Đường sắt chật vật tìm hướng phục hồi
Thậm chí, để có hành khách đi tàu, ngành đường sắt tiếp tục thực hiện giảm sâu giá vé nhưng kết quả mang lại chưa được như kỳ vọng. Dự báo trong năm 2022, ngành đường sắt tiếp tục gặp khó khăn do dự án nâng cấp cải tạo nhiều khu vực của tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Sau khi nhiều tỉnh, thành mở cửa, đưa các hoạt động trong xã hội trở lại bình thường, ngành đường sắt vẫn đang rất vất vả để thu hút hành khách. Đây là thực tế không mới nhưng có sự khác lạ bởi ngành hàng không gần như chật kín lịch bay với nhu cầu đi lại sau đại dịch tăng cao. Ngay cả đường bộ, các hãng xe khách cũng kín lịch di chuyển đưa người đi hành hương, du lịch đầu năm.
Với ngành đường sắt lại là một bức tranh đầy ảm đạm: Sau năm 2021 bị âm gần 700 tỷ đồng, năm 2022 dự báo ngành đường sắt tiếp tục lỗ khoảng gần 600 tỷ đồng.
Hiện, các đôi tàu đường sắt Bắc - Nam vẫn chạy dè chừng, chưa được như thời điểm trước dịch (năm 2019). Lượng khách đi bằng phương tiện này giảm mạnh so với trước. Để hút hành khách, hiện ngành này vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình khuyến mãi. Nhưng nghịch lý là càng giảm giá vé thì doanh thu lại càng thâm hụt.
Cụ thể, theo thông tin từ Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn, giá vé trong thời gian từ ngày 21/2 - 31/3 sẽ được giảm 50% so với niêm yết bình thường. Điều kiện để hành khách có thể được giảm một nửa giá vé là mua vé tại các khoang ghế ngồi mềm điều hòa, giường nằm khoang 6 điều hòa và giường nằm khoang 4 điều hòa.
Song, thực tế cho thấy, chỉ có các cự ly trên 500km với các tàu SE3/SE4, SE7/SE8, cự ly trên 420km với các tàu SE21/SE22 và trên 150km với tàu SPT1/SPT2 mới có khách mua vé. Dự kiến có khoảng hơn 10.000 vé được khuyến mãi cho hành khách trong khung thời gian trên. Việc ngành đường sắt tung gói cước khuyến mãi lớn trong khi các dịch vụ vận tải khác tăng giá vé cho thấy sự “thất thế” của loại hình vận tải này.
Dù vậy, theo khảo sát của phóng viên, hiện giá vé tàu không có sự chênh lệch so với các hãng máy bay giá rẻ. Vé tàu từ ga Sài Gòn đi ga Hà Nội giá dao động quanh mức 1,5 - 2,3 triệu đồng. Giá vé này tương đương với vé máy bay, thậm chí cao hơn dù thời gian di chuyển của đường sắt dài hơn gấp 15 lần. Ngoài thời gian di chuyển, đường sắt còn tốn thêm chi phí ăn uống trên tàu.
Về dài hạn, thời gian tới vận tải đường sắt cũng được dự báo đối mặt với nhiều rào cản. Cụ thể, trong năm 2022 đường sắt sẽ sửa chữa nhiều khu đoạn đường tàu. Đó là đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn...
Việc sửa chữa này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lịch cũng như thời gian chạy tàu, từ đó sẽ ảnh hưởng tới năng lực vận tải của đường sắt trong năm 2022 này.
Trong khi đó, một chuyên gia hạ tầng giao thông cho biết, việc ngành đường sắt “thất thế” trước hàng không đã kéo dài hàng chục năm nay và còn lâu mới có thể thay đổi được tình hình. Thế nhưng, ngay cả so với đường bộ, ngành đường sắt hiện nay cũng bắt đầu tụt hậu.
Có thể nói, dù có nhiều giải pháp đã được đưa ra song tới nay vì nhiều lý do, ngành đường sắt vẫn đang bị tụt hậu so với các loại hình vận tải khác.
Trong khi đó ngành này cũng đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, điển hình là gói dự án 7.000 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo đường sắt nhưng sẽ rất khó để loại hình vận tải này sớm tìm lại được vị thế như những năm trước.
Sau khi nhiều, tỉnh thành mở cửa, đưa các hoạt động trong xã hội trở lại bình thường, ngành đường sắt vẫn đang rất vất vả để thu hút hành khách. Đây là thực tế không mới nhưng có sự khác lạ bởi ngành hàng không gần như chật kín lịch bay với nhu cầu đi lại sau đại dịch tăng cao, ngay cả đường bộ các hãng xe khách cũng kín lịch.