Ứng phó khẩn cấp với bão số 4, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân
Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; điểm cầu trụ sở các địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên - nơi có khả năng bão số 4 đổ bộ.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cơn bão Noru đang đổ bộ vào nước ta, tập trung vào khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định. Ngày 25/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện số 855/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó bão số 4. Cơn bão này được dự báo gió mạnh cấp 13, giật cấp 15, 16, mạnh tương đương như bão số 6 - Xangsane đổ bộ vào miền trung tháng 10/2006, gây thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề. Trên thông tin này, qua theo dõi, các tỉnh đã triển khai tốt Công điện 855 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần rà soát lại công tác phòng, chống bão vì sau bão thường có áp thấp, mưa to, gây sạt lở. Chúng ta vừa phải nghiên cứu, theo dõi, chống đỡ với bão, vừa phải chống đỡ với hoàn lưu sau bão, nhất là các tỉnh miền trung, Tây Nguyên. Theo Thủ tướng, cuộc họp này truyền trực tuyến đến các tỉnh, xã, phường bởi nhân dân sinh sống chủ yếu ở xã, phường. Chúng ta phải bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân lên trên hết, nhất là đối với bà con ngư dân đi đánh bắt cá xa bờ. Với tinh thần “phòng hơn chống”, chúng ta phải kêu gọi bà con ngư dân ở khu vực chịu ảnh hưởng của bão vào bờ, không ra khơi đánh bắt hải sản trong những lúc này.
(Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hồ đập, lồng bè nuôi thủy hải sản, vấn đề sạt lở; cần phải dự báo sát diễn biến, sơ tán kịp thời nhân dân đến nơi an toàn, trong đó quan tâm an toàn các cháu học sinh; quan tâm bảo vệ Phố cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới… do đó phải có các phương án giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, giữ an toàn Di sản, sinh kế của người dân.
* Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, sáng 26/9, bão Noru đã đi vào Biển Đông (bão số 4) sau đó di chuyển về phía đất liền nước ta theo hướng Tây. Hồi 4 giờ 00 sáng 27/9, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế-Bình Định khoảng 470km về phía Đông với sức gió cấp 14, giật cấp 16, tốc độ 20-25km/giờ. Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc (vùng biển từ Nghệ An đến Khánh Hòa).
Dự báo, bão di chuyển nhanh 20-25km/giờ, mạnh nhất đạt cấp 14-15, giật cấp 17; đổ bộ các tỉnh Thừa Thiên Huế-Bình Định với gió cấp 12-13, giật cấp 14-15 vào rạng sáng 28/9 (rủi ro thiên tai cấp 4); thời gian lưu bão ảnh hưởng đến đất liền khoảng 12 tiếng; sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m từ Thừa Thiên Huế-Bình Định từ chiều 27/9. Triều cường cao nhất thời điểm bão ảnh hưởng đến ven biển các tỉnh lúc 23 giờ 00 đêm 27/9 là 1,3m (lớn nhất trong tháng).
(Ảnh: TRẦN HẢI)
Các Đài quốc tế dự báo bão Noru đạt cấp siêu bão (cấp 16); Nhật Bản dự báo đạt cấp 14, giật trên cấp 17. Bão số 4 tương tự về đường đi và cường độ bão Xangsane đầu tháng 10/2006 đổ bộ vào Đà Nẵng (gió mạnh cấp 12, giật cấp 14) làm 76 người chết, mất tích; 350.000 nhà bị sập đổ, hư hại; thiệt hại vật chất trên 10.000 tỷ đồng.
Về mưa, dự báo: từ ngày 27-28/9, từ Quảng Trị-Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa lớn 250-350mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt; các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.
Về tình hình tàu thuyền: đối với tàu cá, hiện còn 18 tàu/164 lao động trong khu vực nguy hiểm (Quảng Nam: 9 tàu/100 lao động; Quảng Ngãi: 6 tàu/44 lao động; Bình Định: 3 tàu/20 lao động). Các tàu đang di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với tàu vận tải: hiện có 983 tàu thuyền (433 tàu biển và 550 phương tiện thủy nội địa) trong khu vực quản lý của các cảng vụ từ Quảng Ninh-Bình Thuận.
