Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội: Cần triển khai tu bổ Khuê Văn Các để ngăn chặn tình trạng xuống cấp
Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) là quần thể nằm trong danh sách các di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Với bề dày văn hóa - lịch sử lâu đời, khu di tích đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong các chuyến tham quan, khám phá du lịch Hà Nội. Đây cũng là nơi mà các học trò, sĩ tử thường đến cầu may mắn trước mỗi kỳ thi quan trọng. Tuy nhiên, trải qua sự bào mòn của tự nhiên và những biến cố của lịch sử, đến nay, nhiều hạng mục của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã xuống cấp. Trong đó, phần Khuê Văn Các, các trụ đèn, xuống cấp nặng nề nhất.
Theo PV ghi nhận chiều 12/4, các trụ đèn trong khuôn viên di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội đã hư hỏng từ lâu, có thể là do người dân đá bóng, tập thể dục đụng trúng. Tuy nhiên, chúng không được thay thế, sửa chữa khiến di tích trở nên nhếch nhác, xấu xí.
Anh Nguyễn Văn Hải (23 tuổi, quận Hai Bà Trưng), người dân thường tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ: "Tôi thường xuyên tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám tham quan, chụp hình và có thấy khu vực Khuê Văn Các đang trong tình trạng xuống cấp, nhiều trụ đèn hư hỏng và biểu tượng quả cầu tròn đã bị mất. Do đó, tôi rất mong muốn công trình mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa của người Việt Nam sớm được phục hồi để lấy lại mỹ quan của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến".
"Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu di tích nổi tiếng, có yếu tố lịch sử, văn hóa rất lớn, còn Khuê Văn Các là biểu tượng của Hà Nội nên rất cần được tu bổ, sửa chữa kịp thời", anh Hải bày tỏ.
Trao đổi với báo chí về vấn đề trên, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, việc sớm tu bổ Khuê Văn Các là điều cần thiết, nhằm ngăn chặn sự xuống cấp, hư hỏng đang diễn ra.
Theo thông tin báo chí đăng tải, hình tượng mặt trời trên mái Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có khoảng trống ở giữa, khác lạ so với hình tượng mặt trời ở một số di tích kiến trúc cùng thời ở Huế, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc nhận định, khoảng trống ở giữa mặt trời trên Khuê Văn Các chắc chắn trước kia đã được bịt kín. Hai vật thể màu đỏ trông như 2 mảnh vỡ rất có thể là miếng bịt bằng thủy tinh màu đỏ đã bị vỡ còn sót lại.
Với chuyên môn của một nhà nghiên cứu về biểu tượng Mặt trời - Hoa cúc, một tượng trưng vương quyền của các triều đại quân chủ ở Việt Nam, ông Vũ Kim Lộc cho rằng, đây là vấn đề cần được các cơ quan chuyên môn, quản lý xem xét lại cho thấu đáo về biểu trưng Thủ đô của một đất nước hàng ngàn năm văn hiến.
Theo nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc, đối chiếu hiện trạng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám với một số hình tượng mặt trời được thể hiện trên các kiến trúc ở TP Huế, các mặt trời trên di tích ở Huế không có khoảng trống ở giữa như ở Khuê Văn Các. Các hiện vật này ở Huế đều được gắn bịt kín bằng một loại vật liệu, có lẽ là đá hay thủy tinh, rồi được sơn phết lên, tức là mặt trời gồm có hai bộ phận rời là vòng tròn kép và miếng bịt ở trong.
Trước những thông tin trên, Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: "Khuê Văn Các là hạng mục đang bị xuống cấp ở nhiều mức độ và nhiều vị trí, ở cả mức độ vật liệu, cấu kiện, cấu trúc, ảnh hưởng đến an toàn, thẩm mỹ và phát huy giá trị di tích. Việc tu bổ Khuê Văn Các và các hạng mục liên quan với công trình này là rất cần thiết, nhằm đảm bảo cho công trình quan trọng này tồn tại bền vững, bảo tồn những giá trị đặc sắc và tạo những điều kiện thuận lợi để khai thác, phát huy tối đa giá trị vốn có trong cuộc sống đương đại và tương lai…”.
Hiện nay, báo cáo đang được Sở KH&ĐT Hà Nội thẩm định, sau đó lấy ý kiến các cơ quan có thẩm quyền để trình HĐND thành phố vào kỳ họp sắp tới phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Ông Kiêu cũng nhấn mạnh, tình trạng xuống cấp ở Khuê Văn Các nói chung và trên hình tượng mặt trời nói riêng là vấn đề cần quan tâm, tuy nhiên phải có sự nghiên cứu cẩn thận. Trung tâm sẽ thảo luận, xin ý kiến các nhà khoa học cặn kẽ để có câu trả lời thoả đáng, khoa học.
Hình ảnh không gian bên trong di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội
Theo sử sách ghi lại, Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 để thờ các bậc tiên tổ của Nho học. Đến năm 1076, Quốc Tử Giám được xây dựng bên cạnh Văn Miếu và trở thành trường đại học đầu tiên của nước ta.
Khuê Văn Các được Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817) cho xây dựng vào năm 1805. Năm 1999, Khuê Văn Các chính thức được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Công trình là một lầu vuông 8 mái, gồm 4 mái thượng và 4 mái hạ, được xây trên một nền vuông lát gạch Bát Tràng xây cao hơn so với mặt đất khoảng 1m.
Tầng dưới là 4 cột trụ hình vuông với họa tiết cầu kỳ, bốn bề để trống. Tầng trên là kiến trúc gỗ 2 tầng, mái cũng gồm 2 tầng và được lợp ngói ống. Bốn cạnh gác có diềm gỗ được chạm trổ tinh vi, xung quanh là lan can hình con tiện. Ở bốn mặt gác trổ 4 cửa sổ tròn xung quanh có những thanh gỗ tỏa ra bốn phía, tượng trưng cho các tia sáng của sao Khuê.