1. Trang chủ /
  2. Văn hóa - Giải trí /
  3. Hoài niệm Tết Trung thu xưa qua những món đồ chơi dân gian làng Ông Hảo

Hoài niệm Tết Trung thu xưa qua những món đồ chơi dân gian làng Ông Hảo

thứ sáu, 13/9/2024 11:09 GMT+07
Làng Ông Hảo hay làng Hảo thuộc xã Liêu Xá (Yên Mỹ, Hưng Yên) cách trung tâm Thủ đô chừng 40 km, nơi đây đã có hơn nửa thế kỷ gìn giữ những nét Trung thu cổ truyền với những món đồ chơi dân gian.

Tạm xa hương cốm, tạm xa những ngọn gió Thu Hà Nội, chúng tôi có dịp tới thăm miền ký ức Tết đoàn viên xưa tại làng Ông Hảo (hay làng Hảo) nằm ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, cách trung tâm Thủ đô chừng 40 km. Ngôi làng đã có hơn nửa thế kỷ sản xuất ra những chiếc trống ếch, mặt nạ giấy bồi với rất nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ nổi danh cả nước.

Ký ức về Tết Trung thu cổ truyền xưa...

Băng qua những cánh đồng lúa xanh đang trổ đòng trong ánh nắng dịu của buổi sáng mùa Thu, chiếc xe đưa chúng tôi dừng lại cổng nhà một lão nông ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Ngay từ ngoài sân đã thấy la liệt là những chiếc mặt nạ, những món đồ chơi Trung thu truyền thống đầy màu sắc vui nhộn và bắt mắt...

Một cảm giác thân quen ùa về trong tâm thức khiến chúng tôi như được sống lại ký ức của mùa phá cỗ trông trăng thời chăn trâu, ngay tại khoảng sân nhà ông Vũ Huy Đông - nơi lưu trữ một góc hoài niệm của mùa Trung thu cũ với những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi đủ sắc màu.

Khi thấy những vị khách lạ, ông lão bất chợt dừng tay, gạt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt hơi au đỏ, nhíu mày nhìn ra phía cổng. Ông lão nhanh nhảu mời những vị khách len lỏi qua chồng mặt nạ giấy bồi và trống ếch để nhâm nhi chén trà, bắt đầu tỉ tê về công việc đã gắn bó với ông gần nửa thế kỷ.

‘Làng tôi bắt đầu phát nghề từ khoảng những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, lúc ấy có hợp tác xã làm trống đồ chơi, sau giải thể, những người vững nghề tự mở xưởng, đến nay còn khoảng mươi nhà theo nghề này,’ ông Đông thủng thẳng nói.

Nhấp một ngụm trà, ông Đông đứng dậy trở về khoảng sân tiếp tục vẽ nốt chiếc mặt nạ giấy bồi dang dở, vừa làm vừa ‘thuyết minh’ bằng cả tâm can về ý nghĩa của các món đồ chơi dân gian dịp Trung thu cho những người khách phương xa.

vnp_ ong hao.jpg
Hình ảnh những chiếc mặt nạ giấy bồi Trung thu gắn liền với ông Đông hơn 60 năm. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Nhớ về thuở phá cỗ trông trăng trong khoảng sân đình của thế kỷ trước, ông Đông cho hay hay bất kỳ ai trong làng cũng đều háo hức với những màn múa lân trong tiếng trống rộn ràng cùng những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh nhưng nom cũng rất buồn cười.

Với ông, ngày đó những chiếc mặt nạ chỉ là những món đồ mua vui đêm rằm cho con trẻ. Nhưng qua lời kể của cha ông truyền lại, các hình tượng trên chiếc mặt nạ dường như trở nên sống động hơn bởi mang những thông điệp văn hóa rất rõ ràng.

Chẳng hạn như mặt nạ ông Địa tức vị Thổ thần, Thổ địa được thể hiện với hình dáng tròn vo, mang biểu tượng của văn hóa nông nghiệp, bởi nó gửi gắm hy vọng của nông dân về đất đai màu mỡ, khí hậu thuận hòa để cây cối xanh tốt, cây lúa phát triển. Hay hình ảnh Thỏ ngọc lại là tượng trưng cho sự xinh đẹp hài hòa hoặc ánh trăng sáng ngời đêm rằm. Sự xuất hiện của hình tượng ông Địa với Thỏ ngọc ẩn giấu ước vọng về một mùa màng bội thu, sung túc của người nông dân thời xưa...

Ông Đông đặt chiếc mặt nạ ông Địa vừa hoàn thiện sang một bên, đưa tay kéo cái bàn đóng trống ếch quặp vào lòng. “Trung thu xưa còn phải có món này nữa các chú ạ,” ông cười hiền nói.

Tang trống được dựng từ những khúc gỗ cùng da trâu, bò đã qua xử lý dưới bàn tay ‘lão làng’ của ông chẳng mấy chốc đã thành hình chiếc trống ếch. Ông Đông bỗng nhấc bổng chiếc trống ếch, khoái chí gõ lên mặt chiếc trống vừa hoàn thiện. Âm thanh trống ếch vang lên từng tiếng “cắc”, “tung” như thể thôi thúc con người ta trở về ngày trẻ dại, háo hức gọi nhau từ tờ mờ tối để vui rước đèn, phá cỗ đêm rằm tháng Tám.

Chỉ sau vài hồi trống ếch, sân khu đình làng đã chật người, nhộn nhạo cả tiếng nói, tiếng cười đùa trong đêm Trung thu. Những chiếc mặt nạ giấy bồi ngộ nghĩnh hay âm thanh của chiếc trống ếch như vẫy gọi ánh trăng rằm cùng xuống khoảng sân đình tung tăng với lũ trẻ.

