Vi phạm trật tự xây dựng khủng, UBND TP Thủ Đức bao giờ xử lý dứt điểm?
Xử lý vi phạm trật tự xây dựng là một trong những chức năng quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng đã được phân rõ trong các quy định, chính sách của Nhà nước.
Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo hoạt động xây dựng được diễn ra đúng trình tự, tuân thủ theo kế hoạch, quy hoạch, thiết kế, phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như hạn chế những tiêu cực nảy sinh. Đồng thời, có tính răn đe, đảm bảo kỷ cương, chấp hành các chính sách liên quan đến xây dựng.
Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình được bàn giao đưa vào sử dụng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm.
Theo khoản 5, Điều 15 - Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng có nêu rõ:
“5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.”
Cùng với đó, điểm d, khoản 12, Điều 15 nghị định này cũng quy định: Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng xây dựng không phép.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của UBND cấp xã, huyện, tỉnh trong việc quản lý hoạt động xây dựng.
Trong đó, vai trò của UBND cấp huyện và xã là vô cùng quan trọng. Theo đó, UBND cấp huyện, xã phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Tổ chức thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Qua nghiên cứu, quan sát thực tế tại UBND phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức, TP. HCM, phóng viên được biết tại dự án khu nhà ở Linh Trung, có địa chỉ số 481 - Xa Lộ Hà Nội, phường Linh Trung vẫn tồn tại một căn biệt thự “khủng” được xây dựng với quy mô lớn nhưng hoàn toàn không phép.
Tìm hiểu và nghiên cứu của phóng viên về tài liệu thu thập được, căn nhà trên là căn nhà mẫu do Công ty TNHH sản xuất vật liệu, xây dựng Phú Đức (Công ty Phú Đức) xây dựng vào trước năm 2007 để phục vụ dự án Khu nhà ở tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM do công ty này là chủ đầu tư.
Tuy nhiên, việc xây dựng căn nhà mẫu này, lãnh đạo Công ty Phú Đức cho biết đã không làm thủ tục xin giấy phép xây dựng.
Do vậy, đến ngày 31/12/2020, UBND quận Thủ Đức đã có quyết định số 8735/QĐ-UBND quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình biệt thự vi phạm này.
Trước quyết định trên của UBND quận Thủ Đức, Công ty Phú Đức đã chấp hành và tiến hành tự nguyện phá dỡ công trình và mời chính quyền địa phương đến chứng kiến, ghi nhận việc tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư. Đồng thời, Công ty Phú Đức dán thông báo yêu cầu những người ở trong biệt thự ra ngoài.
Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 5/6/2020, việc tháo dỡ phải dừng lại do một số cá nhân cư trú bên trong biệt thự cản trở.
Sau đó xảy ra tình hình mất an ninh trật tự và lực lượng công an phường Linh Trung xuất hiện, đưa người và tang vật lên trụ sở công an phường.
Với tinh thần ý thức việc vi phạm xây dựng và tuân thủ theo quy định của pháp luật, Công ty Phú Đức đã nhiều lần làm đơn đề nghị tới chính quyền yêu cầu hỗ trợ, giám sát việc tiến hành tháo dỡ căn nhà mẫu vi phạm xây dựng.
Đến ngày 28/10/2021, sau nhiều lần đơn thư khiếu nại, UBND TP Thủ Đức đã ban hành quyết định số 6183/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án phá dỡ công trình vi phạm này của Công ty Phú Đức.
Một điều đáng ngạc nhiên là, mặc dù UBND TP Thủ Đức đã có 02 văn bản kể trên yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm này, thế nhưng không những công trình trên không bị tháo dỡ mà những người ở bên trong vẫn tiến hành tiếp tục xây dựng, nâng cấp căn nhà.
Theo ghi nhận trực tiếp của phóng viên, thời điểm tháng 12/2022, tại căn biệt thự này vẫn có nhiều công nhân đang tiến hành xây dựng thêm các hạng mục mới.
Công ty Phú Đức đã nhiều lần làm đơn yêu cầu UBND phường Linh Trung, UBND TP Thủ Đức nhanh chóng vào cuộc, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý trật tự xây dựng nhằm bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như đảm bảo hoạt động xây dựng được diễn ra đúng trình tự quy định của pháp luật và hạn chế những tiêu cực nảy sinh.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam vào chiều ngày 14/2, ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND phường Linh Trung cho biết: "Việc vi phạm trật tự xây dựng của Công ty Phú Đức và ông Đinh Thái Quang đã được chính quyền phường và Thành phố lập biên bản và ra quyết định cưỡng chế. Chính quyền đã tách bạch từng phần vi phạm của Công ty Phú Đức và ông Đinh Thái Quang để xử lý".
"Hiện nay, UBND TP Thủ Đức và phường Linh Trung đang xây dựng phương án để xử lý cưỡng chế công trình vi phạm này", ông Hưng cho hay.
Có thể thấy từ những tình tiết của sự việc, công trình vi phạm trật tự xây dựng đã bị phát hiện và có 02 văn bản cưỡng chế tháo dỡ, thế nhưng sau nhiều năm, cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành tháo dỡ, thậm chí còn để vi phạm xây dựng tiếp tục xảy ra tại chính công trình vi phạm đó, phải chăng là do lãnh đạo nơi đây vẫn chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định.
Cũng như trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.