1. Trang chủ /
  2. Vì sao gỗ rừng trồng khó chứng minh tính hợp pháp?

Vì sao gỗ rừng trồng khó chứng minh tính hợp pháp?

thứ sáu, 23/9/2022 10:48 GMT+07
Một trong những yêu cầu về hồ sơ để xác minh nguồn gốc gỗ theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nhưng thực tế, rất nhiều đất trồng rừng vẫn chưa được cấp loại giấy tờ này.

Nhiều bất cập

Báo cáo về tính pháp lý của gỗ nguyên liệu rừng trồng Việt Nam vừa được Tổ chức Forest Trends công bố đã chỉ ra nghịch lý của gỗ rừng trồng của Việt Nam hiện nay. TS.Tô Xuân Phúc, chuyên gia Forest Trends cho biết, trong số 4 triệu ha rừng sản xuất ở Việt Nam, có 1,45 triệu ha rừng sản xuất được giao cho 1,1 triệu hộ nhận đất. Nguồn cung này hiện chiếm 50 - 60% trong tổng lượng cung gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước.

“Quan niệm phổ biến trên thế giới hiện nay cho rằng gỗ rừng trồng luôn là gỗ hợp pháp và rủi ro về mặt pháp lý đối với loại gỗ này rất thấp hoặc thậm chí không có thì thực tế ở Việt Nam, tính pháp lý của gỗ nguyên liệu rừng trồng phức tạp hơn rất nhiều. Nhiều sản phẩm gỗ rừng trồng thu hoạch nhưng chủ rừng lại không thể chứng minh được tính hợp pháp của gỗ. Dẫn đến nghịch lý nhiều sản phẩm gỗ thu hoạch từ rừng trồng lại đang trở thành gỗ bất hợp pháp” - TS Phúc nói.

Theo TS Phúc, các yếu tố dẫn đến tính phức tạp nói trên rất đa dạng, bao gồm mộtsố diện tích đất giao cho hộ và công ty lâm nghiệp chưa được cấp sổ đỏ; một số diện tích đã được cấp sổ, tuy nhiên diện tích và vị trí bản đồ trong sổ đỏ không khớp với thực tế; giao dịch đất đai diễn ra giữa công ty lâm nghiệp và các hộ dân địa phương theo hình thức khoán cả chính thức và phi chính thức trong đó thiếu các bằng chứng về tính hợp pháp của các giao dịch này;mua bán đất diễn ra giữa các hộ theo hình thức hợp đồng “miệng” và giấy viết tay, không có những bằng chứng pháp lý theo luật định.

“Sự thiếu hụt các bằng chứng pháp lý về đất đai và trong các giao dịch dẫn tới việc xác định tính hợp pháp của gỗ rừng trồng trên các diện tích đất này trở nên rất khó khăn và trong một số trường hợp là không thể...” - TS Tô Xuân Phúc chia sẻ.

Thông tin từ một số DN hiện đang liên kết với các hộ nhằmtrồng rừng và phát triển gỗ lớn cho biết chỉ có khoảng 40% số hộ liên kết đã được cấp sổ đỏ, phần còn lại (60%) chưa được cấp. Thiếu sổ đỏ đồng nghĩa với việc hộ không có bằng chứng pháp lý đểminh chứng việc hộ là chủ thể hợp pháp của nguồn đất trồng rừng. Tuy nhiên, TS Tô Xuân Phúc cho rằng tính chính xác của con số này cần được kiểm chứng, bởi diện tích rừng trồng là rừng sản xuất của các hộ là 1,1 triệu ha và diện tích của các công ty lâm nghiệp là chưa tới 0,4 triệu ha.Bên cạnh đó, trong số diện tích 0,4 triệu ha mà công ty đang quản lý đã có một phần diện tích được giao khoán cho các hộ. Do vậy, lượng cung gỗ từ các diện tích đấtmà các công ty lâmnghiệp thực sự quản lý và sử dụng còn thấp hơn. Ngoài ra, một phần diện tích của các công ty đã bị các hộ xâm lấn và sử dụng lâu dài mặc dù trên sổ sách các diện tích này vẫn thuộc công ty.

Trong khi đó, theo ông Đỗ XuânLập,Chủ tịch Hiệp hộiGỗ và LâmsảnViệt Nam, hiện các DN có các sản phẩm gỗ xuất khẩu (XK) có sử dụng gỗ rừng trồng đang gặp phải khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) do ách tắc trong việc xác định nguồn gốc gỗ rừng trồng và tính pháp lý trong các giao dịch ở các khâu trung gian trong chuỗi cung…

Sửa theo hướng nào?

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT (Thông tư 27) quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản được ban hành nhằm tạo thông thoáng trong lưu thông gỗ. Tuy nhiên, chính sự thông thoáng này gây khó khăn trong xác nhận nguồn gốc trong quá trình XK. Hiện Bộ NN&PTNT đang soạn thảo Thông tư thay thế.

Theo chuyên gia ForestTrends, đúng là hiện tại việc xác minh nguồn gốc gỗ theo tinh thần của Thông tư 27 tương đối đơn giản. Tuy nhiên, tồn lại lớn nhất hiện nay là nhiều hộ gia đình được giao đất trồng rừng đã lâu nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Còn DN XK, với việc mua gỗ từ người trồng rừng, không được cung cấp hóa đơn tài chính và các giấy tờ khác theo quy định, nhiều DN đã không được hoàn thuế GTGT.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc, TS. Tô Xuân Phúc kiến nghị, để xác minh nguồn gốc gỗ, chính quyền địa phương cần xác nhận tính hợp pháp của chủ hộ dựa trên các diện tích đất trồng trong ngắn hạn. Trong dài hạn, cơ quan quản lý cần thực hiện cấp sổ đỏ, điều chỉnh sai sót giữa sổ đỏ và thực địa, hợp pháp hóa những diện tích canh tác lâu năm. “Đây không chỉ đơn thuần là việc của chủ rừng, mà còn là minh bạch hóa nguồn đầu vào cho một ngành XK tỷ USD của Việt Nam” - chuyên gia Forest Trends nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần thúc đẩy chuyển đổi các cá nhân/hộ tham gia chuỗi cung gỗ rừng trồng từ tự phát, phi chính thống như hiện nay sang chính thống như hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, hoặc doanh nghiệp. Chính quyền địa phương cần có cơ chế hỗ trợ các hộ thực hiện việc chuyển đổi…

“Thông tư mới muốn đi vào thực tiễn, cần phải bao hàm được tâm tư, nguyện vọng của đại diện số đông các bên tham gia chuỗi cung. Đây sẽ là văn bản pháp luật rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến DN khai thác, vận chuyển chế biến gỗ, đồng thời có vai trò rất quan trọng trong việc hài hòa với các quy định quốc tế mà Việt Nam đã cam kết” - ông Bùi Chính Nghĩa.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 266 ra ngày 23/9/2022)