Tưởng niệm 100 năm Ngày sinh cố nhạc sĩ Phạm Duy
Cố nhạc sĩ Phạm Duy
Nhạc sĩ Phạm Duy, tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5/10/1921, tại phố Hàng Cót, Hà Nội. Ông xuất thân trong gia đình văn nghiệp khi cha ông là Phạm Duy Tốn, được xem như nhà văn xã hội đầu tiên của nền văn học mới đầu thế kỷ 20. Phạm Duy học vỡ lòng tại trường Hàng Thùng, học tiểu học tại trường Hàng Vôi. Năm 1936, ông vào học ở trường Thăng Long, một cái nôi của cách mạng. Thầy dạy ông có Võ Nguyên Giáp. Năm 1940, ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học thầy Tô Ngọc Vân; chung lớp với ông có Bùi Xuân Phái.
Từ nhỏ, ông đã biết chơi guitar, mandolin. Tình yêu âm nhạc đã thôi thúc chàng thanh niên Phạm Duy tự mày mò học nhạc cổ điển, rồi tập sáng tác dù chưa từng học qua một trường lớp âm nhạc nào.
Nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Lưu Trọng Lư thời trẻ (Ảnh: tư liệu).
Nhạc sĩ Phạm Duy là người khởi xướng, định hướng nhiều trào lưu, phong cách mới cho âm nhạc hiện đại Việt Nam, đặc biệt là trong thể loại tình ca, viết về tình yêu con người, tình yêu quê hương và đất nước. Nhạc của ông thanh thoát, nhẹ nhàng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc cổ truyền Việt Nam với âm nhạc hàn lâm phương Tây, tạo nên một phong cách riêng, với nhiều tác phẩm lớn có tính đột phá, ảnh hưởng tới phong cách nhiều nhạc sĩ thuộc các thế hệ sau này.
Nhạc sĩ nổi danh ngay từ sáng tác đầu tay Cô hái mơ, viết năm 1942, khi mới 21 tuổi, phổ theo thơ của Nguyễn Bính. Với giai điệu nhẹ nhàng và da diết, ca khúc này nhanh chóng được đông đảo người yêu nhạc đón nhận. Sau Cô hái mơ, ông cho ra đời một loạt nhạc phẩm trữ tình như: Cây đàn bỏ quên, Khối tình Trương Chi…
Kiếp cầm ca rong ruổi nay đây mai đó giúp ông có cơ hội đi dọc theo chiều dài đất nước, tiếp xúc với nhiều người, nhiều phong cách văn hóa. Chính nguồn cảm xúc dạt dào, đầy hứng khởi, cùng những điều mới mẻ thu thập sau nhiều chuyến đi đã trở thành chất liệu tuyệt vời để tạo nên nhiều tác phẩm đặc sắc như: Gươm tráng sĩ, Chiến sĩ vô danh, Chinh phụ ca, Thu chiến trường, Tiếng hát trên sông Lô, Bà mẹ Gio Linh...
Cuối thập niên 1940, nhạc sĩ Phạm Duy tham gia kháng chiến và viết nhiều ca khúc cổ vũ tinh thần yêu nước cũng như tinh thần hăng say lao động của người dân. Một số tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ này là: Nương chiều, Nhớ người ra đi, Nhớ người thương binh, Gánh lúa, Quê nghèo, Bà mẹ quê…
Nhạc sĩ Phạm Duy trong ngày cưới tại chiến khu Việt Bắc năm 1949 (Ảnh: tư liệu).
Sau khi sang Pháp du học và nghiên cứu sâu hơn về âm nhạc trong hơn 3 năm (1952-1955), bên cạnh việc tiếp tục sáng tác những bài hát mượn chất liệu dân gian, ông có thêm dòng nhạc về tình yêu đôi lứa và thân phận con người, với nhạc điệu hiện đại, mang nhiều cung bậc cảm xúc hơn, như: Nước mắt rơi, Đường chiều lá rụng, Đừng xa nhau, Thương tình ca, Tìm nhau, Con đường tình ta đi, Nghìn trùng xa cách, Chỉ chừng đó thôi, Trả lại em yêu…
Thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970 là thời kỳ sáng tác sung mãn và đỉnh cao nhất của nhạc sĩ Phạm Duy. Không có chủ đề nào mà không có dấu chân mang tính khai phá của ông. Ngoài các nhạc phẩm về tình yêu, về quê hương, đất nước, ông còn sáng tác cả nhạc thiếu nhi, nhạc trẻ, nhạc trường ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca…
Nhưng nổi bật trong các tác phẩm âm nhạc của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm hưởng cổ truyền của nhạc Việt Nam với những yếu tố hàn lâm của nhạc phương Tây. Trong đó, tình yêu quê hương và tình cảm dân tộc được thể hiện tập trung nhất ở những thể loại âm nhạc mà ông tự đặt ra. Với thể loại “Tình tự dân tộc”, đó là bộ ba ca khúc mang những cái tên rất mộc mạc: Bà mẹ quê, Em bé quê, Vợ chồng quê. Với “Tình ca quê hương”, đó là các ca khúc Tình hoài hương và Tình ca.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Phạm Duy cũng là một trong những người đầu tiên viết lời Việt cho nhạc nước ngoài. Từ thời thập niên 1940, ông đã viết lời cho nhạc cổ điển, đến thập niên 1960-1970 thì viết lời cho nhiều bài nhạc Mỹ đương đại. Trong đó có đến hàng chục ca khúc của các nhà soạn nhạc thế giới được ông đặt lời Việt rất thành công, như bản Dạ khúc của Schubert, Mơ mộng của Schumann...
Ngoài sáng tác và biểu diễn, nhạc sĩ Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị.
Ở tuổi 93, nhạc sĩ Phạm Duy ra đi, để lại di sản sáng tác đồ sộ cùng tình yêu trọn đời dành cho âm nhạc.