1. Trang chủ /
  2. Đường dây mua bán ngoại tệ giả 'núp bóng' công ty xây dựng

Đường dây mua bán ngoại tệ giả 'núp bóng' công ty xây dựng

thứ hai, 25/9/2023 22:34 GMT+07
Thành lập Công ty (Cty) rồi chỉ đạo người làm giả giấy tờ để buôn bán ngoại tệ giả, Chủ tịch HĐQT và 10 bị cáo khác phải lãnh mức án từ 3 năm đến cao nhất 18 năm tù.
Các bị cáo trong đường dây lưu hành tiền giả. Các bị cáo trong đường dây lưu hành tiền giả.

Cty xây dựng lại chuyên thu gom ngoại tệ

TAND TP Hà Nội vừa đưa 11 bị cáo trong vụ án “Lưu hành tiền giả”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” ra xét xử. Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt Lê Mạnh Cường (SN 1966, quê Thái Nguyên) 15 năm tù, Vũ Văn Nam (SN 1977, Chủ tịch HĐQT Cty Nguyên Vũ) 18 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 3 năm đến 11 năm tù.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 7/2019, Nam cùng 2 người khác thành lập Cty Nguyên Vũ. Trong đó, Nam là Chủ tịch HĐQT. Lĩnh vực hoạt động chính của Cty là xây dựng, phá dỡ công trình, nhưng Cty chưa có hoạt động gì liên quan đến xây dựng mà chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý ngoại tệ... Vốn điều lệ trong đăng ký kinh doanh của Cty này là vốn ảo, không có thật.

Để phục vụ cho hoạt động của Cty, Nam tìm hiểu hoạt động của các nhóm buôn bán ngoại tệ giả và chụp ảnh mẫu Quyết định của Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước gửi cho Nguyễn Trường Giang, nói làm giả các tài liệu. Trong đó có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Quyết định của Văn phòng Chính phủ về việc cho phép Cty Nguyên Vũ tìm kiếm, thu gom, xử lý các đồng tiền hỗn hợp (Euro, USD và các ngoại tệ khác) chưa lưu thông hoặc lưu thông nhưng không đúng quy chuẩn trên hệ thống tài chính thế giới đang trôi nổi trên thị trường.

Giang sau đó đã làm giả các tài liệu trên theo yêu cầu của Nam. Giang còn đi chứng thực các tài liệu trên ở 2 UBND xã thuộc huyện Ba Vì. Bên cạnh đó, Giang làm giả thư xác nhận số dư tài khoản của Cty Nguyên Vũ thành hơn 175 tỷ đồng theo yêu cầu của Nam.

Sau khi nhận các tài liệu giả trên, Nam gửi ảnh chụp và bản photocopy cho Lê Mạnh Cường, Phạm Thị Mộng Điệp, Đặng Thị Thùy Duyên, Phạm Quang Hòa, Lê Ngọc Hoàn để chứng minh tính hợp pháp trong hoạt động tiếp nhận, xử lý ngoại tệ của Cty Nguyên Vũ; chứng minh khả năng tài chính của Cty, có thể tiếp nhận số lượng lớn ngoại tệ. Từ đó, tạo niềm tin để các đối tượng góp vốn vào Cty và đi thu gom ngoại tệ cũng như tìm khách hàng phục vụ cho việc mua bán ngoại tệ của Cty Nguyên Vũ.

Tài liệu điều tra thể hiện, thông qua các mối quan hệ xã hội, năm 2019, Nam quen biết Lê Mạnh Cường. Cường giới thiệu có nguồn tiền đô la Singapore và USD, có thể cung cấp cho Nam để trao đổi, mua bán, hưởng tiền chênh lệch.

Khoảng giữa năm 2020, Cường biết Lê Thị Huệ có nguồn tiền ngoại tệ nên liên hệ đặt vấn đề mua đô la Singapore. Cùng thời điểm này, Nguyễn Trung Nghĩa cũng nói với Huệ là đang có 2 triệu đô la Singapore (SGD), loại mệnh giá 10.000 SGD cần bán. Do đó, Huệ đã gửi hình ảnh, video số tiền trên cho Cường, báo giá bán 1 triệu SGD là 13 tỷ VNĐ.

