Vỉa hè và vấn đề xử lý hài hòa lợi ích
Thay đổi cách tiếp cận
Từ năm 1995, khi lập quy hoạch khu phố cổ và năm 1999, thời điểm xây dựng quy chế tạm thời về quản lý bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cổ, thành phố Hà Nội đã đặt vấn đề khai thác vỉa hè nhằm phát huy tối đa giá trị. Tới năm 2014, Hà Nội bắt đầu thực hiện“Năm trật tự văn minh đô thị”, từ đó đến nay vỉa hè Hà Nội liên tục được đặt trong các cao điểm lập lại trật tự. Tuy nhiên, cũng từng đó năm, vẫn chưa có một giải pháp cụ thể nào được đưa ra để xử lý dứt điểm bài toán trật tự đô thị.
Việc tuân thủ pháp luật sẽ góp phần khắc phục tình trạng lộn xộn, nhếch nhác ở vỉa hè Hà Nội. Ảnh: Minh Phương.
Thống kê 10 năm qua cho thấy, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” và cả 5 lần đó, lực lượng chức năng đều ra quân tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh cáo, xử phạt, rồi rầm rộ tháo dỡ hàng quán lấn chiếm vỉa hè… nhưng chiến dịch vừa xong thì đâu lại vào đấy. Vỉa hè tiếp tục bị lấn chiếm, người đi bộ không có chỗ đi, hàng rong, giữ xe, quán xá đua nhau mọc lên chiếm dụng vỉa hè tạo nên bức tranh nhếch nhác cho các đô thị.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là tâm lý coi “vỉa hè là của mình” của một bộ phận người dân hằng ngày vẫn mưu sinh nơi hè phố. Với một số người dân, hàng quán vỉa hè không chỉ thuận tiện mà quan trọng hơn là không mất hoặc mất rất ít phí thuê mặt bằng. Những lợi ích này đã đẩy vỉa hè vào cuộc chiến “giằng co” giữa các bên liên quan. Chúng ta chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về đóng góp của kinh tế vỉa hè, nhưng vào năm 2017, một báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động kinh doanh của các hộ cá thể trên vỉa hè chiếm 11-13% GDP. Vì thế, bên cạnh việc ra quân lập lại trật tự, đề xuất thí điểm cho thuê vỉa hè cũng đã được triển khai thí điểm từ năm 2022, đơn cử như một phần vỉa hè phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội hiện đang được cho thuê với mức giá 45.000 đồng/m2/tháng.
Theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, vỉa hè cần được quản lý chặt chẽ bởi chúng gắn với kiến trúc không gian hai bên, là đặc thù của từng tuyến phố, từng đô thị. “Trước hết cần phải hiểu vỉa hè là không gian dành cho người đi bộ nhưng nó cũng là không gian chuyển tiếp từ giao thông công cộng sang nhà dân, ở Hà Nội vỉa hè còn là không gian cảnh quan với nhiều cây xanh mang đặc thù của Hà Nội. Bên cạnh đó, vỉa hè còn là nơi lắp đặt nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm điện, nước, cáp viễn thông…”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nghiêm, Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều quy định về quyền của người sử dụng đất, trong đó có đất công cộng, đất vỉa hè và đất của những người là chủ sở hữu các ngôi nhà liền kề vỉa hè. Vì vậy, cho thuê lòng đường, hè phố là một giải pháp đề xuất nhưng cần phải nghiên cứu những quy định của Luật Đất đai (sửa đổi). “Hà Nội đã thí điểm đề án trên ở một số nơi tại quận Hoàn Kiếm, tiêu biểu là phố Lý Thường Kiệt. Cơ quan triển khai đề án cần thực hiện theo ý dân chứ không được tự quyết. Bởi đề án cho thuê lòng đường, hè phố có thể giúp khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên về đất đai, tăng thêm nguồn thu. Tuy nhiên, điểm bất lợi đó là không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở từng khu vực mà còn tăng thêm áp lực về mặt giao thông”, KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.
