Tuyệt đối không làm theo yêu cầu từ cuộc gọi lừa đảo 'khóa thuê bao điện thoại'
Ngày 17/3, Công an tỉnh Thanh Hóa phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo bằng cuộc gọi "khóa thuê bao điện thoại".
Theo công an tỉnh Thanh Hóa, gần đây một số người dân đã nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ, sau khi bấm nút nghe, thông tin được phát ra giống giọng tổng đài ghi âm sẵn với nội dung "Xin chào quý khách, Bộ Thông tin và Truyền thông xin thông báo số điện thoại của quý khách sẽ bị tạm khóa trong 2 giờ. Quý khách cần bấm phím 1 để được hỗ trợ" hoặc "Sau 31/3/2023, thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa chiều gọi đi, đề nghị quý khách cung cấp thông tin cá nhân để thực hiện rà soát đối chiếu, nếu không sẽ bị khóa tài khoản".
Các đối tượng thực hiện cuộc gọi thoại thông báo tới số máy bản thân người dùng rằng họ sẽ bị khóa thuê bao điện thoại sau 1 hay 2 giờ và để giải quyết cần liên hệ tới số điện thoại "tổng đài" do đối tượng cung cấp. Trường hợp người dùng gọi lại số "tổng đài", phía đầu dây bên kia yêu cầu người dùng cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân… để được hỗ trợ kỹ thuật.
Khi đã nắm được thông tin cá nhân của người dùng, ngay lập tức các đối tượng hướng dẫn làm bước tiếp theo như thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi…
Sau khi chiếm quyền nhận cuộc gọi, đối tượng lừa đảo sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của người dùng và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tiền trong tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.
Trước đó, tại Hà Nội nhiều chủ thuê bao cũng nhận được các cuộc gọi với nội dung tương tự. Kịch bản chung là một cuộc gọi tự động thông báo họ sắp bị khóa thuê bao sau 2 giờ, sau đó yêu cầu bấm số để biết thêm chi tiết.
Đầu bên kia xưng là người của Cục Viễn thông hoặc Trung tâm quản lý nhà mạng, hỏi thuê bao có phải sim chính chủ không, đồng thời yêu cầu đưa thông tin như tên tuổi, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân để kiểm tra trên hệ thống.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, tình trạng này có xu hướng tăng mạnh khi nhà mạng triển khai chiến dịch chuẩn hóa thông tin. Trong đó, các thuê bao không đúng chuẩn, chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa một chiều từ ngày 31/3.
Chiêu gọi giả mạo tuy này không mới, nhưng diễn ra đúng lúc các nhà mạng đồng loạt thực hiện rà soát để khóa thuê bao khiến người dùng rất khó phân biệt thật giả, dễ bị mắc lừa.
Trước tình trạng các hình thức lừa đảo gia tăng trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các cuộc gọi.
Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, người dân cần cung cấp bằng chứng tới cơ quan Công an gần nhất để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.