1. Trang chủ /
  2. Việt Nam vẫn là 'bến đỗ' lâu dài của nhà đầu tư nước ngoài

Việt Nam vẫn là 'bến đỗ' lâu dài của nhà đầu tư nước ngoài

thứ bảy, 26/3/2022 07:57 GMT+07
(PLM) - Dựa trên kết quả thực tiễn trong hoạt động thu thút đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) tin tưởng, môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới vẫn là "bến đỗ" lâu dài của nhà đầu tư nước ngoài và có triển vọng tốt với các dự án mới.

Những 'minh chứng sống' về sự tin tưởng cao vào môi trường đầu tư tại Việt Nam

Ông dự báo ra sao về triển vọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước ta trong bối cảnh hiện nay?

Ông Phan Hữu Thắng: Theo tôi, FDI năm nay có triển vọng tốt với các dự án mới. Chính phủ đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về FDI và nâng cao chất lượng quản lý FDI theo hướng xây dựng chính phủ số sẽ đảm bảo cho việc đạt được các mục tiêu đã đặt ra đối với đầu tư nước ngoài trong năm 2022 cũng như giai đoạn đến năm 2025, 2030 mà Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã nêu. Việt Nam sẽ là điểm đến được lựa chọn của các dự án FDI mới mà Việt Nam mong muốn.

Nhận định và dự báo của tôi dựa vào thực tế thời gian qua. FDI trong năm 2021 tuy thấp hơn mức đã đạt được trước đại dịch (năm 2019 đạt 38,95 tỷ USD), nhưng đã vượt 9,2% so với năm 2020 với 31,15 tỷ USD, góp phần giúp kinh tế Việt Nam vượt qua một năm đầy khó khăn từ những hệ lụy nghiêm trọng do dịch COVID-19 gây ra, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng đạt 2,58%, tuy là mức thấp nhất, nhưng là một mức tăng trưởng cao so với nhiều quốc gia khác trong bối cảnh cùng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Kết quả thu hút FDI 2 tháng đầu của năm nay cũng khá ấn tượng khi mức vốn thực hiện đạt 2,69 tỷ USD, tăng 7,2% so cùng kỳ năm 2021. Đây là "con số biết nói", thể hiện quyết tâm của các nhà đầu nước ngoài tăng cường đầu tư tại Việt Nam. Số lượng dự án đầu tư mới tăng 45% cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào kết quả thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 của Chính phủ. Do vậy, xuất khẩu của khu vực FDI tăng trở lại trong tháng 2, xuất siêu trên 3,9 tỷ USD kể cả dầu thô.

Điểm đáng lưu ý là một số dự án quy mô lớn đang đầu tư vào những lĩnh vực đã tăng vốn, mở rộng sản xuất, thêm "những minh chứng sống" về sự tin tưởng cao vào môi trường đầu tư nước ta. Sự an lành và phát triển của "những con chim lớn hiện có sẽ lôi kéo nhiều đàn chim khác đến".

Cụ thể, những con "đại bàng" và mang dáng dấp "đại bàng con" đã tăng vốn mở rộng sản xuất trong 2 tháng qua, như: Dự án công ty TNHH Samsung Electronic-mechanics (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn thêm 920 triệu USD tại tỉnh Thái Nguyên; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn thêm gần 941 tiệu USD; dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các ấn phẩm âm thanh đa phương tiện (Hong Kong, Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại tỉnh Bắc Ninh.

Nhận diện thách thức, tận dụng nguồn lực FDI thực chất hơn

Theo ông, thời gian tới, đâu là thách thức đối với việc khai thác nguồn lực FDI tại Việt Nam?

Ông Phan Hữu Thắng: Thế giới luôn biến động và khó dự báo. Dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, cạnh tranh,… có thể sẽ vẫn tiếp diễn, do vậy mỗi quốc gia đều có những cách thích ứng của mình để tồn tại và phát triển, nhất là những quốc gia có quy mô nền kinh tế còn nhỏ, còn bị phụ thuộc vào bên ngoài, vào dòng vốn đầu tư toàn cầu khi dòng vốn này cũng đang biến động.

