Văn hóa gia đình - động lực góp phần chống dịch
Đồng lòng vì cộng đồng
Đang công tác tại một phòng khám đa khoa gần nhà sau khi tốt nghiệp ngành điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông, nhưng khi biết tin Thành đoàn Hà Nội kêu gọi các tình nguyện viên tham gia chống dịch, Vũ Thị Thu Hà - Bí thư Chi đoàn thôn Thượng xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội đã làm đơn đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Âm thầm đăng ký và chuẩn bị việc lên đường, Hà không dám nói cho bố mẹ vì nghĩ bố mẹ sẽ lo lắng mà phản đối. Nhưng nào ngờ, ông Vũ Hồng - bố Hà khi biết tin lại vui mừng động viên con. Bản thân ông Hồng cũng hàng ngày miệt mài tham gia tổ COVID-19 cộng đồng. Sau giờ trực tại chốt kiểm soát dịch bệnh của Tổ dân phố, ông Hồng lại đến từng gia đình thống kê, lập danh sách người chưa được tiêm vắc-xin phòng COVID-19, các hộ khó khăn cần xin hỗ trợ, tặng quà giúp đỡ họ. “Đây là trách nhiệm, nhiệm vụ với cộng đồng trong việc giữ vững ổn định trật tự và sự bình an cho mọi người. Tôi làm vì điều đó và cũng động viên con gái mình cống hiến cho xã hội” – ông Hồng cho biết.
Những ngày Hà Nội giãn cách, tai chốt kiểm dịch ngõ Nguyễn Đổng Chi – Hồ Tùng Mậu, luôn có một gương mặt trẻ măng ngày ngày trực chốt. Đó là em Trần Quốc Tuấn ở phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm. Tuấn vừa nhận được thông báo trúng tuyển cả 3 nguyện vọng trong kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua, trong thời gian chờ đợi làm thủ tục nhập trường, em xung phong ngày ngày trực chốt cùng mẹ.
Chị Nguyễn Linh Dung, mẹ Tuấn là một thành viên tích cực của Tổ COVID-19 cộng đồng tại địa phương. Theo gương mẹ, Tuấn đã tình nguyện đăng ký tham gia làm dân quân tự vệ, hỗ trợ Đoàn thanh niên trong hoạt động trực chốt, phục vụ điểm tiêm vaccine Covid-19. Biết điều này, chị Dung rất ủng hộ con. “Ngày ngày chứng kiến mẹ và mọi người đi sớm về muộn, lăn xả trước các nguy cơ lây nhiễm cận kề, nên em cũng muốn làm vì cộng đồng như mẹ. Đây là một trải nghiệm khó quên để em tự tin bước vào đời”, Tuấn nói.
Đồng hành cùng mẹ và anh trai, bé Trần Phương Linh cũng tham gia vào công cuộc chống dịch bằng sức nhỏ của mình. Đó là những nồi chè, những cốc nước chanh gừng và muối vừng ba mẹ con cùng góp công chuẩn bị để tặng các cô chú chốt trực.
Sức lan tỏa từ văn hóa ứng xử trong gia đình
Qua những câu chuyện kể trên có thể thấy, chính văn hóa ứng xử trong mỗi gia đình đã góp phần làm cho những điều tử tế được lan tỏa ra toàn xã hội. Ở tâm dịch TP HCM, cộng đồng nhiều lần được chứng kiến nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp, cùng giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn. Đó là bà Lê Thị Kim Loan ở phường 15, quận Tân Bình hằng ngày tổ chức nấu và phát hàng trăm suất cơm cho người dân khu vực phong tỏa; cung cấp nước uống cho lực lượng trực chốt; phát quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; “tổ chức gian hàng 5 ngàn” người dân khó khăn, khu cách ly; “giải cứu” nông sản cho các tỉnh gặp khó khăn.
Hay trường hợp gia đình ông Nguyễn Ngọc Hiệp ở phường 11, quận Bình Thạnh tổ chức “Gian hàng 0 đồng” hỗ trợ trên 6 tấn rau củ quả và các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày; phục vụ hơn 1.550 người đang sống trong khu vực phong tỏa; Đó là anh Nguyễn Anh Tài ở phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú đã vận động gia đình, hàng xóm và bạn bè tham gia nấu bếp hỗ trợ các suất ăn chay cho người dân quận Tân Phú và người dân thành phố đang gặp khó khăn vì dịch bệnh...
Có thể nói trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều tấm gương gia đình cùng nhau làm việc tốt, vì cộng đồng như những ngôi sao sáng lấp lánh, làm xúc động lòng người. Mỗi việc làm tử tế đều là một câu chuyện cảm động và đằng sau đó là những gia đình đồng lòng, đồng sức lan tỏa yêu thương.
Là người gắn bó lâu năm với công tác gia đình, Thạc sĩ Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình – Bộ VH-TT&DL cho rằng, tính nhân văn, nhân đạo, tương thân tương ái đã chảy trong huyết quản của người dân Việt Nam suốt bao đời qua. Lịch sử đã chứng minh khi đất nước có biến cố, gian lao, tinh thần ấy trỗi dậy và lan toả mạnh mẽ. Trong phòng, chống dịch, mỗi gia đình hãy là một pháo đài vững chắc, mỗi người dân là một chiến sỹ, cùng nhau đồng tâm, nhất trí bảo vệ, trực tiếp chiến đấu bảo vệ tổ ấm của mình.
“Đây không chỉ phát huy tốt vai trò tương thân tương ái trong truyền thống Việt Nam mà còn thể hiện sự gắn kết, lan toả những giá trị đẹp trong gia đình, vai trò làm gương của thế hệ trước đối với thế hệ sau, sự sẻ chia đồng cảm cùng nhau trong cuộc sống… Những ngày khó khăn vẫn đang còn ở phía trước, nhưng việc làm ý nghĩa của họ sẽ giúp cộng đồng có thêm tình đoàn kết và là hành trang quý báu cho nhiều bạn trẻ vững tin bước vào đời” – Thạc sỹ Hoa Hữu Vân nhấn mạnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL đã xây dựng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gồm 4 nguyên tắc ứng xử chung trong gia đình: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ và 8 tiêu chí ứng xử cụ thể cho 4 mối quan hệ cơ bản trong gia đình, bao gồm: Tiêu chí ứng xử vợ chồng: Chung thủy, nghĩa tình; tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
Bộ tiêu chí đã được thí điểm thực hiện tại 12 tỉnh thành trên cả nước và kết quả cho thấy đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Từ kết quả này, Bộ VH-TT&DL đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đưa việc tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là một trong những nhiệm vụ chính của Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030.