Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện thể chế, pháp luật về quyền con người
Quyền con người gắn liền với quyền tự do và độc lập dân tộc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được xem là hình mẫu cho những hành vi lập hiến, lập pháp và tư pháp của các quốc gia. Hiện nay, đã có 120 quốc gia đã thành lập Cơ quan quốc gia về quyền con người- một thiết chế của nhà nước được trao thẩm quyền giám sát việc bảo đảm quyền con người. Điều này cho thấy sự đồng thuận và cam kết mạnh mẽ của các quốc gia trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Với truyền thống yêu chuộng hòa bình và công lý, là dân tộc đã phải trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam càng hiểu rõ giá trị cao quý của quyền con người và quyền tự quyết dân tộc đã được khẳng định trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Tuyên bố và Chương trình hành động Viên.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận và tiếp thu những giá trị tinh hoa của nhân loại... Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát triển tư tưởng quyền “tự nhiên” của mỗi cá nhân thành quyền đương nhiên của mọi dân tộc để khẳng định rằng, quyền con người luôn gắn liền với quyền tự do và độc lập của dân tộc.
Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã nỗ lực mạnh mẽ trong việc thực hiện các cam kết và hợp tác quốc tế, hoàn thiện pháp luật, cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước quốc tế cơ bản, cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc (LHQ), 25 Công ước về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 Công ước cơ bản… Nội dung của các công ước đã được nội luật hoá kịp thời trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn.
“Việt Nam cũng đã chủ động nộp báo cáo rà soát định kỳ phổ quát lần 1, 2, 3 và các báo cáo quốc gia về tình hình thực thi nghĩa vụ đối với các công ước về quyền con người mà Việt Nam là thành viên… Gần đây nhất, vào ngày 29-30/11/2023, Việt Nam đã có phiên đối thoại quốc gia với Uỷ ban Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc. Việt Nam luôn chủ trương coi trọng việc đối thoại, hợp tác với các nước, đối tác trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”- GS.TS Lê Văn Lợi cho biết.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện thể chế pháp luật về quyền con người, đã từng bước nội luật hoá các chuẩn mực quốc tế về quyền con người vào Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam đã nỗ lực tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người. Đường lối, chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, đồng thời tăng cường giáo dục để nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về quyền con người.
“Có thể khẳng định, các nguyên tắc, chuẩn mực về quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 và Tuyên bố và Chương trình hành động Viên năm 1993 đã được Việt Nam nỗ lực thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, thể hiện ở tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá”-Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Nhiều thành tựu quan trọng trong bảo đảm quyền con người
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp lý về quyền con người. Đến nay, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, trong đó chú trọng xây dựng pháp luật về quyền con người tương đối toàn diện, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và từng bước tương thích với các quy định quốc tế về quyền con người.
Bản Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội Khóa XIII thông qua là kết quả của gần 30 năm đổi mới, được xem là đỉnh cao trong lịch sử lập hiến bảo vệ quyền con người. Với 120 điều, Hiến pháp đã dành 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.
Bên cạnh hệ thống pháp luật, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Lần đầu tiên vai trò, trách nhiệm của Nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 3 và Điều 14 của Hiến pháp năm 2013, đó là Nhà nước đã thừa nhận trách nhiệm/nghĩa vụ của mình là “công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”.
Từ quy định này, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định rất rõ vai trò của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Đối với Quốc hội, “tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp…”.
Vẫn theo PGS.TS Tường Duy Kiên, thông qua các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương đã đạt được nhiều thành quả quan trọng.
Với vai trò, sứ mệnh và trọng trách của Nhà nước pháp quyền là tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XIII) đã thông qua Nghị quyết số 27- NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới, trong đó xác định mục tiêu tổng quát là thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân…
“Đây là những định hướng, quan điểm, tầm nhìn quan trọng cho việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân trong giai đoạn mới...”- ông Kiên cho biết.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn một số nội dung như: tiếp tục làm sáng tỏ ý nghĩa, giá trị thời đại của Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người và ý nghĩa đối với Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững, vì con người, lấy con người làm trung tâm; phân tích, đánh giá những thành tựu đạt được của Việt Nam trong việc bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy quyền con người thời gian qua; phân tích, làm rõ những thuận lợi và thách thức trong việc bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và trên thế giới trong bối cảnh có nhiều thay đổi đang diễn ra nhanh chóng, nhất là trước tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Các đại biểu cũng sôi nổi thảo luận đề xuất phương hướng và giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc gia phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người; tăng cường đối thoại và đấu tranh vì quyền con người nhằm góp phần trực tiếp vào công tác bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và trên thế giới.
Theo PGS.TS Tường Duy Kiên, với những nỗ lực chung trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia và khu vực, các nước thành viên ASEAN chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2023-2025. Là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến cùng với Bangladesh, Phillipin xây dựng thành công Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền về quyền con người và biến đổi khí hậu; Nghị quyết về tổ chức kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên; sáng kiến về quyền con người và tiêm chủng; tích cực bảo vệ quyền lợi của các nước đang phát triển; quyền của các nhóm yếu thế... được các nước đánh giá cao.