Nặng lòng gìn giữ 'hồn cốt'

Gần nửa thế kỷ gắn gó với những chiếc mặt nạ, những chiếc trống cho dịp Tết Trung thu, cũng có lúc ông Đông trĩu lòng vì tưởng chừng các món đồ chơi này không còn được ‘nâng niu’ như ngày trước.

Nhớ lại khoảng thời gian đồ chơi Trung Quốc xâm nhập và chiếm thị phần của đồ chơi dân gian, ông cho biết ngày đó hàng ế ẩm lắm, nhưng buồn hơn cả là những giá trị dân gian ông đau đáu gìn giữ bấy lâu lại vào đà xuống dốc.

“Cũng có lúc nản các chú ạ, kinh tế là một phần nhưng cái chính là mình muốn giữ hồn cốt Trung thu xưa cho con trẻ để chúng còn biết đến những giá trị truyền thống. Nếu mình không làm, thì chẳng mấy chốc, mấy cái mặt nạ giấy hay trống ếch sẽ chỉ còn trong ký ức," giọng ông trầm hẳn lại khi hồi tưởng về ngày đó. Nhưng cuối cùng, chính mùi sơn, mùi giấy bồi, những miếng da, tang trống đã níu chân lão nông, khiến ông vẫn hàng ngày miệt mài với những món đồ chơi thủ công tỉ mỉ này.

vnp_11.jpg
Ông Đông hào hứng chia sẻ cách làm mặt nạ bằng giấy bồi cho du khách nhí nước ngoài. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Thêm một điều ông luôn trăn trở là làm sao để thế hệ trẻ bây giờ sống trong thời đại công nghệ nhưng vẫn có thể cảm nhận được không khí Trung thu như ngày xưa, với những món đồ chơi giản dị, đầy ý nghĩa.

Đặt chiếc mặt nạ ông Địa mới vẽ được một nửa xuống đất, ông lão quê say sưa chia sẻ về những công đoạn làm mặt nạ giấy bồi. Theo ông, đó là công việc không quá khó nhưng đòi hỏi người làm cần phải có đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ. Để hoàn thiện 1 chiếc mặt nạ, ông phải thực hiện qua 3 công đoạn: Bồi thô, sơn vẽ và hoàn thiện, đóng gói.

Những chiếc mặt nạ được tạo hình bằng cách bồi giấy bìa, giấy trắng lên khuôn ximăng đúc sẵn và người thợ sẽ sử dụng hồ được làm từ bột sắn để kết dính các lớp giấy. Sau khi phơi khô, mặt nạ giấy trắng được người thợ sơn, vẽ tay, "thổi hồn" trở thành những hình thù ngộ nghĩnh.

“Vẽ mặt là khó nhất, tay nghề phải vững mới làm được. Cũng phải có khiếu thẩm mỹ nữa, không thì mặt nạ làm ra không có hồn,” ông vừa nói vừa đưa chiếc cọ màu lướt trên chiếc mặt nạ vẽ dở.

Với làm trống cũng vậy, từ chuẩn bị nguyên liệu như tang trống, da trâu, bò đến lúc hoàn thiện cũng là một quá trình tính bằng năm để sản xuất ra được hàng loạt những chiếc trống ếch.

Trước kia, người dân làng Hảo bưng trống bằng đinh vầu, mỗi chiếc đinh đều được vót thủ công từ tre, nứa, kích cỡ chỉ nhỉnh hơn cái tăm.

“Để ghim đinh vầu cố định mặt da, thợ lại phải đục từng lỗ trên tang trống vì đinh vầu không xuyên qua được mặt da. Đinh thừa phải dùng kéo cắt rồi mài nhẵn để bề mặt trống không bị gồ ghề, trẻ con chơi không bị xước tay chân. Giờ phương tiện sẵn hơn, chúng tôi thay đinh vầu bằng súng bắn ghim,” ông Hảo nói.

Cũng chính vì cả ngày tíu tít với mặt nạ, với trống ếch mà cứ mỗi buổi chiều, khoảng sân nhà ông Đông lại thành ”tụ điểm” của lũ trẻ trong xóm. Đứa nào đứa nấy hau háu, đăm chiêu cùng cọ màu và những chiếc mặt nạ giấy bồi.

vnp_ ong hao (2).jpg
Niềm vui trẻ thơ vỡi những món đồ chơi truyền thống mỗi dịp Trung thu về. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Có môi trường để lứa trẻ tìm hiểu, mặc sức sáng tạo và thấy thích đồ chơi dân gian trong thời buổi này cũng là đáng mừng rồi,” ông chỉ tay về phía mấy đứa trẻ con đang tranh nhau cây cọ màu nói.

Ngay cạnh đó, khoảng chục “nhân công” từ bậc trung niên đến thanh niên trong làng đang miệt mài với từng chiếc mặt nạ, trống ếch. Ông Đông cho hay họ tranh thủ thời gian rảnh rỗi vừa gìn giữ nghề vừa cũng để kiếm thêm thu nhập.

Đáng nói là trong số họ, người con trai thứ của ông Đông cũng đang cần mẫn, tỉ mỉ với từng công đoạn cho những món đồ chơi truyền thống. “Thế là tôi cũng có lứa kế cận rồi đó các chú ạ,” niềm vui ánh lên trong mắt ông lão 73 tuổi khi hồ hởi khoe với những người khách lạ...

Chúng tôi rời làng Hảo khi những vệt nắng chiều nhạt dần, chuẩn bị nhường chỗ cho màn đêm thăm thẳm. Vẳng xa ngoài đồng ruộng, tiếng ếch nhái bắt đầu gọi nhau, như gọi chúng tôi về thời ấu thơ, như gọi cả một bầu trời ướt đẫm ánh trăng đêm rằm tháng Tám./.