Vay mua nhà ở xã hội, người thu nhập thấp sẽ phải chịu lãi suất 8,2%/năm: Liệu có hấp dẫn?
Mới đây, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Ngay sau đó, NHNN đã ra văn bản 2308, triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Trong văn bản này, NHNN chính thức công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, để hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội. Thời hạn giải ngân gói hỗ trợ này sẽ không quá ngày 31/12/2030, tức là còn hơn 7 năm nữa.
Các chủ đầu tư khi phát triển nhà ở xã hội sẽ được vay tín dụng với lãi suất 8,7%/năm, được áp dụng đến hết ngày 30/6. Trong khi đó, người mua nhà sẽ được hưởng lãi suất 8,2%/năm, cũng áp dụng từ đến hết ngày 30/6.
Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 06 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết: Trong Quyết định số 2081 được NHNN ban hành vào cuối năm 2022, quy định mức lãi suất vay ưu đãi dành cho người mua nhà ở xã hội là 5%. Mức lãi suất này được áp dụng trong năm 2023.
Như vậy, trong văn bản mới nhất, người mua nhà ở xã hội khi vay sẽ phải chịu lãi suất 8,2%/năm, theo ông Châu mức lãi suất này là rất cao.
Đặc biệt, trong văn bản 2308, NHNN cho biết, mức lãi suất ưu đãi sẽ được áp dụng trong 5 năm đối với người mua nhà ở xã hội. Tức là, trong 5 năm này, mức lãi suất sẽ luôn là 8,2%/năm. Sau khi hết 5 năm, các ngân hàng thương mại và khách hàng sẽ tự thỏa thuận, thống nhất mức lãi suất.
Điều này có thể dẫn đến rủi ro cho người mua nhà ở xã hội, bởi họ là bên yếu thế khi phải thương lượng, thỏa thuận với ngân hàng thương mại.
“Thời gian ưu đãi là 5 năm là quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài, như Luật Nhà ở 2014 quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm”, ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA cho rằng: Nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi thì người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường thì đây sẽ là “gánh nặng” cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động. Do đó, ông Châu đề nghị NHNN xem xét để xây dựng hoàn thiện cơ chế này cho hợp tình hợp lý hơn.
Đồng tình với nhận định này, ông Lê Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản cho rằng: Nếu so với khách hàng mua nhà ở thương mại vay tín dụng, mức lãi suất hiện nay dao động trong khoảng 11%/năm - 13%/năm. Như vậy, mức lãi suất 8,2%/năm là rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, đối tượng mua nhà ở xã hội là người có thu nhập thấp, với những đối tượng này, mức lãi suất 8,2%/năm là rất cao. Chưa kể sau 5 năm, họ phải tự thỏa thuận với các ngân hàng thương mại, chắc chắn họ sẽ bị thiệt thòi.
“Trong mối quan hệ vay thế chấp, ngân hàng sẽ nắm đằng chuôi. Nếu đặt giả thuyết, sau 5 năm gói hỗ trợ tín dụng hết hiệu lực, ngân hàng ép khách hàng mua nhà ở xã hội trả với lãi suất cao, thì với đối tượng người có thu nhập thấp lấy đâu ra mà trả. Trong khi đó, NHNN không quy định mức lãi suất trần để người dân có thể yên tâm vay mua nhà”, ông Tuấn cho biết.
Ông Tuấn nói rằng: Trên thực tế, đối với dòng nhà ở thương mại, các chủ đầu tư hiện nay đều có chương trình hỗ trợ lãi suất trong 12 - 24 tháng, khách hàng chỉ cần trả gốc mà không cần lo tới lãi. Sau khi hết ưu đãi, lãi suất sẽ được thả nổi trên thị trường.
“Như vậy, nếu so với dòng nhà ở thương mại, các chương trình ưu đãi cho nhà ở xã hội có phần hấp dẫn hơn, nhưng vẫn mông lung và chưa thật sự hấp dẫn”, ông Tuấn chia sẻ.
Nguyên tắc cho vay gói ưu đãi khi mua nhà ở xã hội, NHNN quy định: Mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại Chương trình này 1 lần để mua 1 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định, mỗi dự án của Chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại Chương trình này 1 lần.