Đừng để du lịch Việt “thua trên sân nhà” vì vé máy bay!
Hàng không “giữ đà tăng nhiệt” mỗi dịp cao điểm
Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch mùa hè năm nay, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) sẽ cung ứng hơn 7,3 triệu ghế trên toàn mạng bay nội địa và quốc tế từ ngày 1/6 - 15/8.
Trong giai đoạn cao điểm nhất, các hãng sẽ khai thác gần 500 chuyến bay mỗi ngày, tăng xấp xỉ 30% so với thường lệ. Các đường bay nội địa “nhộn nhịp” nhất có thể kể đến là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh kết nối với những địa điểm du lịch như Đà Nẵng, Côn Đảo, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc,...
Trên đường bay quốc tế, các điểm đến có nhiều chuyến bay nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Hiện Vietnam Airlines Group ghi nhận lượng khách đặt chỗ đang tăng khá nhanh, nhiều chuyến bay dịp cao điểm hè đã có tỷ lệ lấp đầy hơn một nửa số ghế.
Các đường bay kết nối TP. Hồ Chí Minh đến điểm du lịch hút khách như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt; nhiều chặng bay trong “khung giờ vàng” có giá vé tăng từ 500.000 - 1.000.000 đồng/vé so với ngày thường.
Giá vé máy bay đang tăng lên từng ngày với những chuyến bay xuất phát từ đầu tháng 6. Sôi động nhất vẫn là các đường bay trục dọc Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Với đường bay Hà Nội - Phú Quốc, đây là đường bay có “truyền thống” đắt khách và đắt đỏ nhất vào mỗi dịp cao điểm.
Khảo sát thực tế của PV trên những kênh bán vé máy bay trực tuyến, giá vé máy Vietnam Airlines vào ngày cuối tuần từ Hà Nội đi Phú Quốc luôn dao động trong khoảng từ 3 - gần 5 triệu đồng/vé một chiều đã bao gồm phụ phí.
Hành khách lựa chọn đi Vietjet Air giá vé sẽ là trên dưới 2 triệu đồng/vé. Nếu chọn bay vào dịp cuối tuần với Vietnam Airlines, khách hàng sẽ phải trả mức giá khoảng 7 triệu đồng/vé khứ hồi, mức giá vé cho khung giờ thường cũng rơi vào khoảng 5 triệu đồng/vé khứ hồi.
Chị Thúy Lan (nhân viên kinh doanh tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tranh thủ tháng 6 các con được nghỉ hè nên chị quyết định đặt vé máy bay cho cả nhà đi du lịch. Tuy nhiên khi thấy giá vé trong nước đắt quá, chênh lệch vé máy bay đi các nước Đông Nam Á không đáng là bao nhiêu. Do đó gia đình quyết định đặt vé đi Singapore để cho các con có kỳ nghỉ hè thú vị.
Còn với chị Thùy Dương (ngụ Quận 8, TP. Hồ Chí Minh), rút kinh nghiệm của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, gia đình chị không mua vé máy bay sớm mà đợi trước ngày khởi hành hơn một tuần để mua. Đồng thời lên một số kế hoạch du lịch tại các địa điểm khác hoặc du lịch nước ngoài nếu giá vé máy bay vẫn quá cao.
Anh Tuấn (chủ một đại lý bán vé máy bay tại quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) cho hay, dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 kéo dài 5 ngày vừa qua, nhiều gia đình đã chuyển hướng du lịch nước ngoài trong bối cảnh chi phí du lịch trong nước đắt đỏ.
Tình trạng này đang có dấu hiệu tăng lên trong dịp cao điểm du lịch hè. Ngoài ra một số người lại lựa chọn sử dụng phương tiện cá nhân tới các địa điểm gần Hà Nội khi mà hệ thống đường giao thông, đường cao tốc đã khá thuận tiện.
Để vé máy bay không còn là nỗi lo trong mùa du lịch hè
Theo lý giải của các hãng hàng không, dịch vụ vận chuyển hàng không mang tính mùa vụ cao. Giai đoạn cao điểm như lễ Tết, du lịch hè hay 30/4 - 1/5 nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến. Trong khi nguồn cung của các hãng có hạn, dẫn đến giá vé bị đẩy lên cao.
Đại diện công ty lữ hành VietLuxtour thông tin, ngay từ đầu năm công ty đã liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ để xây dựng tour nội địa có giá tốt nhất cho dịp hè. Đặc biệt là các tour tuyến biển với mức giá giảm đến 20%.
Tuy nhiên các tour châu Á với tầm giá trung từ 7 - 15 triệu đồng/tour đang được du khách quan tâm nhiều hơn. Vé máy bay vẫn là yếu tố quyết định giá thành tour. Để khuyến khích du lịch trong nước, các hãng hàng không nên có chính sách giá tốt hơn nữa.
Trao đổi với PV, lãnh đạo một khách sạn tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bày tỏ, không hiểu lý do gì khiến giá vé máy bay cao chót vót rồi đến sát nghỉ lễ 30/4 - 1/5 lại giảm đột ngột. Khi đó khách hàng đã có kế hoạch nên việc giảm giá không có tác dụng nhiều.
Nếu giá vé máy tiếp tục tăng cao vào mùa du lịch hè thì chắn chắn ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các đơn vị khi vé máy bay chiếm 40 - 60% giá thành của một tour du lịch. Du lịch nội địa liệu có thu hút được khách hay không? Hay khách Việt lại đổ xô đi du lịch nước ngoài như kỳ nghỉ lễ vừa qua...?
Thống kê của Tổng cục Du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và Giỗ tổ Hùng Vương, nhiều địa phương lượt khách đã giảm so với cùng kỳ năm trước, tỉnh Kiên Giang trong 5 ngày nghỉ lễ phục vụ khoảng 264.938 lượt khách (giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022), công suất phòng trung bình đạt 54%.
Hay như Đà Nẵng, một trong những thành phố du lịch biển được kỳ vọng sẽ thu hút lượng lớn du khách. Thế nhưng năm nay chỉ số tăng cũng chỉ đạt 26,6% so với năm 2022. Phục vụ khoảng 321.623 lượt khách du lịch với khoảng 34.800 lượt khách quốc tế, công suất phòng trung bình đạt 70 - 75%.
Một trong những nguyên nhân là ảnh hưởng từ giá vé máy bay tăng cao nên lượng khách thị trường nội địa được nhận định không đạt như kỳ vọng.
Bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho rằng, giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng nhất định đến du lịch nội địa, nhất là những nơi phụ thuộc hoàn toàn vào những chuyến bay. Ngành du lịch và hàng không sẽ có những thương thảo, gắn kết để cùng nhau có những chương trình kích cầu cho hiệu quả.
Nhiều ý kiến lo lắng về việc giá vé máy bay tăng cao rồi giảm mạnh vừa qua khiến khách du lịch mất niềm tin. Đáng nhẽ mua trước thì giá rẻ nhưng lại thành đắt hơn những người mua cận ngày. Vì vậy hàng không cần có giải pháp, chiến lược điều chỉnh giá vé phù hợp hướng tới mục tiêu phát triển chung.
Đồng thời có chính sách quản lý giá bởi nếu cứ tiếp diễn tình trạng tăng cao như vừa qua e rằng du lịch nội địa mùa cao điểm hè sẽ tái diễn khó khăn. Các cơ quan quản lý cũng cần có chế tài đủ mạnh, kiểm soát đủ chặt chẽ bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, tránh du lịch Việt “thua trên sân nhà”.