Về Thủ Đô nghe tiếng “chiêng Mường” đồng vọng
Nhạc khí linh thiêng
Tiếng cồng bản Mường, âm vang rừng núi
Mãi còn đây nền văn hóa quê mình
Tiếng cồng bản Mường, trao nhau lời thương
Ta tìm nhau trong đêm hội cồng chiêng…
Giọng hát vừa lắng xuống, tay trái nghệ nhân xách chiêng, tay phải cầm dùi gỗ chạm gõ nơi núm chiêng. Mặt chiêng rung lên từng hồi, âm thanh khẽ ngân nga, lan ra nương ngô, nương lúa trước nhà, len vào rừng cây, toả khắp làng trên xóm dưới. Thật diệu kì, chỉ một chuỗi âm thanh cất lên trong cuộc sống bình dị đời thường mà cảm giác như đang vọng đến từ một nguồn mạch sâu xa nào đó, làm say lòng người, làm vui ấm bản.
Tiếng chiêng Mường không mang nét cuồng nhiệt, hào hùng của những chàng Đam San nơi đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, mà toát lên vẻ dịu dàng, đằm thắm của người con gái xứ Mường nơi mảnh đất Thủ đô…Một bộ cồng chiêng của người Mường ở Thạch Thất có từ 12 đến 17 chiếc, nhưng thường là 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm.
Trong căn nhà nhỏ ở cuối thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội, chúng tôi có dịp trò chuyện với Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân. Dù đã bước sang tuổi lục tuần, nhưng bà Thìn vẫn miệt mài truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho thế hệ trẻ nơi đây.
Cả cuộc đời bà Thìn gắn bó với miền đất Đồng Dâu, với tiếng chiêng của bản làng mình. Gắn bó với tiếng chiêng từ thuở còn bé, bà càng say câu hát, càng mến tiếng nhạc, cứ nghe tiếng chiêng lại thấy náo nức trong lòng, bà Thìn nói.
Năm 1974, bà Thìn trúng tuyển lớp đạo diễn sân khấu, bà là khóa sinh viên đầu tiên của Trường Lý luận nghiệp vụ trực thuộc Bộ Văn hóa (tiền thân của Trường Đại học Văn hóa ngày nay). Ra trường, bà Thìn đã trải qua nhiều môi trường công tác, từ Sở Văn hóa tỉnh Hà Sơn Bình, Phòng văn hoá huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) và đến năm 1996, bà tham gia Ban Văn hoá xã Tiến Xuân.
Năm 2009, bà và một số chị em được tham gia đoàn biểu diễn của Thủ đô Hà Nội đi dự Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Được biểu diễn trên sân khấu lớn, bà càng thêm tự hào văn hóa cồng chiêng đặc sắc của dân tộc mình.
Với sự chung tay của tất cả mọi người, tháng 10-2014 Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng và hát dân ca xã Tiến Xuân chính thức ra mắt trong niềm vui của người dân. Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn được đề bạt làm chủ nhiệm. CLB chia làm ba đội ở ba thôn Miễu 1-2, thôn Cố Ðụng 1-2 và thôn Ðồng Dâu.
Năm 2015, ngay khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cùng phần thưởng 10 triệu là đồng, Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn đã bỏ thêm tiền để mua 1 bộ chiêng về phục vụ cho việc truyền dạy cho người dân.
Bà Thìn chia sẻ với chúng tôi bằng một giọng nói đầy tự hào: “Khi tiếng chiêng cất lên, nó như linh hồn của người Mường, sôi động, ấm cúng, chính vì vậy mà bà con dân tộc Mường luôn luôn nhắc nhở nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong thời điểm nào vẫn phải giữ gìn tiếng cồng chiêng thiêng liêng của dân tộc mình”.
Thăng trầm Chiêng Mường
Nếu như cồng chiêng Tây Nguyên được được biết đến là nét đặc trưng văn hóa nghệ thuật chung cho cả một vùng miền với hơn mười tộc người, thì cồng chiêng Mường ở Hà Nội chỉ là của một tộc người, nhưng không vì thế mà trở nên đơn điệu, nghèo nàn. Trái lại cồng chiêng Mường ở Hà Nội vô cùng đa dạng với nhiều kiểu kết hợp múa, hát,... sáng tạo.
Tiếng chiêng mường len lỏi khắp dãy Viên Nam - dải núi ôm ấp những bản làng người Mường. Đặc sắc là vậy, thế nhưng đã có những giai đoạn cồng chiêng Mường dần đi vào quên lãng, mai một.
"Trước đây, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều hộ gia đình khó khăn nơi đây đã bán cồng chiêng của mình để sinh sống. Sau này khi hòa bình lập lại, số cồng chiêng trong bản mường không còn nhiều, trong khi người già biết chơi cồng chiêng thì dần mất đi, thế hệ trẻ kế cận ít người quan tâm nên văn hóa cồng chiêng ở đây dần mai một. Hơn 10 năm trước, khi một số xã của huyện Lương Sơn hợp nhất về với thành phố Hà Nội, được sự quan tâm của huyện Thạch Thất, văn hóa cồng chiêng mới được khôi phục lại”, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn chia sẻ.
Xã Tiến Xuân có đến 70% dân số là người Mường và hiện có khoảng 30 bộ chiêng. Nhớ được nhịp chiêng, cách đánh, người học còn phải chăm chỉ luyện tập hàng ngày, hàng tuần thì những nốt chiêng mới trở nên mềm mại, uyển chuyển. Vì thế hiện tại, nghệ nhân Thìn mới cố gắng phổ cập được trong làng ngoài xã hai bài “Bông trắng bông vàng” và “Sắc bùa” – những bài chiêng truyền thống của người Mường.
Ở tuổi thất thập, bà luôn đau đáu làm sao có thể dốc hết tình yêu cồng chiêng để truyền lại cho các thế hệ sau, để khỏi tiếc xót khi vốn văn hoá dân gian ngày càng rơi rụng? Nghệ nhân Bích Thìn đã dành nhiều tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Không chỉ dạy cách đánh chiêng, bà Thìn còn giải thích cho các bạn trẻ về văn hóa cồng chiêng.
Tiếng cồng chiêng không chỉ là âm thanh được nghe bằng thính giác, mà nó còn được người dân nơi đây cảm nhận bằng cả trái tim, là chứng nhân lịch sử tồn tại từ thời chiến cho đến thời bình, cùng vui cùng buồn với người dân Tiến Xuân.
Tiếng cồng chiêng giữa nhịp sống đương đại đã góp thêm vào bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bà con người Mường ở Tiến Xuân luôn tin tưởng vốn văn hóa độc đáo ấy sẽ được lưu truyền và tỏa sáng, bởi ở đó có những nghệ nhân tài hoa, tâm huyết như bà Thìn.