Vải thiều sớm Bắc Giang được giá, đã tiêu thụ gần 14.000 tấn
Tính đến ngày 5/6/2022, sản lượng vải thiều sớm trên toàn tỉnh Bắc Giang đã thu hoạch, tiêu thụ khoảng 13.440 tấn; giá bán bình quân từ 20 - 35 nghìn đồng/kg.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu thị trường trong nước; đã tổ chức xuất khẩu khoảng 3.985 tấn, trong đó tại thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc trên 31 tấn; thị trường Trung Quốc 3.894 tấn; thị trường Campuchia 60 tấn... Hiện nay, việc tiêu thụ vải thiều sớm của tỉnh diễn ra rất thuận lợi, vải được thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, với giá thành cao.
Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tiến hành khảo sát và liên kết tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu như: Công ty Fusa ký hợp đồng xuất khẩu đi thị trường EU với giá 35.000 đồng/kg, sản lượng 10 tấn; Công ty Cổ phần Miền đất nông nghiệp Việt - Pháp ký với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác cung ứng vải thiều cung ứng sản phẩm vải thiều Lục Ngạn sang thị trường EU, dự kiến khoảng 150 tấn…
Chiều 10/6, Huyện uỷ, UBND huyện Lục Ngạn tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về tình hình sản xuất và xúc tiến tiêu thụ quả vải năm 2022.
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn ông La Văn Nam cho biết, năm 2022 giá vải khá cao và ổn định. Xác định trong sản xuất nông nghiệp thì thường rơi vào tình trạng được mùa nhưng mất giá do thị trường không ổn định, công tác xúc tiến còn hạn chế…
Ông Nam cho biết thêm, vải chín sớm có khoảng 21.000 tấn, hiện đã tiêu thụ khoảng 5.000 tấn, giá ổn định từ đầu vụ rất ổn định và cao hơn năm 2021. Tính đến ngày 9.6, toàn huyện Lục Ngạn có 96 điểm cân, thu mua vải; giá sản dao động thừ 18.000 – 35.000 đồng/1kg...
Trước câu hỏi của PV về việc hạn chế tình trạng gian lận thương mại, huyện đã có những giải pháp gì để ngăn chặn giúp bà con.
Đồng thời quyết liệt tăng cường quản lý thị trường, xử lý các vi phạm để chống gian lận thương mại, kinh doanh không lành mạnh, ép giá lùi cân, đầu cơ găm hàng tăng giá thùng xốp, đá cây, sẵn sàng phương án điều tiết nguồn cung ứng các mặt hàng, dịch vụ phụ trợ (thùng xốp, nước đá công nghiệp, dịch vụ vận tải…) từ ngoài địa bàn huyện để bổ sung kịp thời cho thị trường tiêu thụ tại huyện (nếu xảy ra tình trạng găm hàng, thiếu hàng, tăng giá quá mức…), không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, ách tắc, gián đoạn chuỗi cung ứng các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Về các lĩnh vực phụ trợ, qua chỉ đạo rà soát, nắm tình hình, hiện nay trên địa bàn huyện có 04 nhà máy sản xuất, 30 kho dự trữ thùng xốp với lượng thùng xốp đã sản xuất lưu kho trên 5 triệu thùng các loại, giá bán các loại thùng xốp hiện nay dao động từ 26.000 - 35.000 đồng; dự kiến công suất đến hết vụ của các cơ sở là trên 6 triệu thùng; đồng thời đã có 36/42 cơ sở sản xuất đá cây đã đóng điện sản xuất; giá bán đá cây từ 20.000-25.000/cây.
Song song với chỉ đạo tổ chức sản xuất theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu an toàn chất lượng, từ tháng 3/2022 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện đã chủ động tổ chức các đoàn công tác đi tiếp xúc, làm việc trực tiếp với chính quyền, Hải quan, Ban Quản lý các cửa khẩu quốc tê như Móng Cái, Quảng Ninh; Mộc Bài, Tây Ninh; cùng Đoàn công tác của tỉnh Bắc Giang làm việc với tỉnh Lạng Sơn… để có biện hỗ trợ thuận lợi cho hoạt độn xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn qua các cửa khẩu. Đồng thời kết nối hỗ trợ để các doanh nghiệp, HTX địa phương ký kết thỏa thuận, hợp đồng với các đối tác về việc xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn sang Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua, tiêu thụ vải thiều, ngay từ tháng 3.2022 đến nay, Huyện uỷ, UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức các đoàn công tác đi tìm hiểu tình hình xuất nhập khẩu, thị trường tiêu thụ, xúc tiến tiêu thụ, chế biến đối với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh); các chợ đầu mối Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), Ban Quản lý chợ đầu mối Dầu Giây (Đồng Nai), Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và UBND huyện Bến Cầu (Tây Ninh)... Bên cạnh đó, huyện cũng tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Bắc Giang thành lập đoàn công tác làm việc với tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Lào Cai (có cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc)…