Vì sao MV mới của Chi Pu bị chê thảm họa?
Trong MV Sashimi, Chi Pu đóng vai bà chủ quán sashimi nhiệt tình mời chào thực khách trên nền nhạc Pop Dance sôi động. MV này vẫn sử dụng chung một công thức quen thuộc, là đầu tư mạnh tay về hình ảnh và âm nhạc để bù đắp vào giọng hát còn quá nhiều khiếm khuyết của hot girl Hà thành.
Đầu tiên phải kể đến ca từ tẻ nhạt, sáo rỗng, lặp đi lặp lại đoạn điệp khúc: “Ở đây chúng em có sashimi/ Chúng em có sashimi/ Ở đây chúng em có sashimi/ So tươi so yummy". Những câu hát này khiến khán giả nghĩ đến Chi Pu dường như đang quảng cáo cho một nhãn hàng nào đó.
Tiếp theo đó, sản phẩm mới này vẫn cho thấy giọng hát của Chi Pu không có tiến bộ, thậm chí còn bị chê hơn một số sản phẩm trước. Cụ thể, ca khúc có câu: “Mời anh mở cửa bước vào/ Cửa em thì không khóa đâu/Giày anh để ngay ngắn này/ Ở trên phía này/Em mời anh một ly mát-cha đầy...”, “Phòng em thì hơi khó tìm/Phải lên tầng 3 rẽ phải đến 3 lần/Mời anh mở cửa bước vào/Anh thấy thế nào...”. Tuy đều là những câu hát đơn giản nhưng Chi Pu hát như đọc khiến khán giả khó có thể tiếp nhận được.
Đáng nói hơn, phần ca từ của ca khúc “Sashimi” tuy là lời chào mời của một chủ quán với khách hàng nhưng dễ khiến công chúng liên tưởng đến nội dung phản cảm, dung tục. Đặc biệt là phần rap giữa bài có các câu: “Ở đây chúng em có rất nhiều loại sashimi... Anh muốn ăn tươi nuốt sống thì…
Gây bức xúc nhất có lẽ là điệp khúc “Ở đây chúng em có sashimi, sashimi kimochi”. Có khán giả cho rằng nhạc sĩ không nên dùng từ nhạy cảm “kimochi” trong tiếng Nhật vì từ này đa nghĩa, một trong số đó là miêu tả sự thỏa mãn của con người về tình dục. Đưa từ này vào bài hát, cộng với động tác vũ đạo gợi hình tượng phản cảm, dễ khiến khán giả liên tưởng đến nghĩa nhạy cảm kia.
Tuy nhiên, “Sashimi kimochi” lại được sử dụng lặp đi lặp lại như một từ khóa trong MV của Chi Pu, còn không quên nhấn nhá khiêu gợi: “Sashimi kimochi/ Đồ ăn phải ngon thì anh mới thèm/ Phải tươi thật tươi thì anh mới quay lại/ Cũng như tình yêu phải luôn giữ gìn cho tươi và ngon cả ngày thêm rượu mơ là anh chết ngay”,…
Ngoài ra, MV này của Chi Pu còn có thêm phân đoạn dài hơn một phút gần cuối để diễn tả cho thật rõ ý. Phân đoạn cô gái nằm giữa đạo cụ biểu tượng đôi đũa, đạo diễn MV và Chi Pu cho biết hình ảnh sashimi xuyên suốt ca khúc chính là người phụ nữ. Đồng nghĩa, MV đang hướng tới sự mời gọi đàn ông của cô gái, mong đàn ông hãy “ăn tươi nuốt sống” mình, còn mách nước “cửa em thì không khóa đâu”,…
Sau khi MV của Chi Pu ra mắt, nhiều khán giả thể hiện sự thất vọng về hướng đi của Chi Pu, thậm chí nhiều người còn đặt câu hỏi tại sao cô lại có thể hát ra những từ ngữ phản cảm như vậy?
Chi Pu chia sẻ cô sẽ ra mắt mỗi tháng 1 MV, trong vòng 5 tháng liên tiếp. Chưa biết những MV còn lại ra sao, còn 2 MV chào sân (“Black Hickey" đã biến mất trên You Tube) có yếu tố phản cảm đã cho thấy lần trở lại với âm nhạc của cô phần nào đã thất bại. MV ca nhạc dù có mục đích giải trí đi nữa cũng cần thể hiện sự văn minh, trách nhiệm của người nghệ sĩ với “đứa con” của mình, với khán giả. Sản phẩm chứa sự dung tục, phản cảm không chỉ coi là thảm họa về mặt nghệ thuật mà nó còn truyền tải thông điệp lệch lạc cho người xem, đặc biệt là khán giả trẻ.
Thiết nghĩ, mỗi nghệ sĩ nên tự nghiêm khắc với bản thân, đừng đi con đường “mạo hiểm”, đánh bóng tên tuổi bằng một sản phẩm tiêu cực, gây tranh cãi để lấy sự chú ý của công chúng, lượt view. Bản chất của nghệ thuật là đẹp đẽ, nhân văn. Những sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa sẽ tự mình tỏa sáng, còn những thứ được “nhận vơ” là nghệ thuật thì có “cố đấm ăn xôi”, chúng cũng mãi là thảm họa, không được khán giả thừa nhận.