Cường đã trao đổi lại với Nam. Nam nói giá trên quá cao, chỉ đồng ý mua với giá 7 tỷ đồng/1 triệu SGD. Cường nói lại, Huệ đồng ý và đòi đặt cọc trước. Việc thỏa thuận giá cả mua bán 2 triệu SGD trên do Huệ và Cường trao đổi, thỏa thuận; Nghĩa không biết và không tham gia.

HĐXX khẳng định “biết tiền giả, bị cáo vẫn giao dịch”

Theo cáo trạng, bản thân Huệ biết số tiền 2 triệu SGD mà Nghĩa giao cho Cường là tiền giả nên Huệ đồng ý bán với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật trên thị trường.

Từ 28/11/2020 - 8/1/2021, theo yêu cầu của Huệ, Cường trực tiếp và chỉ đạo Phạm Thị Mộng Điệp 12 lần chuyển khoản cho Huệ 145 triệu đồng để đặt cọc mua tiền giả.

Tháng 12/2020, Huệ liên lạc với Cường trao đổi việc Nghĩa sẽ cầm 2 tập tiền SGD trị giá 1 triệu SGD/1 tập đưa lên Thái Nguyên để giao Cường. Ngày 9/1/2021, Nghĩa lên TP Thái Nguyên giao cho Cường tại một quán cà phê ở khu vực bảo tàng Thái Nguyên trước sự chứng kiến của Điệp và Nguyễn Chiến Công.

Sau khi nhận được thông báo từ Cường về việc đã mua được 2 triệu SGD, Nam bảo Phạm Quang Hòa và Đặng Thị Thùy Duyên cùng lên Thái Nguyên để đưa tiền đến ngân hàng kiểm tra. Ngày 11/1/2021, Điệp cùng Duyên, Hòa cầm 6 tờ SGD mua của Huệ và Nghĩa vào ngân hàng để kiểm tra. Được nhân viên ngân hàng thông báo số tiền trên không đạt chuẩn, là tiền giả, nhóm của Điệp đã thông báo cho Nam, Cường biết.

Nhận tin, Cường chỉ đạo Điệp cất giữ trong thời gian tìm khách mua. Còn Nam trao đổi với Cường, thỏa thuận lại với Huệ. Theo đó, Nam chỉ trả Huệ 2 tỷ đồng/1 triệu SGD và được Huệ đồng ý. Tuy nhiên sau đó, Huệ chỉ nhận được 1,74 tỷ đồng từ nhóm của Cường.

Về phía nhóm của Cường, sau khi biết số tiền trên là giả, Cường đã yêu cầu Duyên, Hòa tìm khách hàng là cá nhân. Ngày 21/1/2021, Duyên và Hòa tìm được 2 khách mua. Hai bên thống nhất giá mua bán 1 triệu SGD là 15,5 tỷ đồng. Khi giao dịch mua bán, có Cường, Điệp, Duyên và Hòa, Tô Văn Nam và Nguyễn Chiến Công.

Khi khách kiểm tra phát hiện tiền giả, đã liên hệ trả lại cho Duyên thì bị công an kiểm tra, bắt giữ cùng tang vật.

Quá trình khám xét, công an còn thu giữ tại nhà Điệp 35 tờ tiền Nhật mệnh giá 10.000 yên/tờ. Điệp biết số tiền trên là giả và mục đích cất giữ để chuyển về Cty Nguyên Vũ xử lý, lưu hành nhưng chưa kịp bán thì bị kiểm tra, thu giữ.

Với số tiền 1 triệu SGD còn lại, Cường chỉ đạo Điệp và Công mang vào Đà Lạt để tiếp tục tìm khách bán. Ngoài ra, Cường đã gửi hình ảnh và yêu cầu Duyên, Hòa và Lê Ngọc Hoàn tìm khách. Những người này đã liên hệ với một vài khách hàng nhưng vẫn chưa có ai đồng ý mua.

Bị đưa ra xét xử, hầu hết các bị cáo cho rằng cáo trạng có một phần đúng, một phần không đúng. Các bị cáo cho rằng mình không biết số ngoại tệ trên là giả vì cho rằng khi mang tiền vào ngân hàng kiểm tra, không được nhân viên ngân hàng cho biết đây là tiền giả, chỉ nói “không đủ tiêu chí để giao dịch”.

Trước một số lời khai chối tội của các bị cáo, chủ tọa phản bác: “Tiền là tiền, không phải tiền thì không phải là tiền”. Sau khi nghị án, HĐXX khẳng định có đủ căn cứ xác định các bị cáo phạm tội như cáo trạng truy tố.