Về tình hình nuôi trồng thủy sản: từ Thừa Thiên Huế-Bình Định có 20.712ha và 4.571 lồng, bè (Thừa Thiên Huế 2.000; Quảng Nam 1.110; Quảng Ngãi 161; Bình Định 1.300). Các tỉnh tổ chức gia cố lồng bè, di dời người trước 17 giờ 00 ngày 27/9. Về tình hình đê điều: các tuyến đê biển được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5%, với bão cấp 12-13 vượt khả năng bảo đảm an toàn của các tuyến đê biển. Có 38 vị trí xung yếu đê biển, đê cửa sông từ Quảng Bình-Quảng Ngãi; hiện đã triển khai phương án ứng phó với bão.
Về tình hình hồ chứa khu vực Trung Bộ: đối với hồ chứa thủy điện, hiện có 7 hồ chứa đang xả tràn với lưu lượng xả từ 100-1.300m3 và mực nước hạ du đang ở mức thấp. Đối với hồ chứa thủy lợi: tổng số có 2.840 hồ chứa, trong đó 113 hồ chứa đang thi công. Các địa phương đã tổ chức thường trực, hạ mực nước, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn hồ chứa và hạ du.
Về sản xuất nông nghiệp, hiện còn 4.000ha lúa trên nương, rẫy đã chín cần thu hoạch (Quảng Nam).
Về chăn nuôi, từ Thừa Thiên Huế-Bình Định hiện có trên 2,4 triệu con gia súc và 26 triệu con gia cầm, 42 trang trại quy mô lớn có nguy cơ bị ảnh hưởng khi bão đổ bộ.
Hiện còn 4.787 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định (Thừa Thiên Huế 2.200; Quảng Nam 1.157; Quảng Ngãi 397; Bình Định 1.033) đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch bảo đảm an toàn. Du khách trên các đảo đã di chuyển vào đất liền tránh trú (Lý Sơn, Cù Lao Chàm).
Hoạt động giao thông trên Quốc lộ 1, đường sắt, đường hàng không tại các cảng Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku bị ảnh hưởng khi bão đổ bộ (đã tạm dừng khai thác các cảng hàng không nêu trên từ 12 giờ ngày 27/9 đến 12 giờ ngày 28/9). Hệ thống 15 giàn khoan trên biển đã triển khai phương án ứng phó với bão…
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, theo dự báo của các cơ quan chức năng, cơn bão số 4 diễn biến phức tạp, tăng 2 cấp so ngày hôm qua, cường độ mạnh, di chuyển nhanh trong khi khả năng ứng phó còn có những hạn chế.
Công tác phòng chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động chuẩn bị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng nhất trí quan điểm công tác phòng chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động chuẩn bị, nếu chuẩn bị tốt thì khi cơn bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến thì vẫn bảo đảm an toàn, ngược lại nếu bão đổ bộ mạnh hơn dự kiến mà không chuẩn bị tốt thì thiệt hại sẽ lớn.
Những ngày qua, các địa phương đã hướng dẫn gần 58.000 tàu thuyền với khoảng 300.000 lao động di chuyển, tránh trú; gia cố, di dời 4.500 lồng bè thủy sản; lên kế hoạch và tiến hành sơ tán trên 100.000 hộ với gần 400.000 dân tại các vùng nguy cơ cao.
Thủ tướng hoan nghênh tinh thần của các tỉnh, thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thời tiết thế nào, như khi trước bão thì có thể trời quang, mây tạnh; không để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại tính mạng và tài sản người dân, không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh.
Cần tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nhất, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; vừa phòng tốt, vừa chống đỡ có hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị tốt nhất để kịp thời ứng phó diễn biến xấu có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại; mục tiêu cao nhất là bảo vệ bằng được tính mạng, tài sản của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nhất, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; vừa phòng tốt, vừa chống đỡ có hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị tốt nhất để kịp thời ứng phó diễn biến xấu có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại; mục tiêu cao nhất là bảo vệ bằng được tính mạng, tài sản của nhân dân, đặc biệt là bảo vệ tính mạng người dân, cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm; trong đó hết sức chú ý bảo vệ các đối tượng yếu thế, học sinh, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người tàn tật, khách du lịch phải ở lại do bão...
