dân bản tu chí làm ăn, không nghe lời kẻ xấu. Ông còn là đứng ra hoà giải các tranh chấp trong thôn bản, vinh dự là già làng từ năm 1990 đến nay. Hiện già làng Kon Sơ Ha Wớp đang là mục sư quản nhiệm Chi hội Tin lành Việt Nam (miền Nam) thôn Đạ K’Nàng, xã Đạ K’Nàng với hơn 400 tín đồ và đang là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng.
“Chìa khóa” ổn định an ninh trật tự
Theo Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, để ổn định tình hình Tây Nguyên, ngăn chặn kịp thời các đối tượng phản động chống phá chính quyền thì trước tiên phải xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trong đó phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an, phải nắm bắt nhanh chóng mọi âm mưu ý đồ, mọi đối tượng trọng điểm ở địa bàn chủ yếu.
Thứ hai, trong việc nắm đối tượng không chỉ tập trung vào yếu tố nhân thân lai lịch mà quan tâm cả những người trẻ, có trình độ; có quan hệ rộng, nhất là quan hệ bên ngoài vì đây là lực lượng mà đối tượng bên ngoài luôn tìm cách lôi kéo. Mặt khác, chính quyền các cấp cần chăm lo, quan tâm lực lượng trẻ tuổi, trí thức, thanh niên, người có tôn giáo… Đặc biệt cần theo sát, làm rõ những đối tượng có yếu tố bất thường như giàu bất thường…
Thứ ba, cần trang bị kiến thức cho quần chúng, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn phức tạp. Cần làm sao để người dân nhận diện được và tránh xa những hoạt động phi pháp, ví dụ như biểu hiện tập trung đồng người, tập hợp để gây rối. Hiện nay xã hội phát triển, nhiều hoạt động diễn ra thường ngày, đan xen nhau như hoạt động từ thiện, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tôn giáo… nên rất khó để nhận biết hoạt động phi pháp len lỏi, đội lốt. Người dân khó để biết hành vi nào là đúng, hành vi nào là sai… nên cần được tuyên truyền, giáo dục.
Thứ tư, điều ai cũng biết, đã nói nhiều nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện tốt. Đó là phải tuyên truyền, vận động Nhân dân sống tốt đời, đẹp đạo; còn với công tác dân tộc phải chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống cho Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Trong tuyên truyền, vận động cần phương pháp đa dạng, tuỳ theo từng địa bàn, từng đối tượng.
Theo Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Tây Nguyên có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, do đó ổn định vùng đất này là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Cũng chính vì thế, các lực lượng phản động luôn tìm cách gây bất ổn Tây Nguyên. Trong công tác ổn định tình hình an ninh trật tự, một trong những yếu tố quan trọng nhất là chủ động theo sát nắm tình hình, nắm đối tượng; cương quyết không cho các đối tượng phản động, chống phá chính quyền tập hợp lại mà cần khéo léo xử lý, bóc gỡ từng đối tượng khi có dấu hiệu gây bất ổn. Cứ có đối tượng cầm đầu manh nha biểu tình bạo loạn là đấu tranh bóc gỡ... Đó cũng là cách làm hiệu quả của Lâm Đồng.