Vang vọng trống đồng
Trên quê hương trống đồng Đông Sơn
NNƯT Thiều Quang Tùng (người mặc áo dài) cẩn thận kiểm tra trước khi thợ đổ đồng đã nấu vào khuôn đúc.
NNƯT Thiều Quang Tùng mở đầu câu chuyện về nghề đúc trống đồng vắn tắt rằng: “Ngấm vào máu từ bé!”. Và rồi vừa gia công hoàn thiện chiếc trống đồng mới tháo khuôn, ông vừa kể cho chúng tôi nghe về quê nhà của ông.
NNƯT Thiều Quang Tùng sinh năm 1965 tại làng Kim Sơn, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Quê ông có 2 di chỉ khảo cổ nổi tiếng đã được khai quật trong các năm 1975 và 1978 là di chỉ Đồng Ngầm và Đồng Vưng. Địa danh Đông Sơn cũng là nơi tìm thấy trống đồng nổi tiếng, từ đó gắn với danh xưng Trống đồng Đông Sơn.
Trong 2 cuộc khảo cổ ở xã Đông Tiến, khi đó ông Tùng được hơn 10 tuổi, ngôi nhà ông được các nhà khoa học, bảo tàng mượn ở nhờ. Vậy là ông có dịp nhìn thấy hiện vật, rồi lại theo các cô, các bác ra hố thám sát xem quá trình khai quật. Những mảnh hiện vật Đông Sơn, trong đó có trống đồng được phát lộ, trong lòng ông có sự thích thú lẫn tò mò lạ thường. Ông luôn nung nấu ý định tìm tòi điều bí mật dưới lòng đất từ đó.
Mới ngoài 20 tuổi, ông Tùng đã am hiểu sâu về văn hóa Đông Sơn, hiện vật của nền văn hóa này. Nhiều người biết vậy nên có hiện vật lại tìm đến ông để nhờ tư vấn, cung cấp thêm thông tin. Những gì biết ông nói ngay, không biết thì ông lại cố công tìm hiểu cho bằng được. Kiến thức của ông Tùng về văn hóa Đông Sơn ngày một sâu, rộng hơn. Rồi ông lại bắt tay vào sưu tầm hiện vật văn hóa Đông Sơn. Những mảnh hiện vật hư hỏng, trong đó có trống đồng, được nhiều người mang đến nhờ ông sửa chữa. Vốn là con nhà thợ mộc nên kỹ năng thợ của ông Tùng rất tốt. “Đồ đồng thì tôi còn chưa biết gì. Nhưng thấy hiện vật văn hóa Đông Sơn có giá trị lớn quá, những giá trị bị vỡ nát, mất mát do thời gian, xót lắm! Vậy nên tôi cố công tìm cách phục hồi”, NNƯT Thiều Quang Tùng nhớ lại.
Tự gắn cho mình trách nhiệm phải bảo tồn vốn quý của quê hương, ông Tùng bỏ hết công việc đi học nghề đúc đồng, rồi tìm đến các bảo tàng, nhà khoa học, khảo cổ để học hỏi thêm kiến thức, tra cứu thêm thông tin. Về việc đúc trống đồng, chưa có một tài liệu nào dạy, tất cả đều do ông Tùng mày mò, học hỏi mỗi nơi một chút với sự sáng tạo cá nhân. Dần dà đến năm 2005, ông hoàn thành quy trình đúc trống đồng, từ việc tạo tác khuôn, tỷ lệ đồng, cân chỉnh khuôn đến hoàn thiện…
Để có được quy trình đó, ông Tùng đã mất năm năm rưỡi vừa học vừa thực hành. Thời gian đó gắn liền với những lần thất bại liên tục: khi thì trống thủng, khi thì trống méo rộp, khi thì hoa văn không thể hiện… Ví như khi làm khuôn, chỉ cần tỷ lệ đất và trấu không hài hòa, trống đúc ra sẽ hỏng ngay. Nhưng tỷ lệ đó thì chẳng có ai dạy, chẳng có tài liệu nào ghi, tất cả đều do ông Tùng ghi nhận từ thất bại của bản thân. Trong khoảng thời gian năm năm rưỡi đó, ông Tùng đã từng phải bán nhà, đùm túm vợ con về nhà cha ruột dựng chòi ở tạm. Bởi vậy, NNƯT Thiều Quang Tùng vẫn dùng từ “sống chết với nghề” để nói về hành trình theo nghề đúc trống đồng của ông.
