Việt Nam - Bangladesh: Cùng đặt ra mục tiêu và khát vọng phát triển mạnh mẽ
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội (QH) đã chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Bangladesh những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đã đạt được sau hơn 37 năm tiến hành công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Đồng thời, chỉ ra điểm thú vị giữa Việt Nam và Bangladesh khi hai nước cùng đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển mạnh mẽ.
Cụ thể là, Bangladesh đặt mục tiêu “Tầm nhìn 2041”, đưa Bangladesh trở thành quốc gia hiện đại và tri thức vào năm 2041 nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước. Trong khi đó, Việt Nam cũng đặt ra hai mục tiêu đến năm 2035 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
“Để thực hiện mục tiêu và khát vọng trên, chúng tôi xác định nội lực là cơ bản và quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng và có tính đột phá cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự cường, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”, Chủ tịch QH nhấn mạnh và nêu rõ, mọi quyết sách của QH và Chính phủ đều phải lấy người dân và DN làm trung tâm - đây là thông điệp nhất quán mà Việt Nam gửi đến cộng đồng DN trong nước và quốc tế, trong đó có cộng đồng DN Bangladesh.
Trong tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay, Chủ tịch QH nhấn mạnh, Việt Nam và Bangladesh cần thiết và hoàn toàn có thể tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi thương mại cho nhau, tăng cường kết nối giữa DN hai nước để duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hình thành và cùng nhau phát triển chuỗi cung ứng mới, nhất là trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh; tăng cường hợp tác nông thủy sản (đặc biệt là gạo và lương thực), dệt may, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Trong các cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo Bangladesh và các lãnh đạo các hiệp hội DN, các nhà DN Bangladesh đều đề cập, mong muốn mở đường bay thẳng Việt Nam - Bangladesh. Chủ tịch QH ủng hộ và cho rằng, đề xuất này rất khả thi bởi với quy mô dân số hai nước lên tới 270 triệu dân và tiềm năng hợp tác còn rất lớn, nhu cầu đi lại, hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Chủ tịch QH cũng nêu rõ, Việt Nam không theo đuổi mục tiêu xuất siêu sang Bangladesh mà mong muốn hai nước cùng nhau tăng kim ngạch thương mại tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của cả hai bên; đề nghị ngay trong năm 2024 sẽ đạt mục tiêu 2 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước đã đặt ra, đồng thời hướng đến việc nhanh chóng tăng gấp đôi con số này trong thời gian tới.
Nhấn mạnh tương lai quan hệ hợp tác Việt Nam - Bangladesh còn rất lớn và phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác năng động, sáng tạo, hiệu quả của chính các DN, Chủ tịch QH bày tỏ tin tưởng hai nước sẽ cùng nhau viết tiếp những chương mới trong 50 năm tiếp theo với những kết quả tốt đẹp hơn, mang lại phồn vinh cho mỗi nước và hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước.
Với sự chứng kiến của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và các đại biểu hai nước, nhân dịp này, các DN hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Lãnh đạo các Bộ, ngành và các DN hai nước cũng đã trực tiếp gặp gỡ, chia sẻ nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư cụ thể trong thời gian tới trong các lĩnh vực như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin, năng lượng, du lịch, hàng không, dịch vụ tổ chức sự kiện, dịch vụ xúc tiến thương mại và đầu tư…
Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Bangladesh, tối 23/9 (theo giờ Việt Nam), Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã tới Thủ đô Sofia, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Bulgaria, theo lời mời của Chủ tịch QH Cộng hòa Bulgaria Rosen Zhelyazkov. Chuyến thăm của Chủ tịch QH nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Bulgaria nói chung, quan hệ hợp tác giữa QH hai nước nói riêng, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Đây cũng là chuyến thăm của Chủ tịch QH Việt Nam sang Bulgaria sau 15 năm, kể từ chuyến thăm của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng vào năm 2008. Năm 2012, QH hai nước đã ký Biên bản Ghi nhớ hợp tác và duy trì tiếp xúc, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương như IPU, ASEP.