Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 có sự chênh lệch giữa các quận, Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì?
Chia sẻ về tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 ở các quận huyện, đặc biệt là những quận đông dân cư, có tỉ lệ chọi cao như quận Hà Đông chỉ có 33% học sinh có cơ hội được vào lớp 10 công lập, ông Nghiêm Văn Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, từ ngày 22/4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố quyết định giao chỉ tiêu cho các trường THPT công lập, công lập tự chủ, tư thục, Trung tâm GDNN-GDTX và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo văn hóa trên địa bàn thành phố.
Theo quyết định giao chỉ tiêu, số lượng chỉ tiêu vào các trường công lập có tăng so với năm trước. Tuy nhiên, tại một số quận, huyện cũng có sự chênh lệch. Nguyên nhân có thể do số lượng các trường THPT công lập trên địa bàn các quận, huyện không đồng đều.
Để giúp cho các em có cơ hội được vào học tại các trường THPT công lập, đáp ứng nguyện vọng của học sinh và cha mẹ học sinh và cũng để tránh lãng phí cơ sở vật chất…, toàn thành phố Hà Nội đã chia 12 khu vực tuyển sinh và mỗi khu vực tuyển sinh có thể có từ 4-5 trường THPT công lập trở lên để giúp học sinh lựa chọn.
Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục lấy ví dụ: Như quận Cầu Giấy, ngoài Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam thì chỉ có 2 trường là THPT công lập Yên Hòa và THPT Cầu Giấy. Tuy nhiên, với khu vực tuyển sinh là khu vực 3 gồm các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa thì số lượng các trường THPT sẽ nhiều hơn.
Ngoài ra, các em được đăng ký 3 nguyện vọng, trong đó có 1 nguyện vọng ở khu vực bất kỳ. Đó là mong muốn của Sở GDĐT Hà Nội để giúp các em học sinh có thêm cơ hội lựa chọn và trúng tuyển vào ngôi trường mình mơ ước".
Học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS năm học 2022-2023 dự kiến trên 129.000 học sinh. Theo lịch kỳ thi, ngày 24/4 là thời điểm học sinh nộp đăng ký dự tuyển vào lớp 10, các thí sinh tự do thì nộp tại Phòng GD&ĐT nơi cư trú.
"Sau khi nộp phiếu sẽ có thời gian học sinh cùng nhà trường rà soát, đối chiếu, kiểm tra lại phiếu đăng ký dự tuyển, đặc biệt là phiếu đăng ký dự tuyển đã cập nhật và in ra. Vì vậy, sau khi nhận phiếu báo dự thi, các em thì cần kiểm tra lại đầy đủ thông tin như phòng thi, địa điểm, số báo danh, ngoại ngữ, thông tin chi tiết từng môn... Nếu có gì cần báo ngay với nhà trường để được xử lý", ông Bình lưu ý.
Ngày 18/5, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố số lượng thí sinh dự tuyển. Từ nay đến thời gian đó, sau khi nộp phiếu dự tuyển, các em học sinh cùng nhà trường kiểm tra lại thông tin trên phiếu, đặc biệt thông tin liên quan đến ngoại ngữ thi, nguyện vọng, điểm ưu tiên. Đây là nội dung giúp các em chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi vào lớp 10.
Thí sinh cần lưu ý, ngày 26/4, các cơ sở sẽ gửi phiếu dự tuyển về Phòng GD&ĐT. Tại đây, các Phòng GD&ĐT sẽ nhập dữ liệu vào phần mềm và tổ chức rà soát, đính chính, chỉnh sửa thông tin từ 5-10/5. Đây là thời gian quan trọng để các em điều chỉnh thông tin. Ngày 12/5, các Phòng sẽ gửi dữ liệu về Sở GD&ĐT.
Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục cũng cho biết thêm, để tránh tình trạng phụ huynh đưa con đến nhầm địa điểm thi, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã có thay đổi về mặt kỹ thuật giúp cho thí sinh không gặp nhầm lẫn.
Cụ thể, ngày 9/6, thí sinh sẽ đến địa điểm thi để nắm quy chế, làm thủ tục dự thi. Việc đến địa điểm thi để làm thủ tục giúp thí sinh tránh sai sót trong ngày thi chính thức. Ngoài ra trong phiếu báo dự thi, Sở GD&ĐT cũng có ghi thêm địa chỉ để tránh nhầm lẫn.
Để giúp học sinh và phụ huynh giảm lo lắng khi kỳ thi vào lớp 10 THPT đang đến gần, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: "Các em hãy chuẩn bị tâm lý tốt, tâm thế vững vàng, tự tin, đặc biệt giữ sức khỏe, có kế hoạch ôn thi tốt, khoa học. Phụ huynh cần đồng hành cùng con trong việc lựa chọn nguyện vọng, chuẩn bị tâm lý, sức khỏe, kế hoạch ôn tập và trong thời gian thi hướng dẫn các con thực hiện tốt quy chế thi, tránh để xảy ra những điều đáng tiếc. Để có thành công trong tương lai có nhiều con đường. Cho dù kết quả thế nào thì bố mẹ cũng đồng hành giúp các con tự tin".
Lịch thi và thời gian tuyển sinh vào lớp 10
Lịch thi cụ thể như sau: Sáng 10/6, thí sinh thi môn Ngữ văn (từ 8h – 10h); chiều 10/6, thí sinh thi môn Ngoại ngữ (từ 14h – 15h). Sáng 11/6, thí sinh thi môn Toán (từ 8h – 10h).
Điểm xét tuyển vào lớp 10 công lập được tính bằng tổng điểm bài thi môn Toán và điểm bài thi môn Ngữ văn (nhân hệ số 2) cộng điểm bài thi môn Ngoại ngữ, cộng điểm ưu tiên (nếu có).
Bài thi môn Toán và bài thi môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài thi; bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút; có nhiều mã đề trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề.
Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình trung học cơ sở hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.
Trong đó, đề thi môn Toán và Ngữ văn bảo đảm 4 cấp độ nhận thức gồm: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và có một số câu ở cấp độ vận dụng.
Về thời gian tuyển sinh, học sinh trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học vào trường theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp từ ngày 10/7 đến ngày 12/7; nộp hồ sơ nhập học tại trường Trung học Phổ thông và trường Trung học Phổ thông tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu (nếu có) từ ngày 19/7 đến ngày 22/7.