Trống đồng vọng mãi
Dịp Cần Thơ khánh thành công trình Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch), một đơn vị đã cung tiến vật phẩm là Bộ trống Cửu Long gồm 9 trống đồng, một lá đại kỳ hình vuông cạnh dài 18m. Trong đó, Bộ trống Cửu Long được tổ chức đúc tại địa điểm gần Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ, do NNƯT Thiều Quang Tùng chủ sự, thu hút nhiều người dân đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Lửa đúc trống đồng được cung thỉnh từ lửa thiêng Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ để làm lễ chập lò. Những khối đồng được nung trong lò đến độ thăng hoa sẽ nung chảy hoàn toàn. Những giọt đồng đỏ au được rót từ từ vào khuôn trống đồng. Đây là công đoạn cũng là nghi lễ trang trọng nhất của nghề đúc đồng truyền thống. Tất cả được NNƯT Thiều Quang Tùng cùng các cộng sự thực hiện chu đáo, vẹn toàn, trong sự cảm phục của nhiều người. Sau hơn 3 giờ, chính ông Tùng đã tháo khuôn đúc, lộ ra dáng hình chiếc trống đồng đầu tiên. Nhiều người bày tỏ sự xúc động khi lần đầu được chứng kiến hoạt động này. Chị Lê Thị Cẩm Thúy, người dân phường An Thới, quận Bình Thủy, đến xem và chia sẻ: “Các nghệ nhân thật giỏi nghề và khéo léo. Lần đầu tiên nhìn cảnh đúc trống đồng - chiếc trống thiêng liêng của dân tộc ta, tôi xúc động lắm”.
Nói về lần đầu tiên “Nam tiến” đúc trống đồng, NNƯT Thiều Quang Tùng cho biết: “Được lời mời của công ty đại diện đơn vị cung tiến, tôi rất băn khoăn vì đường xá xa xôi, dụng cụ đúc đồng lại nặng nề, nhiều thứ. Nhưng nghĩ lại, tôi vinh dự được góp một phần công sức cho công trình Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ, là người đầu tiên đúc trống đồng tại ĐBSCL nên tôi nhận lời”. Khuôn đúc được ông Tùng chuẩn bị từ nhiều ngày trước, vào Cần Thơ chỉ thực hiện công việc nấu đồng, đổ đồng vào khuôn đúc và gia công hậu kỳ. Ông Tùng chia sẻ thêm: “Trống đồng từ hàng ngàn năm xưa là tiếng trống thể hiện uy quyền của bậc đế vương, của người thủ lĩnh. Trong lịch sử dân tộc ta, tiếng trống đồng là tiếng hiệu triệu thiêng liêng. Trống đồng được đúc ngay tại Cần Thơ, thành phố trung tâm miền Tây Nam Bộ và được gióng lên ngay tại Đền thờ Quốc Tổ thì thật ý nghĩa, đó là tiếng trống của sự đoàn kết, hội tụ linh khí, hội tụ nhân tâm”.
Đến nay, ngoài danh hiệu NNƯT được Chủ tịch nước phong tặng vào năm 2016, ông Tùng còn xác lập hàng loạt kỷ lục khi là người đầu tiên đúc trống đồng, người đầu tiên thể hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lên trống đồng, người đầu tiên thể hiện các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam lên trống đồng, bộ trống đồng nhiều nhất Việt Nam, trống đồng khắc họa 1.000 con rồng thời Lý… và tham gia trình diễn đúc trống đồng tại hàng loạt sự kiện, lễ hội quan trọng của đất nước.
NNƯT Thiều Quang Tùng chia sẻ về các bộ trống đồng để đời của ông. Đầu tiên đó là trống đồng và kiếm lệnh đúc dâng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2008. Sau đó là trống đồng dâng kính tại Khu tưởng niệm cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc tại tỉnh Đồng Tháp; nhiều khu di tích tưởng niệm Bác Hồ tại Việt Nam, Lào… Bộ trống 100 chiếc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó có chiếc trống lập kỷ lục khắc họa hình tượng 1.000 con rồng thời Lý, hiện đang được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)… Hay gần đây là bộ trống 16 chiếc trống đồng “Hào khí non sông”, chào mừng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐNDcác cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, có 1 chiếc trống đồng đại “Hào khí non sông” đường kính 100cm trọng lượng khoảng 250-300kg, trên thân trong khắc họa 15 kỳ Quốc hội Việt Nam và 15 chiếc trống đồng “Hào khí non sông” có đường kính 60cm thể hiện dấu ấn kỳ Quốc hội khóa XV.
Ngẫm lại hành trình khôi phục và duy trì nghề đúc trống đồng, NNƯT Thiều Quang Tùng đúc kết rằng: “Phải đam mê mới theo đuổi đến giờ này, chứ nếu làm vì kinh tế thì chắc tôi đã bỏ cuộc từ lâu”. Quả vậy, mỗi chiếc trống đồng ông đúc nên là cả một niềm tự hào với ông, và với những người tiếp nhận, thưởng thức. Ông vui vì hiện người con trai lớn của ông và đông đảo anh em, con cháu trong họ tộc đều theo ông học nghề và làm nghề. Ngọn lửa nghề đúc trống đồng nhờ vậy mà được duy trì mãi từ ngọn lửa lớn Thiều Quang Tùng.