Lợi ích đi kèm thách thức
Là một Thành phố đang trên đà hội nhập và phát triển, việc để xảy ra những “lộn xộn” xung quanh câu chuyện quản lý đô thị là điều đáng tiếc nói chung của thành phố Hà Nội. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Thành phố đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những vấn đề liên quan; Luật Thủ đô có quy định nghiêm cấm lấn chiếm, sử dụng vỉa hè, lòng đường trái quy định. Điều 4 trong Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng quy định 3 điều nên làm và 4 điều không nên làm để giữ gìn không gian vỉa hè nơi đô thị. Trong Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” nhiều vấn đề cũng đã được đưa ra nhằm bảo đảm tính bền vững của quá trình đô thị hóa, giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị… và giờ đây, Thành phố cũng đang nghiên cứu thí điểm mở rộng đề án cho thuê vỉa hè.
Theo dự kiến, một số tuyến phố trên 5 mét, sau khi chừa lại 1,5 mét cho người đi bộ, sẽ được thí điểm để cho thuê. Thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu mô hình các nước để đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, kể cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ. Tuy nhiên, một số người dân lại không đồng tình. Các ý kiến lo ngại cho rằng vỉa hè theo luật, theo đúng chức năng là dành cho người đi bộ. Việc cho thuê vỉa hè sẽ gây ra nhiều vấn đề khác như gây ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông và ảnh hưởng đến mĩ quan đô thị… Những quan ngại này là có cơ sở khi tình trạng lấn chiếm, sử dụng vỉa hè sai mục đích, sai công năng diễn ra tràn lan ở hầu khắp tuyến đường, ngõ phố khiến chính quyền cơ sở rất vất vả trong xử lý do lực lượng nhân sự mỏng. Tuy nhiên, đây cũng chính là những lý do để tin tưởng đề án “cho thuê vỉa hè” sẽ thu được kết quả nhất định.
Trước hết, việc cho thuê vỉa hè sẽ gắn được trách nhiệm của người sử dụng vỉa hè. Họ, những người sử dụng vỉa hè sẽ được “tạo điều kiện” để kinh doanh nhưng họ cũng sẽ phải có trách nhiệm giữ gìn trật tự đô thị. Thứ hai, việc cho thuê vỉa hè sẽ đóng góp một phần vào ngân sách chung của Thành phố, từ đó tạo thêm nguồn lực cho công tác chỉnh trang đô thị.
Nhiều ý kiến cho rằng, để hiện thực hóa được quan điểm này, chắc chắn cần có thời gian để nghiên cứu, thống kê tình trạng, đặc điểm các vỉa hè của từng tuyến phố. Bởi vỉa hè của Hà Nội có điểm khác biệt là không nơi nào giống nơi nào. Có những tuyến phố vỉa hè rất rộng, thoáng, nhưng có những tuyến phố vỉa hè rất nhỏ, hẹp. Vì vậy, chính quyền địa phương cần thống kê chi tiết, đầy đủ tình trạng mỗi tuyến đường để lên danh sách các tuyến phố có vỉa hè đủ điều kiện cho thuê. Cùng trong các quận nội đô nhưng vỉa hè mỗi tuyến đường, phố lại có mức độ sầm uất khác nhau, do đó mức giá cho thuê cũng cần tính toán cho phù hợp. Ngoài ra, việc quản lý và giám sát việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh cũng đòi hỏi chính quyền phải có giải pháp phù hợp và chặt chẽ bởi điều quan trọng nhất, vỉa hè cho thuê nhưng không làm cản trở người bộ hành, nếu người bộ hành phải xuống lòng đường, coi như chính sách thất bại.
Tại hội nghị giao ban của thành phố mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án cho thuê, thu phí vỉa hè theo giờ và bố trí điểm đỗ xe trên lòng đường ở những điểm phù hợp. Dư luận đang trông đợi cơ quan quản lý sớm nghiên cứu, đưa ra giải pháp tổng thể, toàn diện và lâu dài để quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường theo hướng công khai, minh bạch.