1. Trang chủ /
  2. Vẫn loay hoay nên hay không trông giữ phương tiện dưới gầm cầu

Vẫn loay hoay nên hay không trông giữ phương tiện dưới gầm cầu

thứ năm, 24/8/2023 22:10 GMT+07
Xung quanh đề xuất được sử dụng hay không sử dụng gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề cập trong Dự thảo Luật Đường bộ thời gian qua đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Sử dụng tạm gầm cầu làm bãi đỗ xe sẽ giảm tải nhu cầu điểm đỗ tại các đô thị lớn như Hà Nội,TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Hải.

Sử dụng tạm gầm cầu làm bãi đỗ xe sẽ giảm tải nhu cầu điểm đỗ tại các đô thị lớn như Hà Nội,TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Hải.

Giảm tải áp lực về nhu cầu điểm đỗ xe tại đô thị

Hiện Bộ GTVT đang xây dựng Dự thảo Luật Đường bộ để trình Chính phủ thẩm định trong tháng 9. Sau đó vào tháng 10, Dự thảo Luật sẽ được trình lên Quốc hội.

Tại Dự thảo Luật Đường bộ được gửi đến Bộ Tư pháp thẩm định vừa qua, Bộ GTVT đã bỏ đề xuất dùng gầm cầu cạn làm bãi trông giữ xe. Điều này cũng thu hút sự chú ý của dư luận, khi mà trước đó việc dùng gầm cầu cạn làm nơi giữ xe vẫn được Bộ này bảo lưu.

Nhiều người dân bày tỏ ý kiến đồng tình khi sử dụng tạm khu vực gầm cầu để làm điểm trông giữ phương tiện, đáp ứng nhu cầu của người dân; nhất là tại các đô thị lớn khi “đất chật, người đông”.

Anh Phú trú tại quận Cầu Giấy chia sẻ, thực sự tìm một chỗ gửi ô tô qua đêm tại khu vực các quận nội thành Hà Nội là một việc khó khăn. Bản thân anh cũng cảm thấy khá may mắn khi có được một chỗ gửi xe tại khu vực gầm cầu gần nhà.

Một số chủ phương tiện khác không tìm được chỗ ổn định, phải đỗ tạm trên lòng đường, vỉa hè hoặc các bãi xe “lậu” vừa bất ổn vừa bất an trước nguy cơ có thể mất cắp phụ tùng, hư hại phương tiện.

Thông tin từ Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, theo Quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20 - 26% cho đô thị trung tâm. Trong đó tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3 - 4%.

Tuy nhiên số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới của Hà Nội mới đạt khoảng 10,3%. Lượng phương tiện hoạt động trên địa bàn Thủ đô tăng mạnh nhưng tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp, diện tích giao thông tĩnh mới đáp ứng được 25% nhu cầu đỗ xe.

Hiện Hà Nội có 587 cầu với 7 cầu lớn gồm: Vĩnh Tuy, Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân, Đông Trù, Thăng Long, Phùng. Chỉ có 3 gầm cầu Chương Dương, Ngã Tư Vọng, Vĩnh Tuy đang cho trông giữ phương tiện.

Với TP. Hồ Chí Minh, tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt chưa tới 10%, trong khi các bãi đậu xe ở trung tâm cũng mới đáp ứng được 30% nhu cầu. Cả thành phố chỉ có 2 bãi đậu xe trên cao ở quận 1 và Tân Phú, trong khi 4 dự án bãi đậu xe ngầm có kế hoạch 15 năm nay đã bị hủy bỏ.

Theo Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do vướng mắc thủ tục như đơn giá thuê đất, thủ tục cấp phép phòng cháy chữa cháy, bồi thường giải phóng mặt bằng…

Ủng hộ đề xuất sử dụng gầm cầu cạn trông giữ phương tiện, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho biết, thực tế nhiều nước cho phép trông giữ xe dưới gầm cầu để giảm áp lực về nơi trông giữ phương tiện.

Ở Nhật Bản, một số gầm cầu cạn được bố trí làm nơi trông giữ xe, ưu tiên phục vụ người dân đi tàu điện. Hay ở Đức, các gầm cầu cạn đều được đỗ xe cá nhân, trừ các loại xe trọng tải lớn. Ở đó đều được lắp đặt và trang bị hệ thống chống cháy tự động.

Trước đó, khi xây dựng Luật Giao thông đường bộ năm 2008, vấn đề sử dụng gầm cầu cạn làm bãi trông giữ xe đã được đưa ra bàn thảo, cân nhắc nhiều lần. Sau đó nội dung này đã không được đưa vào luật.

Lo ngại về những hệ lụy

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ sử dụng gầm cầu cạn tạm thời để trông giữ phương tiện, giảm tải áp lực về điểm đỗ tại các đô thị lớn thì cũng có không ít ý kiến lo lắng về nguy cơ cháy nổ, ùn tắc giao thông, minh bạch về doanh thu.

Ngoài ra, đề xuất này chỉ là một giải pháp rất tình thế bởi việc phát triển đô thị thiếu bài bản nên hạ tầng chắp vá, tạm thời trong khi chờ giải pháp lâu dài.

Việc cho phép trông xe dưới gầm cầu sẽ giúp giảm áp lực về nhu cầu bãi đỗ. Tuy nhiên khi tổ chức cần chọn những vị trí phù hợp, an toàn, không phải gầm cầu nào cũng tận dụng được.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lo ngại, việc trông giữ xe dưới gầm cầu cạn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và gây áp lực giao thông trên tuyến đường.

Đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thiếu chỗ đỗ xe, thay vì tận dụng gầm cầu, chính quyền thành phố cần quy hoạch, xây dựng bãi đỗ trên cao, dưới mặt đất để phục vụ người dân và sử dụng đúng mục đích công trình.

Các đô thị đang có không ít dự án treo nhiều năm nay, chính quyền có thể thu hồi hoặc cấp phép để làm bãi xe tạm. Việc này vừa giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân, vừa tránh lãng phí.

Trao đổi với PV, một chuyên gia về quy hoạch đô thị cho biết, thực tế khu vực gầm cầu cạn là những nút giao thông. Khi phương tiện ra vào bãi xe, đặc biệt là ô tô có thể gây ùn tắc trong giờ cao điểm. Không gian dưới gầm cầu cạn nên sử dụng trồng cây xanh, vốn đang rất thiếu tại đô thị lớn.

Nhiều thành phố trên thế giới, gầm cầu cạn thường là không gian xanh để người dân thụ hưởng. Trong khi ở Việt Nam, diện tích giao thông tĩnh rất thiếu song ít được chú ý phát triển hoặc thiếu không gian xanh phục vụ người dân.

Trước khi cho phép trông xe ở gầm cầu thì chúng ta phải đảm bảo quản lý được. Ở một số nước tiên tiến họ đã làm, kinh nghiệm của họ trong tổ chức triển khai ra sao, chúng ta cần tham khảo.

Chẳng hạn như những vị trí nào thì cho phép, vị trí nào thì không; cho trông giữ xe nhưng đó là loại xe gì? Các quy định an toàn cháy nổ hiện nay đã thực sự chặt chẽ chưa, có cần thiết phải ban hành một bộ quy chuẩn riêng cho các khu vực đặc thù này?... vị chuyên gia nhấn mạnh.

Một thực tế là việc sử dụng các gầm cầu cạn ở Hà Nội làm bãi đỗ xe không thống nhất trong suốt thời gian qua khi mỗi nơi một kiểu đã khiến bộ mặt đô thị lộn xộn, nhếch nhác. Do đó cần có quy định cụ thể và xử lý nghiêm những vi phạm.