Tuy ở trên tôi đã đề cập đến các chiều thuận về khả năng tăng trưởng của FDI trong tương lại gần, nhưng không có nghĩa là Việt Nam không phải làm gì vẫn sẽ nhận được những kết quả theo dự báo mong muốn đó.

Đổi mới-sáng tạo-phát triển là phương châm điều hành nền kinh tế, trong đó thu hút nguồn vốn FDI luôn được Bộ KH&ĐT chú trọng tổ chức thực hiện. Tuy vậy, tôi cho rằng các nhà quản lý cần nhận ra các thách thức đối với Việt Nam trong từng giai đoạn để có các giải pháp khắc phục.

Về thách thức nội tại, từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam có những điểm yếu như: Sức mua dù tăng trưởng, nhưng vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực (nhỏ hơn 4 lần so với Indonesia); thiếu quy hoạch đồng bộ và dài hạn trong thu hút FDI; hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến đầu tư không ổn định, nhất quán nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung; thủ tục hành chính về đầu tư còn phức tạp do cơ chế quản lý và hệ thống luật pháp liên quan đến đầu tư còn chồng chéo; nguồn cung đầu vào tại chỗ còn yếu; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển…

Về thách thức từ bên ngoài, tôi nghĩ cản trở lớn nhất có ảnh hưởng đến cơ hội của Việt Nam trong hợp tác đầu tư nước ngoài là nằm ngay sát một nền kinh tế lớn, có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, như Trung Quốc.

Những ưu thế của Việt Nam so với các nước cùng trong ASEAN không thật sự rõ ràng khi Việt Nam dù có một số điểm mạnh, nhưng có điểm yếu là môi trường pháp lý chưa thật sự hoàn thiện - điều các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại nhất.

Ngoài ra, nếu tiếp tục tập trung thu hút FDI về lượng, Việt Nam sẽ dễ bị ảnh hưởng và tổn thương hơn do sự thay đổi trong cấu trúc thương mại, cung ứng trên thế giới do độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất cao.

Ông đã từng đề cập đến "luồng FDI không sạch". Vậy các nhà quản lý cần "chèo chống" ra sao trước vấn đề này?

Ông Phan Hữu Thắng: Đối với định nghĩa về những dự án FDI không sạch, phải nhận rõ để loại bỏ ngay từ đầu. Đó là khi đứng đằng sau các dự án này có ý đồ chính trị, dự án có khả năng gây môi nhiễm môi trường, dự án công nghệ lạc hậu, dự án đưa nhiều lao động phổ thông người nước ngoài vào làm việc; những dự án siêu nhỏ (như dưới 5 triệu USD/dự án) xin đầu tư tại các thành phố, đô thị lớn; các dự án xin đăng ký đầu tư vào các vùng đất nhạy cảm về an ninh, quốc phòng...

Để tận dụng nguồn vốn FDI thực chất hơn và giải quyết bài toán về "luồng FDI không sạch", rõ ràng, các nhà quản lý cần ngồi lại, cùng tìm ra các giải pháp chung áp dụng trong toàn quốc đối với mọi cấp quản lý để sớm loại bỏ được các tồn tại trong thu hút, quản lý FDI hiện nay và giảm thiểu đến mức tối đa các tác động tiêu cực từ các thách thức đã được nêu trên đối với FDI tại Việt Nam.

Trước mắt, cần có các giải pháp thích hợp để thực hiện được chủ chương đa phương hóa, dạng hóa đối tác đầu tư, như có thể xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội bằng nguồn vốn FDI theo ngành, vùng kinh tế, với chương trình xúc tiến đầu tư có địa chỉ rõ ràng để cộng đồng doanh nghiệp Việt, chính quyền các cấp ở Trung ương và các địa phương theo đó thực hiện.

Nhìn chung, bước vào giai đoạn mới, xu hướng chung của nền kinh tế Việt Nam là tích cực, đời sống kinh tế-xã hội dần phục hồi. Để đẩy mạnh thu hút FDI hiệu quả, cần tổ chức thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023 của Chính phủ đang triển khai với mục tiêu đưa nền kinh tế sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững. Cùng với chương trình này là việc nghiêm túc tổ chức thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.