1. Trang chủ /
  2. Ung thư máu đừng uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc

Ung thư máu đừng uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc

thứ sáu, 21/4/2023 11:21 GMT+07
Theo chuyên gia, đa số ung thư máu cần điều trị bằng các liệu pháp toàn thân ở khoa nội.
Khi bị ung thư, bệnh nhân nên đến điều trị tại các bệnh viện lớn để được chăm sóc sức khỏe một cách khoa học (ảnh nguồn Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Khi bị ung thư, bệnh nhân nên đến điều trị tại các bệnh viện lớn để được chăm sóc sức khỏe một cách khoa học (ảnh nguồn Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).

Theo bác sĩ Phan Thị Thanh Long, Khoa Huyết học lâm sàng – A18, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ung thư máu là loại ung thư bắt nguồn từ mô tạo máu, như tủy xương, hoặc từ các tế bào của hệ thống miễn dịch.

Một số thể bệnh ung thư máu có độ ác tính cao, diễn biến cấp tính với các triệu chứng nặng nề, đôi khi đe dọa đến tính mạng, trong khi đó một số ung thư máu ở giai đoạn mạn tính hoặc tiến triển chậm trong thời gian dài.

ung thu mau dung uong thuoc nam khong ro nguon goc hinh 1
Khi bị ung thư, bệnh nhân nên đến điều trị tại các bệnh viện lớn để được chăm sóc sức khỏe một cách khoa học (ảnh nguồn Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).

Các loại ung thư máu thể mạn tính theo thời gian có thể chuyển dạng sang thể cấp tính có độ ác tính cao hơn.

“Việc điều trị phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ tiến triển của bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và mục tiêu điều trị.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được theo dõi sát một cách thận trọng; trong các trường hợp khác, điều trị sẽ bắt đầu ngay lập tức.

Các thể bệnh có độ ác tính cao, giai đoạn lan tràn cần được điều trị bằng các liệu pháp toàn thân (hóa trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch, ghép tế bào gốc tạo máu) hoặc tại chỗ (phẫu thuật, xạ trị) kết hợp kèm theo các điều trị hỗ trợ” – bác sĩ Phan Thị Thanh Long nói.

Cũng theo chuyên gia này, mặc dù một số loại ung thư máu có thể đạt được sự lui bệnh sâu, lâu dài, nhưng rất ít bệnh nhân có thể chữa khỏi hoàn toàn và một số bệnh nhân, như bệnh nhân đa u tủy xương, có thể cần điều trị tích cực, sau đó là điều trị duy trì trong thời gian dài. Sau khi điều trị thành công (lui bệnh hoàn toàn hoặc một phần), bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ để phát hiện bệnh tái phát và theo dõi tác dụng phụ lâu dài.

Chuyên gia này cũng cho rằng, đa số ung thư máu cần điều trị bằng các liệu pháp toàn thân ở khoa nội.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân ung thư máu có thể được chẩn đoán tại các khoa ngoại, khi một phần hay toàn bộ khối u được phẫu thuật cắt bỏ và được làm xét nghiệm giải phẫu bệnh như u tương bào, u lympho đường tiêu hóa, u lympho ở não... Sau khi được phẫu thuật cắt bỏ khối u thì bệnh nhân ung thư máu cần được đánh giá hệ thống và xem xét kế hoạch điều trị tiếp theo.

Trước khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân cần được thực hiện các xét nghiệm để đánh giá kỹ lưỡng về toàn trạng, giai đoạn bệnh, các yếu tố tiên lượng. Một số xét nghiệm cần thời gian chờ đợi khá dài (7-10 ngày), trong một số trường hợp bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm lại hoặc bổ sung một số xét nghiệm cần thiết.

“Mặc dù được chẩn đoán ung thư máu là gánh nặng tâm lý và kinh tế đáng kể cho bệnh nhân và gia đình tuy nhiên việc điều trị ung thư máu cần được cá thể hóa và thường phức tạp, người bệnh và gia đình cần kiên nhẫn chờ đợi, hợp tác tốt với bác sĩ, đồng thời thông báo đầy đủ về tiền sử bệnh, các thuốc đã và đang sử dụng trong điều trị các bệnh này, tình trạng dị ứng của mình.

Sau khi hoàn tất các xét nghiệm chẩn đoán và tiên lượng bệnh, bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân và gia đình về kế hoạch điều trị và phác đồ cụ thể, các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Với bệnh nhân trong độ tuổi sinh đẻ, bác sĩ sẽ tư vấn về sinh sản và cân nhắc trữ tinh trùng/trứng trước khi điều trị một số phác đồ hóa chất” - bác sĩ Phan Thị Thanh Long.

Theo bác sĩ Long, bệnh nhân và gia đình cần hiểu thông tin bác sĩ đã cung cấp và có thể đặt câu hỏi nếu không hiểu hoặc nếu muốn biết thêm thông tin.

Bệnh nhân và gia đình sẽ được yêu cầu ký vào bản cam kết điều trị ung thư, đây là một thủ tục hành chính bắt buộc để đảm bảo rằng bệnh nhân đã hiểu và đồng ý với kế hoạch điều trị. Bệnh nhân và gia đình có thể rút lại sự đồng ý điều trị bất cứ lúc nào.

Hiện, phương pháp điều trị ung thư máu chủ đạo là điều trị toàn thân, trong đó hóa trị là phương pháp cơ bản, đã có từ lâu, có thể các kết hợp với các phương pháp điều trị mới hơn như điều trị đích, điều trị miễn dịch để giảm thiểu tác dụng phụ cũng như nâng cao hiệu quả điều trị.

Các thuốc điều trị ung thư có thể dạng truyền tĩnh mạch, uống, tiêm dưới da, hoặc tiêm vào khoang tủy sống. Thuốc có tác dụng toàn thân, nghĩa là nó di chuyển khắp cơ thể, tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào đã lan ra từ khối u nguyên phát.

