Vén màn bí ẩn về bản dịch Sử ký Tư Mã Thiên của Nhượng Tống năm 1944
Cuốn Sử ký Tư Mã Thiên do Nhượng Tống dịch, xuất bản lần đầu năm 1944
Như tôi được biết, bản dịch Sử ký Tư Mã Thiên của Nhượng Tống có một bí ẩn rất lớn về văn bản nguồn. Bản thân ông cũng có viết khá chi tiết về vấn đề này trong ấn phẩm mới tái bản. Vậy xin ông cho biết thêm về bí ẩn đó?
Đúng như những gì anh nói. Bản dịch Sử ký Tư Mã Thiên của Nhượng Tống có điểm khúc mắc lớn nhất là văn bản nguồn. Sở dĩ nói vậy vì bản dịch này tương đối ngắn mà các phần trong đó lại không thống nhất. Phần thì có sự xuất hiện của Lâm Tây Trọng, phần thì không. Phần thì trích đoạn cuối, phần thì lấy đoạn đầu, nhưng cũng có phần lấy đoạn giữa từ các văn bản trong Sử ký ra để dịch. Thậm chí có phần còn mang dấu hiệu không phải văn của Tư Mã Thiên.
Điều này phần nào cho thấy Nhượng Tống không căn cứ hoàn toàn vào bản gốc Sử ký của Tư Mã Thiên, mà có khả năng ông đã sử dụng nhiều nguồn để dịch, kể cả nguồn không hẳn là Sử ký.
Vậy trong suốt thời gian từ khi bản dịch của Nhượng Tống ra đời cho đến nay, chưa có ai nhận ra điều này?
Thực ra vào năm 2016, trên blog Nhị Linh, một tài khoản tên Quach Hien – theo như tôi nghe nói là Quách Hiền, một nhà nghiên cứu – đã chỉ ra nguồn gốc bản dịch của Nhượng Tống là quyển thứ 8 trong bộ sách Cổ văn tích nghĩa của Lâm Tây Trọng. Từ sau Quách Hiền cho đến trước khi bản hiệu khảo của tôi được công bố thì xem chừng vẫn chưa có thêm một phát hiện nào mới liên quan đến vấn đề này.
Vậy ông có thể cho biết trong bản hiệu khảo có thêm những thông tin nào mới liên quan đến văn bản nguồn?
Trong bài viết nhỏ của tôi ở cuối sách, tôi dành phần lớn dung lượng để nói đến Cổ văn tích nghĩa. Một mặt tôi kế thừa phát hiện của Quách Hiền, mặt khác tôi chỉ ra những “lỗ hổng” về mặt văn bản khi so sánh Cổ văn tích nghĩa với bản dịch của Nhượng Tống.
Thứ nhất, dịch giả không chỉ dùng quyển 8 Cổ văn tích nghĩa mà còn dùng thêm một văn bản nữa ở quyển thứ 9, đó là Lời tán về truyện Tư Mã Thiên, vốn được rút ra từ Hán thư của Ban Cố.
Thứ hai, nhiều phần trong bản dịch không có “Lời bàn của Lâm Tây Trọng” thì tôi xác định là lấy từ nguồn khác Cổ văn tích nghĩa. Về cơ bản, nhiều phần được dịch từ Sử ký nhưng có lược bớt ít nhiều, như Thế gia Ngô Thái Bá, Thế gia Lưu Hầu, Truyện tướng quân Lý Quảng…
Xem ra bản dịch này một phần được dịch từ Cổ văn tích nghĩa của Lâm Tây Trọng, một phần là Sử ký nhưng có lược bớt. Nhưng liệu rằng Nhượng Tống có chỉ dùng đúng hai nguồn đó thôi không?
Vâng, như anh đoán. Dù đã xác định được các phần không phải dịch từ Cổ văn tích nghĩa cũng như có phần dịch từ Sử ký, nhưng vẫn có bốn phần mang dấu hiệu lạ, là Bữa tiệc Hồng Môn, Trận Cai Hạ, Thế gia thày Khổng và Hàn Tín khi về Hán.
Trong quá trình so sánh, đối chiếu, tôi nhận thấy các phần này không hẳn là Sử ký của Tư Mã Thiên. Cụ thể:
Phần Bữa tiệc Hồng Môn và Hàn Tín khi về Hán có dấu hiệu được dịch từ Tư trị thông giám.
Phần Trận Cai Hạ là thú vị nhất. Văn bản này có đoạn đầu mang dấu vết của Tư trị thông giám, nhưng đoạn giữa lại xuất hiện bài thơ của Hạng Vũ, vốn chỉ được chép trong Sử ký mà sau này các sách như Hán thư hay Tư trị thông giám không đưa vào.
Xin nói thêm, ba văn bản này được tôi chọn để tìm tranh tương ứng rồi đưa lên bìa sách với ý tưởng “Tư Mã này là Tư Mã nào?”, như vậy cũng là ngầm nói đến việc Nhượng Tống có sử dụng văn bản của Tư Mã Quang.
Cuối cùng là phần Thế gia thày Khổng. Văn bản này có đoạn đầu trình bày khác trật tự so với Sử ký. Đoạn cuối lại tính thời gian khác hẳn với văn của Tư Mã Thiên. Đến phần “Lời tán” là được lấy từ Cổ văn tích nghĩa. Tôi cho rằng đây là phần khó xác định được văn bản nguồn nhất. Mới đây, trong lúc nói chuyện về văn bản này, thầy Cúc Hiên trong ngành Hán – Nôm có bảo tôi thử so với Luận ngữ xem. Tôi có so và xem chừng cũng không phải Nhượng Tống lấy nguồn dịch từ sách này.
Nếu như vậy, tại sao ông không đưa ra kết luận cụ thể về văn bản nguồn?
Sở dĩ tôi không đưa ra kết luận chính thức mà chỉ nêu ra các khả năng là vì tự biết bản thân chưa đủ khả năng để làm việc ấy. Tôi không phải người trong ngành nghiên cứu lịch sử hay Hán – Nôm nên không rõ liệu rằng có sách nào đó viết đúng như những gì mà Nhượng Tống đã dịch.
Công việc ấy xin đành nhường cho những ai quan tâm đến bản dịch, đến dịch giả. Tôi chỉ xin đóng góp một chút sức mọn trong việc nêu ra các dấu hiệu không phải Sử ký ở một số phần mà thôi.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ quý giá!