Tuyển sinh năm 2022: Phụ huynh, thí sinh lúng túng, bỡ ngỡ trước thay đổi
Nâng cấp hệ thống, đáp ứng thay đổi của quy chế
Bộ GDĐT cho biết, đến 16h ngày 28/8, đã có hơn 2/3 thí sinh thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến thành công. Hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, công tác hỗ trợ được thực hiện kịp thời 24/7, không có tình trạng nghẽn hay quá tải.
Năm 2022 là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai hình thức thanh toán trực tuyến đồng loạt đối với tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học. Hệ thống thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến được thực hiện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và kết nối với 15 kênh thanh toán trực tuyến chính của cả nước.
Năm nay, Bộ GDĐT cũng quy định, thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng thực hiện theo hình thức trực tuyến, đồng thời, tất cả nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học sẽ được xét thực hiện chung 1 lần. Việc làm này nhằm lọc ảo chung cho tất cả các cơ sở đào tạo, các ngành, các phương thức.
Theo Bộ GDĐT, trong 2 ngày 25 và 26/8, tại Đà Nẵng, Bộ GDĐT đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ xét tuyển, xử lý nguyện vọng xét tuyển trình độ đại học cao đẳng cho các cơ sở đào tạo nhóm phía Nam, nhóm phía Bắc và các cơ sở đào tạo độc lập.
Bộ GDĐT cho biết, hệ thống đã được nâng cấp để đáp ứng được các thay đổi của quy chế và các văn bản quy định về tuyển sinh, qua đó thuận tiện cho thí sinh đăng ký, kiểm tra, nộp lệ phí xét tuyển.
Thí sinh đăng ký nguyện vọng trực tuyến trên hệ thống với tất cả các phương thức xét tuyển; đối với những thí sinh trúng tuyển có điều kiện có thể kiểm tra được thông tin đăng ký đã đúng với thông tin xét tuyển tại các cơ sở đào tạo
Hệ thống đã bổ sung chức năng nộp lệ phí xét tuyển ngay trên giao diện của thí sinh và kết nối giữa các nền tảng thanh toán để thí sinh có thể thanh toán lệ phí đơn giản và thuận tiện; có chức năng để thí sinh có thể tra cứu để biết kết quả trúng tuyển đồng thời có thể xác nhận nhập học ngay trên hệ thống.
Bỡ ngỡ trước thay đổi
Theo quy định, từ ngày 1/9 đến 17/9, các cơ sở đào tạo tải dữ liệu từ hệ thống để xét tuyển và phối hợp xử lý nguyện vọng, lọc ảo. Trước 17h ngày 17/9, các cơ sở đào tạo công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Trước 17h ngày 30/9, các thí sinh trúng tuyển tiến hành xác nhận nhập học trực tuyển đợt 1 trên hệ thống.
Những điều chỉnh liên quan tới công tác tuyển sinh năm nay được cho là tạo thuận lợi cho thí sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, thực tế để được tham gia xét tuyển, thí sinh phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp, từ đăng ký dự thi tốt nghiệp, đăng ký xét tuyển tại các trường đến đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí trực tuyến.
Em Nguyễn Hoài Phương, thí sinh ở Hà Nội cho hay, em đã nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ tại một trường và đã đủ điều kiện trúng nhưng theo quy chế thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển lại trên hệ thống chung của Bộ GDĐT.
“Nếu như năm trước, thời điểm này thí sinh có thể lựa chọn ngay phương thức nhập học mà mình đã trúng tuyển như hồ sơ học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực. Còn năm nay, tất cả các phương thức xét tuyển, dù trúng tuyển sớm cũng chỉ được xét tuyển và trúng tuyển 1 lần và tới giữa tháng 9, các trường mới công bố điểm chuẩn. Những thay đổi này khiến chúng em thấp thỏm chờ đợi”, Phương chia sẻ.
Ngoài ra, trong thời gian thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến, phần mềm đã gặp bị sự cố về kết nối. Bộ GDĐT đã phải điều chỉnh, thay đổi lịch đóng lệ phí. Bộ GDĐT cũng nhìn nhận, trong những ngày đầu tiên thực hiện thanh toán trực tuyến, hệ thống kết nối các nền tảng có một số thời điểm chưa ổn định, thí sinh phải truy cập lại nhiều lần.
Việc thanh toán trực tuyến lần đầu tiên được thực hiện cũng bỡ ngỡ đối với một số thí sinh và phụ huynh khi lần đầu tham gia hình thức này. Bộ cũng ghi nhận phản ánh của một số thí sinh đã thực hiện giao dịch nhưng chưa được ghi nhận thành công hay thực hiện thanh toán 2 lần.
Con số hơn 300.000 thí sinh từ bỏ đặt nguyện vọng xét tuyển đại học xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song trong đó có nguyên nhân do thay đổi cách thức đăng ký nguyện vọng của năm nay.
Minh chứng là sau khi nhận được nhiều phản hồi của thí sinh về việc sai sót thông tin, Bộ GDĐT quyết định mở lại cổng đăng ký xét tuyển. Tính đến 17h ngày 23/8, hệ thống ghi nhận thêm gần 4.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng và khoảng 75.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Đánh giá về những điều chỉnh liên quan tới công tác tuyển sinh năm nay, ThS Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM cho rằng, thí sinh và phụ huynh gặp khó khăn với quy chế tuyển sinh năm nay.
Trong đó, thí sinh phải thực hiện nhiều công đoạn khá mới như sử dụng tài khoản, dùng các mã đăng ký theo quy định để đăng ký trực tuyến, xác nhận nguyện vọng và nộp lệ phí trực tuyến, xác nhận nhập học trên hệ thống cổng thông tin xét tuyển chung của Bộ GDĐT.
Về phía các cơ sở đào tạo, ông Nguyên cũng cho rằng: “Thời gian thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng khá dài, hơn 1 tháng. Điều này đã ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch năm học của các trường đại học”.