Các thuốc này có khả năng kiểm soát sự phát triển của các tế bào ung thư hoặc tiêu diệt hoàn toàn chúng từ đó giảm bớt các triệu chứng của bệnh hoặc đạt mục tiêu giảm tối đa tải lượng tế bào ác tính.

Ung thư máu được điều trị theo chu kỳ. Một chu kỳ bao gồm một khoảng thời gian điều trị thuốc, sau đó là một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Chẳng hạn, bệnh nhân có thể được dùng thuốc mỗi ngày trong 1 tuần, sau đó là 3 tuần nghỉ ngơi.

4 tuần này tạo thành một chu kỳ. Thời gian nghỉ ngơi giúp cơ thể bệnh nhân có cơ hội phục hồi và tái tạo các tế bào khỏe mạnh mới.

Tần suất và thời gian dùng thuốc phụ thuộc vào loại và mức độ tiến triển của ung thư, tình trạng toàn thân.

Liều thuốc ung thư được lên kế hoạch cụ thể cho tùy thuộc vào chiều cao, cân nặng và tình trạng toàn thân và các bệnh kết hợp của bệnh nhân.

Đa số ung thư máu cần dùng thuốc đường tiêm truyền tại bệnh viện, một số trường hợp bệnh nhân có thể dùng thuốc uống tại nhà.

Một số loại ung thư máu và phác đồ điều trị yêu cầu bệnh nhân phải nhập viện nội trú do thuốc cần được truyền kéo dài có thể lên tới 24 giờ, hoặc cần các điều trị hỗ trợ, theo dõi kèm theo.

Bệnh nhân sẽ cần đến phòng khám để thực hiện các xét nghiệm máu ban đầu 24-72 giờ trước khi điều trị.

Trong thời gian này, thuốc điều trị cũng cần được chuẩn bị pha chế trong điều kiện đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế.

“Điều trị ung thư trong một số trường hợp không quá phức tạp, và bệnh nhân cảm thấy khỏe lên từng ngày.

Trong khi ở một số thể bệnh, một số giai đoạn bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi, đôi khi cảm thấy cơ thể kiệt sức. Tuy nhiên, bằng cách hiểu rõ và chuẩn bị trước, bệnh nhân và gia đình sẽ sẵn sàng đối mặt với các tác dụng phụ khi chúng xảy ra, phối hợp với nhân viên y tế để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân, phát hiện và điều trị sớm các tác dụng phụ này.

Hầu hết các tác dụng phụ là tạm thời và khác nhau đối với mỗi người. Các tác dụng phụ của điều trị ung thư thay đổi từ người này sang người khác” – chuyên gia này cho biết.

Cũng theo vị này, bệnh nhân sẽ nhận thấy chúng xuất hiện dần dần và cải thiện trong những tuần còn lại sau khi điều trị. Các biện pháp dự phòng được thực hiện để ngăn ngừa hoặc giảm bớt những tác dụng phụ này.

Tác dụng phụ của hóa chất mà bệnh nhân gặp phải thì không cho biết liệu việc điều trị có hiệu quả hay không.

Thuốc điều trị ung thư có thể ảnh hưởng tới các tế bào bình thường của bệnh nhân, thường mang tính tạm thời và có khả năng hồi phục.

Các cơ quan chính trên cơ thể bị ảnh hưởng bởi điều trị là những cơ quan mà các tế bào bình thường phát triển nhanh chóng, ví dụ như tuỷ xương (nơi tạo ra các tế bào máu), đường tiêu hóa (bao gồm miệng, cổ họng hoặc thực quản, ruột non và ruột già và trực tràng), làn da, tóc, cơ quan sinh sản...

Một số tác dụng phụ thường gặp như: Buồn nôn sau truyền hóa chất, loét miệng, mệt mỏi, táo bón, xạm da, rụng tóc, tê bì, bỏng rát, di cảm đau bàn tay, chân, giảm các tế bào máu sau hóa trị, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và đời sống tình dục (thay đổi kinh nguyệt, mãn kinh sớm, giảm ham muốn tình dục, vô sinh tạm thời hoặc vĩnh viễn, mang thai bị dị tật bẩm sinh),…

Bác sĩ này khuyên, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, vì vậy hãy cho phép mình có thêm thời gian để nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng có thể cải thiện tâm trạng, nhận sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình và bạn bè.

Đo nhiệt độ hàng ngày và thường xuyên hơn nếu bạn cảm thấy có dấu hiệu của sốt (ớn lạnh, rét run, cảm thấy sốt).

Rửa tay sạch thường xuyên, tránh tiếp xúc đám đông và người không khỏe. Chăm sóc răng miệng: Súc miệng thường xuyên sau bữa ăn và trước khi đi ngủ bằng nước muối, natri bicacbonat (baking soda) hoặc nước súc miệng được chỉ định. Sử dụng bàn chải đánh răng mềm. Kiểm tra miệng hàng ngày và báo cho bác sĩ những thay đổi ở miệng kể cả lưỡi có màng (tưa miệng).

Ăn chín, uống sôi, đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất.

Không sử dụng các thuốc đông y, thuốc nam không rõ nguồn gốc trong quá trình điều trị.

Thử thai trước khi điều trị với nữ, sử dụng biện pháp tránh thai thích hợp trong và ít nhất ba tháng sau điều trị đối với cả hai giới.

“Điều trị ung thư máu thường yêu cầu thời gian dài với các giai đoạn điều trị bằng cách sử dụng kết hợp các phương thức điều trị khác nhau, đôi khi kéo dài nhiều năm, giống như điều trị một căn bệnh mãn tính” – vị này nhấn mạnh.