Thủ tướng yêu cầu, thời gian không còn nhiều, các bộ, ngành, địa phương liên quan từ tỉnh tới cấp huyện, cấp xã phải rà soát lại và tiếp tục triển khai ngay các công việc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, dự báo chính xác nhất có thể, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan, người dân.
Các địa phương huy động cả hệ thống chính trị, đình hoãn các cuộc họp không cấp bách để tập trung chỉ đạo ứng phó bão; phân công các đồng chí trong đảng ủy, thường vụ đảng ủy xuống kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trọng điểm, ứng trực, chỉ đạo ứng phó tại cơ sở.
Thủ tướng yêu cầu cương quyết di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, ven biển, cửa sông, nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu; việc sơ tán dân, nhất là vùng ven biển phải hoàn thành sớm nhất thể, trước khi bão đổ bộ; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, cần thiết thì cưỡng chế sơ tán để bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân; không để người dân ở lại trên lồng bè, tàu thuyền, khu vực không an toàn, rất khó khăn khi ứng cứu trong lúc bão đổ bộ và nguy cơ cao thiệt hại.
Cương quyết di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, ven biển, cửa sông, nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu; việc sơ tán dân, nhất là vùng ven biển phải hoàn thành sớm nhất thể, trước khi bão đổ bộ...
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Các địa phương, các lực lượng chức năng như công an, quân đội bố trí lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn để người dân yên tâm sơ tán, bố trí lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm, chuẩn bị y tế cho người dân.
Lực lượng chức năng rà soát tàu thuyền, liên hệ tới từng chủ tàu, không để tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn; rút kinh nghiệm từ ứng phó các cơn bão trước đây khi hàng trăm tàu thuyền hư hỏng do va chạm trong lúc neo đậu; huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản.
Bộ Xây dựng hướng dẫn các biện pháp bảo vệ, hạn chế tình trạng đổ sập, tốc mái các công trình; chủ động kiểm soát hoạt động đi lại, phân luồng, hướng dẫn giao thông bảo đảm an toàn; hạn chế người dân ra đường khi bão đổ bộ; kiểm tra lại các cây lớn dễ đổ, gãy để có biện pháp xử lý an toàn phù hợp.
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho các khu vực nguy cơ sạt lở, chia cắt, cô lập; bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống, nhất là trên biển, trên sông và các khu vực bị cô lập, chia cắt; các bộ ngành triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; nhất là bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân, an toàn hồ đập, các công trình sản xuất, dịch vụ, dầu khí trên biển...
Lực lượng vũ trang chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị hỗ trợ các địa phương ứng phó bão; các cơ quan báo chí-truyền thông phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền về ứng phó bão, nhất là các kỹ năng ứng phó bão, bằng mọi biện pháp có thể để thông tin nhanh nhất về thiên tai tới người dân.
Thủ tướng đánh giá, qua cuộc họp, có thể thấy thông tin liên lạc cơ bản được kết nối tốt; cần tiếp tục duy trì thông suốt thông tin liên lạc trong mọi tình huống; đồng thời yêu cầu Ban Chỉ đạo tiền phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc ứng phó và khắc phục hậu quả bão, lũ lụt.
Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai theo dõi, cập nhật diễn biến kịp thời để báo cáo Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền; tinh thần là phải chuẩn bị tốt nhất để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể; nêu cao tinh thần trách nhiệm, cấp ủy chính quyền tổ chức thực hiện, kêu gọi người dân hợp tác để làm tốt nhất công tác phòng, chống lụt bão.
Các Đài quốc tế dự báo bão Noru đạt cấp siêu bão (cấp 16); Nhật Bản dự báo đạt cấp 14, giật trên cấp 17. Bão số 4 tương tự về đường đi và cường độ bão Xangsane đầu tháng 10/2006 đổ bộ vào Đà Nẵng (gió mạnh cấp 12, giật cấp 14) làm 76 người chết, mất tích; 350.000 nhà bị sập đổ, hư hại; thiệt hại vật chất trên 10.000 tỷ đồng.