Vàng “tặc” chiếm lĩnh núi Pá Phay
Theo chân người dân địa phương, phóng viên Pháp Luật Plus cải trang là người đi rừng tìm ong, đi bộ leo núi hơn 2 giờ mới đặt chân tới địa điểm các đối tượng dựng lán, đào hầm lò. Đặc biệt, tại thôn Nà Diềm quá trình khai thác các đối tượng xả nước tuyển vàng đục ngầu hòa vào nước uống của nhiều hộ dân dưới chân núi gây bức xúc.
Trước đó phản ánh đến Pháp luật Plus, người dân tại thôn Nà Diềm, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cho biết tình trạng khai thác vàng trái phép trên núi Pá Phay thời gian gần đây diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng nhiều lần vây bắt nhưng… thế nhưng “vàng tặc” vẫn hoạt động rầm rộ như thách thức chính quyền.
Thời điểm phóng viên có mặt tại hiện trường, các đối tượng đang mải miết đãi vàng, tiếng máy nổ "gầm rú" vang núi.
Tại hiện trường, vàng “tặc” kéo ống dẫn nước dài hàng trăm mét để dẫn vào lò tuyển vàng và sử dụng sinh hoạt, trước cửa hang máy móc để la liệt. Chất thải từ khai thác vàng thải ra trực tiếp khu vực sông suối, hủy hoại môi trường. Để khai thác lâu dài, phía trên mái lán trại các đối tượng phủ bạt, một chòi để máy móc, một chòi để ngủ và sinh hoạt.
Theo một người dân bản địa (xin dấu tên) cho hay, người đứng đầu nhóm này là một người tên T. cứ hàng tuần lại thuê 2 người dân tại địa phương thường xuyên phụ trách mang nhu yếu phẩm, phụ gia để chế thuốc nổ lên núi cung ứng cho các đối tượng.
Người này cũng cho hay, tình trạng khai thác vàng đã diễn ra từ năm 2020, lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức vây bắt nhưng đều không có kết quả.
Nguồn tin từ chính quyền xã Linh Hồ cho hay, mới đây nhất ngày 10/8, xã này đã tổ chức lực lượng lớn với hơn 40 người tờ mờ sáng lên núi vây bắt các đối tượng. Tuy nhiên, chỉ nhận được kết quả là các đối tượng khai thác vàng đã bỏ trốn, chỉ còn lại một số công cụ, máy móc, quần áo và chỉ có 2 người dân trông coi lán. Xã đã lập biên bản và trục xuất 2 người dân khỏi địa bàn.
Theo một cán bộ xã Linh Hồ cho biết, thực tế hàng năm xã cũng đã nhiều lần họp và tổ chức lực lượng truy bắt vàng “tặc”, nhưng điều lạ là lần nào lên đến nơi các đối tượng cũng không có mặt tại hiện trường?
Có thể thấy, mặc dù địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý, truy quét nhằm siết chặt thế nhưng “vàng tặc” vẫn hoạt động rầm rộ như thách thức chính quyền. Thêm vào đó, nạn “vàng tặc” dai dẳng tại huyện Vị Xuyên không chỉ làm thất thoát tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, biến dạng địa hình... mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Theo theo thống kê, tại huyện Vị Xuyên trong thời gian 7 tháng đầu năm 2021, toàn huyện có đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 trường hợp vi phạm do có hành vi vi phạm khai thác khoáng sản trái phép. Các vụ vi phạm hầu hết là cát, sỏi với số tiền xử phạt là 55.000.000 đồng. Đối với các cá nhân khai thác cát, sỏi trái pháp luật đã chấp hành tự tháo dỡ, di dời toàn bộ thiết bị máy móc, có liên quan ra khỏi vị trí khai thác.
Tại huyện Bắc Quang, trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng số vụ vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản là 4 vụ/ 5 cá nhân vi phạm. Tổng số tiền phạt là 40,4 triệu đồng. Hiện còn 2 vụ đang được cơ quan chức năng điều tra, xác minh.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.