Tuy Phước xây dựng thương hiệu du lịch riêng
Tuy Phước hiện có 17 di tích lịch sử văn hóa (4 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh) và 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn. Một số di tích lịch sử văn hóa có sức thu hút khách tham quan du lịch như: Tháp Bánh Ít, tháp Bình Lâm, Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn, Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu, Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, Tiểu chủng viện Làng Sông - nơi đặt một trong ba nhà in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam… Nơi đây cũng có nhiều lễ hội đặc sắc, độc đáo như: Hội xuân chợ Gò, lễ hội đua thuyền trên sông Gò Bồi, lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn…
Là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử, Tuy Phước là nơi sinh dưỡng nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng học rộng tài cao và cũng là nơi sinh thành của nhiều nhà văn hóa lớn, như nhà thơ Xuân Diệu, danh nhân văn hóa Đào Tấn. Những di tích văn hóa - lịch sử ở Tuy Phước khá đa dạng, phong phú, với tháp Bình Lâm, tháp Bánh Ít, Đô thị Nước Mặn cùng những làn điệu dân ca bài chòi, vở tuồng cổ, các lò võ cổ truyền. Với văn hóa ẩm thực, nhiều món ăn ở Tuy Phước đã tạo được thương hiệu với du khách như: Nem chả chợ Huyện, bánh ít lá gai, bánh xèo Mỹ Cang.
Cùng với đó, Tuy Phước có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ven đầm Thị Nại, có dòng sông Côn, sông Hà Thanh, có tuyến đường sắt Bắc Nam, QL 1, QL 19 kết nối cả trục Bắc - Nam với các tỉnh Tây Nguyên. Nằm trên tuyến phát triển du lịch quan trọng kết nối TP Quy Nhơn - trung tâm du lịch tỉnh với cảng hàng không Phù Cát - trung tâm du lịch văn hóa Tây Sơn, Tuy Phước có đầy đủ điều kiện thuận lợi phát triển du lịch.
Bên cạnh những di tích văn hóa đặc sắc, Tuy Phước còn có cảnh quan tự nhiên hấp dẫn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái đặc trưng, độc đáo là đầm Thị Nại, với khu bảo tồn thiên nhiên Cồn Chim, được coi là báu vật để phát triển du lịch. Những cánh đồng lúa, làng hoa Bình Lâm… là tiềm năng quan trọng để Tuy Phước hướng đến những loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trong tương lai gần.
Với chủ trương giữ gìn và khôi phục những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, huyện Tuy Phước đang thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, mở ra hướng đi đầy tiềm năng cho địa phương. Ông Huỳnh Thanh Trang, Trưởng Phòng VH&TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Huyện Tuy Phước sở hữu tài nguyên du lịch văn hóa lịch sử và cả du lịch sinh thái trải nghiệm khá phong phú, mang đặc trưng riêng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách tham quan. Do đó, huyện đã có chủ trương quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển thành các sản phẩm du lịch trong thời gian tới”.
Trong kế hoạch khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển, xây dựng huyện Tuy Phước đạt huyện nông thôn mới nâng cao năm 2025 và phấn đấu trở thành thị xã giai đoạn 2026 - 2030, huyện xác định tập trung phát triển du lịch theo định hướng kinh tế du lịch với thương hiệu du lịch riêng. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành tour du lịch đặc sắc, mang thương hiệu “Nước Mặn - Làng Sông” với hoạt động tìm về nơi phôi thai chữ Quốc ngữ và cơ sở in chữ Quốc ngữ.
Ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, chia sẻ: “Sở dĩ chúng tôi chọn Nước Mặn - Làng Sông làm thương hiệu du lịch của huyện là vì muốn khơi dậy chiều sâu văn hóa cùng những yếu tố lịch sử riêng có của vùng đất này. Nhưng nói vậy không có nghĩa là chúng tôi chỉ tập trung vào 2 điểm du lịch Chùa Bà - Nước Mặn hay Tiểu chủng viện Làng Sông, mà cố gắng phát huy tối đa các tài nguyên du lịch hiện có để xây dựng các tour đặc sắc như: Nghỉ dưỡng trải nghiệm trên đầm Thị Nại; tham quan các di tích văn hóa, danh thắng, trải nghiệm làng hoa kết hợp tham quan tháp Bình Lâm; thưởng thức các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian, các món ăn đặc trưng Tuy Phước... trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa, di tích, lễ hội, danh thắng, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn nổi trội của địa phương”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Nguyễn Hùng Tân cho biết: “Một trong những trọng tâm trong phát triển du lịch của Tuy Phước hiện nay là hoàn thành đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 và kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án phát triển du lịch: Khu ẩm thực Bánh xèo Mỹ Cang (xã Phước Sơn); khu du lịch sinh thái Cánh đồng Tứ Niên (xã Phước Hòa). Xây dựng hồ sơ Lễ hội chợ Gò trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.